Bà Trần Tố Nga đã dành riêng cho Báo Phụ nữ Việt Nam cuộc trao đổi, trước Ngày Ba mươi Tháng Tư và trong thời gian chuẩn bị cho phiên tranh tụng xét xử vụ kiện tại Tòa Phúc thẩm Paris (Pháp) vào ngày 7/5 tới.
PV: Xin chào bà, trước hết xin cảm ơn bà đã nhận trả lời phỏng vấn của báo Phụ nữ Việt Nam. Hẳn rằng trước ngày 7/5/2024, khi Tòa Phúc thẩm Paris triệu tập hai bên, nguyên đơn là bà và bị đơn là 26 công ty hóa chất của Mỹ, để tiến hành phiên tranh tụng xét xử vụ kiện, bà và luật sư đã và đang có sự chuẩn bị rốt ráo. Nếu có thể chia sẻ được chút ít thông tin thì đó là thông tin gì, thưa bà?
"Trời đất và số phận đã giao cho tôi một sứ mạng, tôi sẽ đi đến cùng", bà Trần Tố Nga
|
Bà
Trần Tố Nga: Trước hết xin lưu ý, tôi đã phát đơn kiện
26 công ty hóa chất của Mỹ đã cung cấp chất khai quang cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam nhưng trong 6 năm kiện tại tòa sơ thẩm Evry (ở ngoại ô Paris, Pháp), một số công ty đã xin rút tên không ra hầu tòa vì chỉ mua lại công ty sau chiến tranh. Vì lý do đó, đến ngày phiên tranh tụng tại tòa sơ thẩm sau 19 phiên thủ tục, chỉ còn
14 công ty ra hầu tòa với sự có mặt của 14 trong số 28 luật sư đại diện cho 14 công ty. Sau phiên tranh tụng tại tòa án Evry, ngày 11/5/2021, tòa Evry đã ra phán quyết "đơn kiện không được chấp nhận". Vì vậy, tháng 6 năm 2021, tôi đã nộp đơn kháng án tại Tòa Phúc thẩm Paris và tháng 2/2022, 14 công ty của Mỹ đã chấp nhận kháng án. Trong 2 năm qua theo đuổi kháng án, các tranh luận giữa hai bên nguyên đơn và bị đơn đã được trao đổi để tiến đến phiên xử phúc thẩm được ấn định vào ngày 7/5/2024.
Các lực lượng ủng hộ cho vụ kiện đã và đang thực hiện nhiều hoạt động xã hội tại Pháp để chuẩn bị cho phiên xử phúc thẩm của Tòa Phúc thẩm Paris, bày tỏ sự ủng hộ và thông tin cho xã hội Pháp, các nước khác về vụ kiện được gọi là lịch sử này, ví dụ như: tổ chức các bữa ăn nhằm huy động tài chính cho các phí tổn pháp lý, tổ chức một cuộc họp báo tại Paris vào ngày 25/4/2024 đã có hơn 20 nhà báo tham dự và một cuộc mít-tinh lớn dự kiến sẽ được tổ chức tại Paris vào ngày 4/5/2024 trước khi diễn ra phiên tòa phúc thẩm vào ngày 7/5 tới.
PV: Thưa bà, vào tháng 5/2009, việc làm chứng của bà tại Tòa án Công luận quốc tế ở Paris có ý nghĩa thế nào đối với cá nhân bà, gia đinh bà và rộng hơn, cho tất cả nạn nhân chịu ảnh hưởng của chất độc da cam trong chiến tranh Việt Nam?
Bà Trần Tố Nga: Tôi tự mình xin được làm chứng tại Tòa án Công luận quốc tế năm 2009 ủng hộ nạn nhân da cam Việt Nam chỉ với một mục đích là nói thay tất cả những người đã mất trong chiến tranh, trong đó có rất nhiều đồng đội, bạn bè của tôi và hàng triệu nạn nhân Việt Nam không có điều kiện đến tòa để làm nhân chứng.
Thực tế đã cho tôi hiểu rằng, đây thực sự là một cuộc chiến đấu gian nan không kém như trong chiến tranh dù không có bom rơi, đạn nổ. Phía đối phương được thế giới coi là những kẻ khổng lồ trong ngành Hóa dầu và ai cũng biết là họ có rất nhiều tiền. Họ không bao giờ thừa nhận tội ác của chính họ và thậm chí có thể dùng mọi thủ đoạn để lấp liếm đi sự thật.
Trong khi đó, tôi lại ở xa quê hương, xa gia đình. Bên cạnh sự ủng hộ của bạn bè Pháp và quốc tế, tôi mong muốn nhân dân và đất nước mình có thể hiểu tường tận và theo sát vụ kiện, có thể góp phần ủng hộ và giúp sức cho suốt tiến trình vụ kiện này, một cuộc chiến đấu không cân sức chưa có tiền lệ và cũng chưa có ngày kết.
Đối với gia đình thì đây có thể gọi là một chút hy sinh vì để theo đuổi vụ kiện, tôi luôn phải sống một mình xa xứ, kể cả trong những tháng ngày dịch bệnh. Các con, các cháu của tôi không thể ở cùng mẹ và bà để chăm sóc như phong tục, tập quán của Việt Nam.
Tuy nhiên, chúng tôi vẫn kiên trì đi tiếp, hy vọng cuộc chiến đấu có thể mang tiếng vang đi khắp thế giới về tội ác của chiến tranh - và trên thực tế điều này đã dần được thực hiện rộng rãi trong những năm qua, cũng như mang lại hy vọng về công lý cho nạn nhân chất độc da cam không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới.
PV: Là người truyền cảm hứng và niềm tin mạnh mẽ trong cộng đồng những người bị phơi nhiễm chất độc dioxin ở Việt Nam và trên thế giới, nhưng có khi nào bà cảm thấy đơn độc và có chút yếu lòng trong hành trình này hay không? Đã 15 năm trôi qua rồi…
Bà Trần Tố Nga: Tôi bắt đầu cuộc chiến đấu một mình, không hiểu hết độ dài và gian nan của vụ kiện. Tôi cũng đã từng chịu nhiều hiểu lầm cay nghiệt. Nhưng rất nhanh chóng, tôi được cộng đồng những người có tấm lòng yêu chuộng công lý trên khắp thế giới giang tay chào đón, ủng hộ bằng nhiều cách. Và cùng với những lời cay nghiệt, tôi cũng nhận được những lời khen và thông cảm. Trải qua tiến trình vụ kiện, nay ở tuổi trên 80, tôi thấy mình trưởng thành hơn về nhận thức các khía cạnh liên quan của vụ kiện. Và tôi cũng thấy rõ thực tế mình không đơn độc mà có nhiều người ủng hộ và càng quyết tâm đi đến cùng, mình không có quyền nản chí hoặc buông tay. Vì nạn nhân chất độc da cam và vì những tấm lòng của bạn bè năm châu.
PV: Công lý - đó là lý do để bà dấn thân trên con đường đấu tranh và còn có thêm lý do nào nữa không, thưa bà?
Bà Trần Tố Nga: Công lý và Hạnh phúc của con người. Đó là lý do tôi đã từng thề khi còn trẻ, tôi giữ mãi lời thề cho đến hôm nay và những ngày còn lại.
PV: Từng là nhà báo chiến trường của Thông tấn xã Mặt trận giải phóng, bước chân của bà đã "9 phương 8 hướng" đi dọc đất Việt theo đường Trường Sơn. Chứng kiến sự khốc liệt của chiến tranh và với cá nhân, bà cũng đã mất đi cô con gái đầu lòng Việt Hải vào năm 1968. Nỗi đau chung - riêng đã hòa quyện. Cảm xúc của bà, một nhà báo, một người mẹ trong thời chiến và trong thời bình như thế nào, đặc biệt năm nay, vừa qua ngày 30/4 là bà bước vào phiên tòa phúc thẩm?
Bà Trần Tố Nga: Là người làm báo ở chiến trường, tôi đã từng đi theo các anh bộ đội, đã chứng kiến lòng dũng cảm và hy sinh của các anh. Tôi chưa bao giờ quên sự kiện đã gây rất nhiều cảm xúc trong tôi. Một lần, trước trận chiến, tôi thấy các anh đào một số hố chuẩn bị cho những người sẽ hy sinh trong trận chiến sắp tới. Trời ơi, đi chiến đấu mà chuẩn bị mộ cho chính mình! Có ai biết được điều đó để hiểu hết hy sinh của nhân dân ta trong cuộc chiến để giành được ngày hôm nay - những năm tháng hòa bình!
Tôi không chỉ mất con gái đầu lòng trong chiến tranh. Mẹ tôi, bà Nguyễn Thị Tú, đã hy sinh trong hoàn cảnh bị địch bắt và đối xử dã man không ai có thể tưởng tượng được: bà bị tra tấn bằng điện trong hơn 3 tiếng, rồi bị chôn sống. Mãi hơn 30 năm sau, con cháu mới tìm thấy hài cốt với những sợi dây buộc chân tay và quanh người, cùng với lời chứng thực của chính người lính Mỹ đã trực tiếp tra tấn bà.
Như rất nhiều người Việt Nam, tôi nghĩ những mất mát đau thương ấy đã tôi luyện chính tôi trong thời chiến và nay trong vụ kiện này, hơn lúc nào hết, tôi thù ghét chiến tranh, yêu quý hòa bình. Và nhớ đến nhói lòng những hy sinh của nhân dân và những người bạn của tôi đã mãi mãi ở tuổi 20.
Điều đó giải thích vì sao tôi kiên trì trong cuộc chiến đấu cuối cùng của đời tôi dù chiến tranh đã kết thúc, dù hòa bình đã lập lại.
PV: Thưa bà, cuộc sống của bà tại Pháp hiện nay ra sao? Mỗi ngày của bà diễn ra thế nào?
Bà Trần Tố Nga: Cuộc sống một mình xa xứ ở cái tuổi 83 thật không có gì vui nếu không có một mục đích nào để sống hữu ích với đời và với người. Trời đất và số phận đã giao cho tôi một sứ mạng, tôi sẽ đi đến cùng!
Bà Trần Tố Nga sinh năm 1942 tại Nam bộ. Bà là con gái của liệt sĩ Nguyễn Thị Tú, nguyên Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam.
Năm 1954, bà Trần Tố Nga tập kết ra Bắc. Năm 1965, sau khi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội, bà xung phong về hoạt động ở miền Nam, làm phóng viên Thông tấn xã Giải phóng, phục vụ ở các mặt trận nóng bỏng như: Tây Ninh, Bình Dương, Sài Gòn - Gia Định. Năm 1972, bà được cử vào hoạt động ở nội thành Sài Gòn. Tháng 8/1974, bà bị địch bắt tù đày cho đến ngày 30/4/1975. Năm 1993, bà sang sống ở Pháp, sau đó trở thành công dân Pháp.
Là nạn nhân của chất độc hóa học, bà Trần Tố Nga đã tham gia nhiều hoạt động từ thiện giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Với việc làm đó, bà đã được Nhà nước Pháp tặng Huân chương Bắc Đẩu bội tinh. Tháng 5/2009, bà đã đứng ra làm chứng tại Tòa án Lương tâm Quốc tế ở Paris xét xử 37 công ty hóa chất Mỹ đã sản xuất ra chất độc hóa học cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam từ năm 1961 đến năm 1971.
Năm 2014, bà Trần Tố Nga đã đệ đơn lên thành phố Evry, Cộng hòa Pháp, kiện các công ty hóa chất Mỹ đã sản xuất và cung cấp chất độc hóa học cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, làm cho hơn 4,8 triệu người bị phơi nhiễm và hơn 3 triệu người là nạn nhân chất độc da cam.
|
Đinh Thu Hiền (Thực hiện)