Tên bà lúc đầu là Ngọc Tha, sau đổi là Quốc Hinh. Năm 1342, được phong là Thiên Ninh công chúa. Bà cứng rắn, quyết đoán, từng góp phần dẹp nội loạn ổn định triều chính.

Năm 1369, vua Dụ tông băng hà không có con nối dõi, Hiến từ Hoàng thái hậu mượn danh nghĩa Nhật Lễ là con của Cung Túc vương Dục để đón Nhật Lễ lên làm vua. Nhật Lễ lên ngôi bỏ bê việc triều chính, chỉ thích hát xướng, rượu chè, ăn chơi vô độ, lại muốn đổi lại họ Dương. Thái hậu biết mình sai nên rất hối hận, Nhật Lễ biết vậy bèn đánh thuốc độc giết bà. Tôn thất nhà Trần vô cùng phẫn nộ và lo lắng cho vận mệnh họ Trần. Năm 1370, công chúa Thiên Ninh cùng hai con trai hợp sức với người trong tôn thất mưu giết Nhật Lễ, việc không thành, hai con của bà đều bị hại.

Anh em trong tôn thất nhà Trần quyết phế bỏ Nhật Lễ để đưa Cung Định vương Trần Phủ, con thứ ba của vua Minh tông lên ngôi. Để mọi việc được trót lọt, họ muốn Cung Định vương lánh ra trấn Thiên Hưng ở Đà Giang chuẩn bị lực lượng. Vương lúc đầu không có ý làm vua, nên không muốn đi. Không chịu để ngôi báu thuộc về tay hôn quân và là kẻ ngoại tộc, công chúa Thiên Ninh đã quả quyết đứng ra gánh vác, bà khảng khái nói với Nghệ tông “Thiên hạ là thiên hạ của tổ tông mình, sao lại vứt bỏ nước cho kẻ khác. Anh phải đi đi, em sẽ đem gia nô đi diệt Nhật Lễ cho”. Trước sự cương quyết của công chúa, Cung định vương mới quyết tâm ra đi, rồi ngầm hẹn với người trong tôn thất đem quân về dẹp loạn.

Tháng 11 năm đó, công chúa cùng Cung Tuyên vương Kính, Chương Phủ hầu Trần Nguyên Đán phò tá Cung Định vương đưa quân về kinh phế Nhật Lễ làm Hôn Đức công, rước Cung Định vương lên ngôi (tức vua Nghệ tông).

Năm 1371, bà được Nghệ tông phong là Lạng Quốc thái trưởng công chúa. 

Phụ nữ Việt Nam trong lịch sử - NXB Phụ nữ