“Nếu có một người nằm lả dưới gốc cây kia, thử hình dung xem, sẽ có nhiều cách ứng xử khác nhau lắm. Có người sẽ thờ ơ đi qua, người thì lo lắng rồi bất lực bỏ mặc, có người lại báo công an vì sợ là người nghiện,… riêng Oanh sẽ đến gần để biết đó là ai, từ đâu tới, cần gì. Liệu họ có cần một cốc sữa hay một liều thuốc cấp cứu, hay cần một sự hỗ trợ lâu dài từ các bác sỹ”, tôi đã nghe kể về chị Oanh như vậy từ một người đồng nghiệp, người đã bao năm đồng hành cùng chị xây dựng những “ngôi nhà cộng đồng” cho những người dễ bị tổn thương trong xã hội.
Chỉ có thời gian 1 tuần/tháng sống và làm việc ở Việt Nam nên sau bao lịch hẹn chúng tôi mới gặp chị Khuất Thị Hải Oanh tại trụ sở của SCDI. Chúng tôi bắt đầu câu chuyện với chị từ quyết định mang tính bước ngoặt khi theo đuổi sự nghiệp phát triển sức khỏe cộng đồng, một lĩnh vực còn khá mới mẻ, sơ khai ở Việt Nam khi đó: “Các bác sỹ lâm sàng điều trị cho từng bệnh nhân một. Còn một chương trình y tế công cộng tốt, một chính sách tốt có thể cứu được rất nhiều mạng người và cải thiện cuộc sống của nhiều người. Vì lý do đó, tôi đã rời bệnh viện để làm cán bộ chương trình sức khỏe cho một NGO (Tổ chức Phi chính phủ) của Mỹ, đối tượng là cộng đồng các dân tộc thiểu số khu vực biên giới với Lào”.
Bác sỹ Khuất Thị Hải Oanh tại Trung tâm hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng SCDI. Ảnh: Tư liệu SCDI
Bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh (áo đỏ) trong Hội nghị Quốc gia lần thứ Ba về Tình dục, Sức khỏe và Xã hội/ Nạn nhân hay Tội nhân: Những Rào cản Thể chế và Văn hoá trong Giải quyết Bạo lực Tình dục ở Việt Nam tổ chức tại Hà Nội năm 2016. Ảnh: Nguyễn Việt Cường
Bác sỹ Khuất Thị Hải Oanh phát biểu tại phiên toàn thể VCSPA 2016 về tình hình dịch HIV/AIDS ở Việt Nam hiện nay và các vấn đề liên quan, phát sinh (y tế, xã hội, quyền và luật). Ảnh: Tư liệu SCDI
Bác sỹ Khuất Thị Hải Oanh (đầu tiên bên phải) tham gia một Diễn đàn quốc tế về phòng chống AIDS và bệnh sốt rét. Ảnh: Tư liệu SCDI
Bác sỹ Khuất Thị Hải Oanh chia sẻ các ý tưởng tại Diễn đàn quốc tế về phòng chống AIDS và bệnh sốt rét. Ảnh: Tư liệu SCDI
Bác sỹ Khuất Thị Hải Oanh tại cuộc họp Cải thiện chương trình chung về các khía cạnh y tế công cộng của vấn đề ma túy thế giới do Hội đồng Y tế thế giới - Liên Hiệp Quốc tổ chức tại Geneva 2016. Ảnh: Tư liệu SCDI
Bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh trao đổi cùng các đồng nghiệp tại trụ sở của SCDI. Ảnh: Nguyễn Việt Cường
Bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh (đầu tiên, bên phải) trao đổi cùng một bạn trẻ đến tham dự Hội nghị Quốc gia lần thứ Ba về Tình dục, Sức khỏe và Xã hội. Ảnh: Nguyễn Việt Cường
Năm 2001, chị Oanh cùng nhóm cộng tác đã thắng thầu cuộc đánh giá Chương trình quốc gia phòng chống AIDS. Dự án này đã đưa chị lần đầu tiên tiếp cận với những người nhiễm HIV, và những nhóm người bị xã hội kỳ thị như người bán dâm hay người nghiện ma túy. “Cuộc đánh giá đó, thực tế đã tạo ra một thay đổi lớn trong cuộc đời tôi. Bởi vì, đó là lần đầu tiên tôi thực sự hiểu thế nào là bị kỳ thị trong xã hội. Trước nay tôi chẳng làm gì hơn việc chỉ là một công dân gương mẫu”, chị Oanh nhớ lại.
Chính vì vậy, chị Khuất Thị Hải Oanh đã cùng với những nhóm đồng đẳng (nhóm có cùng chung tình cảnh với người học) đã xây dựng những mạng lưới cộng đồng hỗ trợ những người có HIV vượt qua sự sợ hãi và kỳ thị, tăng cường khả năng được tiếp cận điều trị bằng ARV (một loại thuốc được chế ra nhằm làm giảm sự sinh sôi nảy nở của HIV trong cơ thể người bệnh) để tiến tới chấm dứt tử vong vì HIV. Không chỉ giúp những người nhiễm HIV tiếp cận với sự chăm sóc sức khỏe sinh sản và nhận thức về HIV/AIDS trong các nhóm có nguy cơ cao của Việt Nam, chị Oanh còn thường xuyên tư vấn cho Chính phủ các chính sách đối với người nghiện ma túy tại Việt Nam. Ghi nhận những đóng góp của chị, Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã công nhận chị Oanh là “Lãnh đạo trẻ toàn cầu năm 2009”.
Năm 2010, Chị Oanh thành lập Trung tâm hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI), một tổ chức phi lợi nhuận, phi chính phủ, với trọng tâm là trao quyền và tạo ra môi trường thuận lợi để những mảnh đời kém may mắn trong xã hội có cơ hội như những người bình thường khác, sống và cống hiến cho xã hội. “Những người mà chúng tôi phục vụ, là những người sống bên lề xã hội, những người dễ bị tổn thương và xa hơn nữa là những người bán dâm, những người sử dụng ma túy, những người quan hệ tình dục đồng giới, những người chuyển giới, gia đình họ, và con cái họ,…”, chị Oanh tâm sự.
Một trong những khóa học gần đây nhất dành riêng cho nhóm những người lao động tình dục (NLĐTD), đây là cách gọi mà SCDI đã dùng thay thế cụm từ “gái mại dâm”, là “My body, my rights” (cơ thể của tôi, quyền của tôi), được SCDI phối hợp với nhóm Bình Minh Đêm tổ chức. Khóa học có 12 chủ đề gồm những bài tập như nâng cao lòng quý trọng bản thân, kiến thức cơ bản về HIV/AIDS, sự an toàn giảm hại cho bản thân,…
Ngoài những NLĐTD, SCDI còn bảo trợ về hoạt động, hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho các mạng lưới cộng đồng hỗ trợ những người sử dụng ma túy, nam quan hệ tình dục đồng tính, người chuyển giới,… và cả những người con của tất cả những nhóm người kể trên, tù nhân, trẻ mồ côi. Tại mỗi mạng lưới, các thành viên đều là các tổ chức dựa vào cộng đồng ở các địa phương, tạo nên sự hiện diện của các tổ chức cộng đồng có kết nối với SCDI ở trên 40 tỉnh thành trong cả nước.
Bác sỹ Khuất Thị Hải Oanh, nhóm cộng đồng và đoàn chuyên gia Pháp trong mộ chuyến đi tìm hiểu địa bàn Dự án Bảo vệ tương lai tại Hà Nội. Ảnh: Tư liệu SCDI
Bác sỹ Khuất Thị Hải Oanh (đầu tiên, bên trái) tổ chức đám cưới cho hai thành viên VCSPA. Ảnh: Tư liệu SCDI
Bác sỹ Khuất Thị Hải Oanh chụp ảnh lưu niệm cùng các em nhỏ và đồng nghiệp trong một chuyến đi thực tế tại địa phương. Ảnh: Tư liệu SCDI
Bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh chụp ảnh lưu niệm tại Diễn đàn xã hội dân sự phòng chống AIDS trong ngày gặp mặt thường niên VCSPA 2016, tổ chức tại Ninh Bình tháng 11/2016. Ảnh: Tư liệu SCDI
Trước đó, năm 2007, chị Oanh còn được biết đến là người sáng lập Diễn đàn Xã hội dân sự Hợp tác phòng chống AIDS (VCSPA), với sự tham gia của gần 400 tổ chức cộng đồng trên khắp cả nước, bao gồm: các nhóm tự lực của những người sử dụng ma túy, người bán dâm, người có HIV, người đồng tính, người chuyển giới,… Mỗi năm một lần, Diễn đàn do chị Oanh sáng lập trở thành một “ngôi nhà”, mà tại đó, tất cả mọi người đều được chào đón, được có cơ hội là chính mình giữa những người cùng cảnh ngộ, mà không bị phán xét. “Chúng tôi ở cùng nhau, hạnh phúc, cười, nói, khóc và làm nhiều việc cùng nhau. Mọi người nói đến gặp mặt thường niên như là về nhà, nơi họ có cảm giác được ở trong gia đình”, chị Oanh chi sẻ cảm xúc về ngôi nhà VCSPA.
Âm thầm với công việc, chị Oanh đã cùng SCDI làm thay đổi cuộc sống của hàng ngàn người Việt Nam yếu thế trong xã hội. Chị đã tạo ra một môi trường mà tại đó những người dễ bị tổn thương nhất đã tự tin thể hiện bản thân và đóng góp cho xã hội theo cách riêng của họ. Có lẽ chính những điều tốt đẹp này, như một lẽ thường của luật nhân quả, đã tiếp thêm năng lượng, bản lĩnh để chị tiếp tục công việc một cách không mệt mỏi. Trên mái tóc đã nhuộm của chị, chúng tôi vẫn nhìn thấy trên đó những dấu ấn in hằn của thời gian. Thế mà ngay sau cuộc gặp gỡ với chúng tôi, chị Oanh lại tiếp tục hành trình đến vùng biên giới giữa Việt Nam và Campuchia để triển khai chương trình chống sốt rét cho những nhóm người vào rừng thường xuyên và ít được tiếp cận với dịch vụ công tại vùng đất còn nhiều khó khăn này.
Theo Báo ảnh Việt Nam