Đạm Phương nữ sử là một học giả nổi tiếng ở đầu thế kỷ XX, là người tâm huyết với các vấn đề liên quan tới giáo dục, phụ nữ và trẻ em. Bà đã cho ra đời cuốn sách Giáo dục nhi đồng. Trong tác phẩm này, Đạm Phương nữ sử đã nêu bật được vai trò của giáo dục trong gia đình tới sự hình thành nhân cách và tư duy của trẻ, đây là một quan điểm rất tiến bộ so với phương pháp giáo dục truyền thống đương thời.

Các bà mẹ chính là người thầy đầu tiên của con cái. Muốn đứa con ngoan ngoãn, hiểu biết, tự lập; chắc chắn người mẹ phải có phương pháp giáo dục đúng đắn. Khi ấy, tình trạng “đa sinh, thiếu dưỡng” phổ biến trong các gia đình.

Những năm đầu đời, con trẻ lớn lên thuận theo tự nhiên, không có sự can thiệp của giáo dục, không được cha mẹ rèn giũa nhiều. Tới tuổi đến trường, phụ huynh mới nghĩ đến chuyện dạy con. Theo Đạm Phương nữ sử, khi một đứa trẻ 5-6 tuổi mới nghĩ đến chuyện đưa vào khuôn khổ là hơi muộn. Bà đã nêu được tầm quan trọng của giáo dục sớm đối với con trẻ. Đây là một quan niệm rất tiến bộ, so với tư duy giáo dục truyền thống là “trời sinh voi, trời sinh cỏ”.

Sách Giáo dục nhi đồng của Đạm Phương nữ sử. Ảnh: Hoàng Thanh Thủy.
Sách Giáo dục nhi đồng của Đạm Phương nữ sử. Ảnh: Hoàng Thanh Thủy.

Trong cuốn sách của mình, Đạm Phương nữ sử đã đưa ra 2 khái niệm cốt lõi trong việc dạy dỗ, bảo ban một đứa trẻ, đó là: Giáo dục và tập dưỡng. Nếu “giáo dục” là một quá trình tương tác hai chiều giữa cha mẹ và con cái, thì “tập dưỡng” chỉ đơn giản là hình thành thói quen cho bé. Theo tác giả, khi đứa trẻ khoảng 3 tuổi, chúng ta mới có thể giáo dục chúng, vì lúc đó đứa bé mới hình thành nhận thức. Còn quá trình “tập dưỡng” phải được bắt đầu từ thuở lọt lòng.

Để xây dựng cho con các thói quen tốt từ khi còn nhỏ, các bà mẹ nên tập cho bé ăn đúng giờ, ngủ đúng giấc, từ đó xây dựng một lịch sinh hoạt cụ thể cho con. Không được tùy ý thay đổi thói quen ăn ngủ của trẻ, nếu làm như vậy thể chất của bé sẽ bị ảnh hưởng, dẫn đến việc quấy khóc, cáu gắt.

Để luyện được cho bé thói quen ăn ngủ đúng giờ, người mẹ phải kiên trì, chú ý quan sát con một cách kỹ càng. Đừng chiều theo hứng thú nhất thời của đứa trẻ mà thay đổi lịch sinh hoạt. Đưa con vào khuôn khổ, sẽ giúp em bé ăn ngoan hơn, ngủ tốt hơn, từ đó khiến mẹ nhàn nhã hơn trong quá trình nuôi con nhỏ. Quan điểm này khá giống với việc nuôi con theo phương pháp Easy của các bà mẹ hiện đại.

Trái với quan niệm đương thời: chăm sóc con cái là việc của phụ nữ, Đạm Phương nữ sử cho rằng: vợ chồng nên trao đổi với  nhau trong quá trình nuôi dạy con. Sự xung đột của cha mẹ trong giáo dục gia đình sẽ ảnh hưởng xấu đến đứa trẻ, phá vỡ các thói quen tốt hình thành trước đó.

Tác giả tiếp xúc với văn minh phương Tây từ rất sớm qua sách vở, bà rất tâm đắc với câu ngạn ngữ: “Con cái là tấm gương phản chiếu hình ảnh của cha mẹ”. Vì vậy, trước mặt con nhỏ, cha mẹ nên tiết chế và kiểm soát hành vi của mình, nên nói điều hay, cư xử lịch sự.

Quan sát cách hành xử của cha mẹ là bài học “vô thức” đầu tiên của con trẻ về sự tương tác của con người với môi trường xã hội. Từ việc bắt chước, đứa trẻ sẽ xây dựng những thói quen của riêng mình, từ đó hình thành nên tính cách.

Giáo dục nhi đồng của Đạm Phương nữ sử chính là một cuốn sách được viết bởi một bà mẹ Việt, và nó dành cho những bà mẹ Việt. Tuy học hỏi nhiều điều hay từ giáo dục phương Tây, nhưng tác giả đã có những điều chỉnh để phù hợp với văn hóa Việt Nam.

Đạm Phương nữ sử (1881-1947) tên thật là Công Tôn Nữ Đồng Canh, cha của bà là Hoằng Hóa quận vương Nguyễn Phúc Miên Triện, con trai thứ 66 của vua Minh Mạng.

Ngay từ khi còn nhỏ, Quận chúa Đồng Canh đã bộc lộ tư chất thông minh, ham học hỏi. Bà thông thạo chữ Hán, chữ Nôm, tiếng Pháp và đặc biệt có năng khiếu về văn chương. Sống trong thời chế độ phong kiến suy tàn, để duy trì cuộc sống, bà đã học nhiều nghề thủ công, cũng ngày đêm lo canh cửi, dệt lụa, thuê thùa như bao thiếu nữ nhà bình dân khác.

Theo phụ nữ TPHCM