Hôm 11/1, Vũ Nguyễn Mai Linh lên đường sang thành phố Gettysburg, bang Pennsylvania, du học ngành Toán Kinh tế, Đại học Gettysburg.
Cô gái quê Nghệ An, cựu học sinh THPT Nguyễn Siêu, Hà Nội dường như vẫn giữ nguyên cảm giác phấn khích khi chia sẻ về chặng đường giành được học bổng 5,5 tỷ của một trong 55 đại học khai phóng hàng đầu của Mỹ.
Với mức hỗ trợ này, gia đình chỉ còn phải chu cấp một khoản nhỏ mỗi năm cho em. Giấc mơ du học của Linh cuối cùng cũng thành sự thật, trong sự hồi hộp xen chút bi quan do chuẩn bị hồ sơ muộn, cách deadline chỉ hơn một tháng.
Thông thường nếu có ý định du học, học sinh sẽ chuẩn bị từ sớm, giữa lớp 11 đã được xem là muộn. Tuy nhiên, giữa tháng 10 năm lớp 12, Linh mới quyết định làm hồ sơ, sau thời gian dài phân vân và đấu tranh tư tưởng.
Muốn du học song vấn đề khiến Linh băn khoăn nhất là học bổng. Nếu được trường hỗ trợ tài chính, gia đình vẫn sẽ phải chi một khoản. Không muốn từ bỏ ước mơ nhưng Linh cũng không đành thấy bố mẹ áp lực. Sau khi được gia đình cho cơ hội, Linh quyết định chuẩn bị hồ sơ.
Cựu học sinh lớp 12NS2 cho biết viết luận là khâu khó và mất thời gian nhất trong hồ sơ du học. Linh chọn chủ đề nữ quyền và bắt đầu bằng hai câu thơ của Nguyễn Du: "Đau đớn thay phận đàn bà/Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung".
Chủ đề của bài luận xuất phát từ mối quan tâm của Linh tới nữ quyền và những quan sát từ chính gia đình em. Từ nhỏ, Linh cảm nhận vị thế của phụ nữ luôn bị nam giới lấn át. Phụ nữ, trong nhiều trường hợp, không có tiếng nói hay quyền quyết định. Trong gia đình em, bố thường là người quyết định mọi việc, dù mẹ em là người rất giỏi giang, chu toàn từ việc nhà, việc cơ quan tới chăm sóc con cái.
Trong khi đó, đến thế hệ thứ hai của gia đình, Linh đã chứng kiến sự thay đổi cách nhìn nhận về vai trò và vị trí của người phụ nữ. Chị gái Linh là một ví dụ. Chị hơn Linh 10 tuổi, đã học xong thạc sĩ và sẽ học tiếp tiến sĩ.
"Chị thông báo với gia đình dự định của mình và tự quyết định con đường, sự nghiệp của bản thân. Chị vượt qua định kiến phụ nữ không cần học cao và quyết tâm làm điều mình thích và cho là đúng. Đứng trước hai hình mẫu phụ nữ như vậy, em đã biết cần làm gì trong tương lai", Linh nói.
Lúc được các mentor cố vấn, Linh nhận ra gia trưởng hay tư tưởng phong kiến không chỉ là vấn đề của gia đình em mà của nhiều xã hội Đông Á. Nó chỉ có thể được xóa mờ từng ngày bằng sự thay đổi suy nghĩ của từng cá nhân.
Bài luận yêu cầu dưới 650 từ nên Linh phải cố gắng viết cô đọng, súc tích nhất. Bài viết được thực hiện và chỉnh sửa trong vòng một tháng, trước khi có bản cuối cùng để gửi đi.
Hồ sơ du học, ngoài bài luận, còn có các chứng chỉ quốc tế như IELTS, SAT, GPA, thư giới thiệu và hoạt động ngoại khóa.
Đồng hành cùng hành trình nộp hồ sơ du học, giúp giải đáp thắc mắc và hỗ trợ học trò trong lớp, thầy Nguyễn Thành Đăng, giáo viên chủ nhiệm lớp 12NS2, đánh giá cao nỗ lực của Linh.
"Biết giành học bổng hơn 5 tỷ và được đi Mỹ nhưng Linh vẫn chăm chỉ học để thi đại học. Bạn ấy xuất sắc khi làm nhiều việc một lúc và kiểm soát tốt công việc", thầy Đăng nhớ lại.
Thầy Đăng cho biết, ở lớp, Linh là bí thư Đoàn, luôn làm việc có kế hoạch và "cao thủ quản lý thời gian".
"Em ấy tham gia nhiều dự án trong và ngoài trường, rất có uy tín với các bạn. Trong lớp có việc gì, tôi sẽ họp bàn với ban cán sự để lên khung chương trình rồi chia việc. Nhưng có Mai Linh là tôi yên tâm", thầy chủ nhiệm chia sẻ.
Giành học bổng du học nhưng, Linh quyết định vẫn thi tốt nghiệp nghiêm túc chứ không chỉ đặt mục tiêu đỗ tốt nghiệp cho đủ điều kiện. Cuối cùng, em đạt hơn 27 điểm và đỗ khoa Toán - Tin, Đại học Bách khoa Hà Nội.
Những ngày này, Linh đang ở ký túc xá Đại học Gettysburg và đang trong những ngày bận rộn học định hướng. Linh mong sớm thích ứng được với cuộc sống mới ở Mỹ để hoàn thành tốt chương trình đại học và tìm kiếm cơ hội tham gia các hoạt động hoặc chương trình thực tập phù hợp.
Theo vnexpress