Bà Đỏ thương sinh viên ở trọ nhà mình như con

Anh Nguyễn Ngọc Anh, con trai duy nhất của bà Đỏ, ngậm ngùi nói với chúng tôi qua điện thoại: “Mẹ tôi đang ở Long An thăm người thân thì lên cơn hen suyễn. Bà ngất xỉu, hôn mê. Được đưa vào cấp cứu ở Bệnh viện đa khoa Hậu Nghĩa trong tình trạng tim ngừng thở, phổi không còn hoạt động. Mọi nỗ lực của các bác sĩ đã giúp tim mẹ tôi đập trở lại, tuy nhiên bà phải dùng đến bình oxy để duy trì sự sống. Bà bị chết não”.


Bà Đỏ bị hen suyễn nhiều năm nay, sức khỏe yếu, trong người bà luôn luôn có thuốc. Bà nhập viện ngày 7.11. Đêm 8.11, anh Nguyễn Ngọc Anh đã thuê xe cấp cứu để đưa mẹ từ Long An ra Hà Nội.
“Chúng tôi đang ra Bắc, trên xe có các y bác sĩ theo dõi tình trạng của mẹ. Bệnh viện nói mẹ tôi chỉ trông đợi vào một phép màu thôi, tôi sẽ đưa mẹ tới Bệnh viện Bạch Mai”, anh Ngọc Anh cho biết.
Bà Nguyễn Thị Đỏ (trú ở số nhà 12, ngõ 1096 đường Láng, Hà Nội) là nhân vật chính trong bài báo về bà chủ nhà trọ nấu cho sinh viên ăn, thương sinh viên như con mà Thanh Niên từng đăng tải, gây xúc động cho mọi người.
Bà Đỏ xây nhà trọ cho thuê từ 8 năm nay, trong suốt 8 năm qua bà thường xuyên nấu canh cá, chè hạt sen, cháo đậu cho các sinh viên và người ở trọ cùng ăn. Bà thương sinh viên như con, thường xuyên lui tới từng phòng hỏi thăm hoàn cảnh của mọi người, tổ chức liên hoan các dịp lễ, tết với sinh viên, gặp sinh viên khó khăn, bà cho nợ tiền nhà rồi cho cơm, đồ ăn...

Những ngày này, sinh viên ở trọ xóm trọ bà Đỏ thấp thỏm đón bà về, họ chỉ biết cầu trời mong những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với bà chủ nhà tốt bụng như bà nội, bà ngoại của mình.
“Bác ơi, bác hứa đi chơi về sẽ nấu canh cá cho chúng cháu ăn nữa mà”, Phương, người ở trọ 2 năm nay, nói trong nước mắt.
Thu Hằng, một sinh viên trong xóm trọ xúc động: “Bác ơi, cháu nguyện đổi sức khỏe của mình nếu được để bác về nhà. Cuộc sống vốn dĩ công bằng cơ mà…”.
Anh Nguyễn Ngọc Anh cho hay sẽ làm mọi cách để cứu mẹ, nhưng anh cũng mong ai đó, từng có người thân, bạn bè bị chết não, cho anh lời khuyên về phương pháp điều trị tốt nhất. Anh nghẹn ngào: “Bác sĩ nói chúng tôi trông đợi phép màu. Chúng tôi tin phép màu sẽ có, để mẹ được sống”.

Theo Thanh niên