Thiệu Ninh công chúa (Thế kỷ XIV)
Cập nhật lúc 21:27, Thứ ba, 27/10/2015 (GMT+7)
Công chúa Thiệu Ninh là con gái vua Nghệ Tông và bà phi họ Vũ. Bà họ Vũ nguyên người xã Tây Quan, hương Cổ Lũ, phủ Long Hưng thời Trần (nay thuộc xã Đông Vinh, Vũ Thư, Thái Bình).
Sau khi vua Nghệ Tông nhường ngôi cho con lên làm thượng hoàng, bà họ Vũ xin được xuất gia về quê tu hành tại ngôi chùa nhỏ ở bản xã. Công chúa Thiệu Ninh là người hiếu thuận, rất yêu quý mẹ. Khi mẹ xuất gia, bà thường xuyên về quê thăm hỏi chăm sóc.
Sau khi Vũ phi mất, năm 1381 công chúa bỏ tiền xây dựng ngôi chùa ở quê đặt tên là Từ Ân. Trong chùa, theo lời Phật dạy, để tỏ lòng hiếu kính báo ân cha mẹ, công chúa lại cho xây nhà hương hỏa để thờ mẹ. Công chúa mong dân chúng sẽ từ lòng nhân từ của đức Phật mà nghĩ đến lòng nhân từ của người sinh ra mình. Từ nguồn ân huệ của đức Phật mà nghĩ đến ân huệ của người sinh ra mình. Điều đó sẽ giúp họ làm trọn đạo hiếu – gốc rễ của đạo làm người.
Việc người đứng ra xây dựng chùa cho thêm nhà thờ cha mẹ tổ tiên trong chùa để báo hiếu là một cách làm khá phổ biến ở thời Trần. Đây chính là nguồn gốc dẫn đến tục gửi giỗ lên chùa trong dân gian đến nay còn rất thịnh.
Chùa Từ Ân từ đó ngày ngày hương khói trống chuông vang vọng, khiến cho dân chúng một vùng noi theo đạo đức từ bi hỷ xả của nhà Phật mà được giáo hóa, hướng đến sự trung hậu.
Dân trong vùng biết ơn công chúa nên sau khi bà mất, dân gian đã lập đền thờ bà, ngôi đền được gọi là Thiệu Ninh công chúa từ.
Phụ nữ Việt Nam trong lịch sử - NXB Phụ nữ