Bà Đoàn Thị Điểm (1705 - 1748), hiệu Hồng Hà, biệt hiệu Ban Tang, sinh tại làng Hiến Phạm, xã Giai Phạm, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Do lấy chồng họ Nguyễn nên bà còn có tên là Nguyễn Thị Điểm.
Bà làm thơ rất hay, tiếng tăm đã nổi từ 15 tuổi, được những bậc hay chữ cùng thời như Ngô Thì Sĩ, Đặng Trần Côn tán thưởng.
Tác phẩm Chinh Phụ Ngâm diễn Nôm đã đưa tên tuổi của bà lên đỉnh cao trong nền văn học nước nhà. Bản dịch được xem là tác phẩm ưu tú nhất của nền thi văn trung đại Việt Nam.
Chinh Phụ Ngâm được Đặng Trần Côn viết bằng Hán văn. Bà đọc say mê, cảm thấy nỗi lòng của nàng chinh phụ trong tác phẩm giống hệt tâm trạng của bà lúc xa chồng. Bà đã đem hết nỗi lòng cô đơn, nhớ nhung, lo lắng cho chồng mà dịch ra thơ Nôm. Tuy là bản dịch, nhưng thậm chí tác phẩm của bà còn được yêu thích hơn bản chính, nên đến nay được xem như là một sáng tác của bà Điểm.
Tác phẩm từng được dịch ra tiếng Pháp bởi những nhà văn trong nhóm Mercure de France, với tên Les Plaintes d'une Chinh phu (1939). Sau này giáo sư Takeuchi dịch ra tiếng Nhật, với tên Seifu Ginkyoku.
Đoàn Thị Điểm là người có tài trí và nhan sắc hơn người, nổi tiếng từ hồi trẻ. Năm 16 tuổi, có quan thượng thư Lê Anh Tuấn mến mộ nhận làm con nuôi, ông có ý tiến cử vào cung chúa Trịnh, nhưng bà nhất định từ chối.
Bà Đoàn Thị Điểm
Năm 1729, lúc bà 25 tuổi thì cha mất. Sau tang cha, bà theo vợ chồng anh trai Đoàn Luân đến cư ngụ ở làng Vô Ngại, huyện Đường Hào (Hưng Yên) mở trường dạy học.
Nhưng ông Luân mất sớm, bà Điểm lại đem gia đình lên Sài Trang, ở đây bà được mời dạy học cho một cung nữ. Thời gian này bà kiêm luôn nghề bốc thuốc, gần như một tay nuôi sống cả gia đình - gồm 2 cháu nhỏ, mẹ và chị dâu goá. Bởi tài năng và sắc đẹp cộng với tính hiếu thuận, bà được nhiều người cầu hôn nhưng nghĩ đến gia đình đành chối từ tất cả.
Năm 1739 bà lại dẫn gia đình về xã Chương Dương dạy học.
Dù dạy học ở đâu, bà cũng được có rất đông học sinh theo học, trong đó có người sau này đỗ tiến sĩ là ông Đào Duy Ích.
Năm 1743, sau một lời cầu hôn bất ngờ và chân thành, bà nhận lời làm vợ lẽ của ông binh bộ tả thị lang Nguyễn Kiều, theo ông về kinh đô.
Ông Nguyễn Kiều đậu tiến sĩ từ năm 21 tuổi, nổi tiếng là người hay chữ. Sau đám cưới vài ngày, thì ông Kiều phải đi sứ sang Trung Quốc. Thời gian này Đoàn Thị Điểm còn nghiên cứu thiên văn, bói toán và viết sách.
Cũng trong thời gian này, bà Đoàn Thị Điểm đã diễn Nôm tác phẩm Chinh Phụ Ngâm.
Năm 1746, ba năm chờ chồng dài đằng đẳng vừa kết thúc, bà lại phải khăn gói, từ biệt mẹ già, cháu nhỏ để sang Nghệ An, nơi ông Kiều mới được triều đình bổ nhiệm. Hai năm sau, bà Đoàn Thị Điểm qua đời, hưởng dương 44 tuổi.
Sự kính yêu của người đời sau với Đoàn Thị Điểm không chỉ vì tài thi văn điêu luyện, đặc sắc, còn vì bà có những phẩm chất cao quý, đức hạnh xứng đáng là mẫu phụ nữ tiêu biểu của xã hội Việt Nam ở mọi thời đại.
Theo phunuvietnam.vn