Tương truyền, bà người đất Hồng Châu (Hồng Châu xưa bao gồm một phần đất của tỉnh Hưng Yên, một phần đất của Hải Dương và một phần đất của Hải Phòng ngày nay). Bà, vừa có nhan sắc lại có tài múa hát, ngay từ nhỏ đã nổi tiếng khắp vùng.

Bấy giờ nước ta vừa thoát khỏi ách đô hộ nhà Đường, Trung Quốc. Vào thời kỳ này giáo phường dân gian đang rất phát triển, là nơi tập hợp những người làm nghề hát xướng. Các giáo phường thường giữ vai trò chủ chốt trong các đám tế thần và các buổi hội làng. Phạm Thị Trân là một trong những đào nương lừng danh trong chốn giáo phường, đã hát hay múa giỏi lại đánh trống rất tài, danh tiếng lan truyền khắp nơi. Giáo phường của bà thường được các danh gia vọng tộc khắp vùng mời đến biểu diễn.

Năm 968, vua Đinh Tiên Hoàng lên ngôi, đóng đô ở Hoa Lư, thiết lập cung điện, định đặt triều nghi, tổ chức lại quân đội. Quân đội thời cổ thường dùng trống làm hiệu lệnh, nghe đồn về tài đánh trống của bà, vua Đinh đã mời bà về kinh đô Hoa Lư dạy quân lính đánh trống lệnh. Đôi quân Thập đạo của nhà Đinh hơn vạn người vốn toàn nông dân chưa quen với quy củ từ đó răm rắp tiến thoái theo lệnh trống. Tại kinh đô, bà không chỉ dạy đánh trống mà còn dạy múa hát diễn trò trong cung và được nhà vua phong là Ưu bà (nghĩa là người phụ nữ lớn tuổi đáng kính làm nghề hát xướng).

Ưu bà Phạm Thị Trân là một trong những nghệ sĩ nổi danh có đóng góp lớn cho việc hoàn thiện nghệ thuật nhạc trống trong nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Về sau, người ta cho rằng nghệ thuật hát chèo được manh nha từ thời đó nên bà Phạm Thị Trân được dân gian vùng Hải Dương – Hưng Yên tôn làm bà tổ nghề hát chèo và lập đền thờ phụng. Hàng năm cứ đến ngày 18 tháng 2 Âm lịch – ngày giỗ của bà, hội làng được tổ chức linh đình với chiếu chèo rộn rã tiếng trống làm náo nức lòng người.

Theo Phụ nữ Việt Nam trong lịch sử - Nhà xuất bản Phụ nữ