leftcenterrightdel
Các nữ chiến sĩ Công binh Việt Nam luôn thân thiện, sẵn sàng giúp đỡ người dân bản địa vượt qua khó khăn 

4 nữ chiến sĩ tình nguyện ở lại thêm 1 nhiệm kỳ

Theo kế hoạch, ngày 11/6/2023, toàn đội sẽ lên đường hành quân về nước kết thúc 1 năm (1 nhiệm kỳ) công tác tham gia hoạt động Gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc (GGHB LHQ). Ngoài nhiệm vụ chính trị, đơn vị đã để lại cho chính quyền, người dân bản địa những công trình ý nghĩa mang tên Công binh Việt Nam, được bạn bè, đồng nghiệp quốc tế tại phái bộ UNISFA tin yêu, nể phục và người dân địa phương yêu mến.

Bản lĩnh những “bông hồng thép” tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình - Ảnh 1.

Các nữ chiến sĩ Công binh duyên dáng với áo dài Việt Nam trên mảnh đất Abyei

Theo Trung tá Nguyễn Quang Tuyển, Chính trị viên Đội Công binh số 1 Việt Nam: Với đội ngũ cán bộ, nhân viên được tuyển chọn từ 12 đầu mối đơn vị trong toàn quân, những nữ chiến sĩ "mũ nồi xanh" có mặt tại Abyei đã thể hiện bản lĩnh, ý chí vững vàng, kiên định trong mọi nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, trong số cán bộ, chiến sĩ tình nguyện ở lại thêm 1 nhiệm kỳ tới, có 4 nữ chiến sĩ. Các chị nén lại nỗi nhớ gia đình, chồng con, kiên tâm cùng đồng đội mới tiếp tục làm nhiệm vụ quốc tế.

Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Thị Thu Huế là 1 trong số 4 nữ chiến sĩ tình nguyện ở lại Phái bộ lần này. Chị Huế nghẹn ngào chia sẻ: "Hôm ấy, sau khi nộp đơn xin ở lại thêm 1 năm nữa, tôi điện thoại về nhà cho con trai. Không thể ngờ, con khá bình tĩnh, suy nghĩ một lúc rồi lại động viên ngược lại mẹ rằng, 2 bố con ở nhà rất nhớ mẹ nhưng con sẽ học ngoan để chờ mẹ về, mẹ cứ yên tâm ở lại công tác thật tốt". 

Bản lĩnh những “bông hồng thép” tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình - Ảnh 2.

Thiếu tá QNCN Nguyễn Thị Thu Huế trong một lần đến thăm trẻ em ở khu vực Abyei

Trong nhiệm kỳ qua, Thiếu tá Thu Huế còn gây ấn tượng mạnh với Phái bộ và đồng đội khi chị đạt giải cá nhân xuất sắc duy nhất trong môn bắn súng tại Phái bộ. Các chị em khác như Thiếu tá Nguyễn Thị Tâm, Thiếu tá QNCN Nguyễn Thị Liên, nhân viên quân y đều là những điển hình nổi bật trong nhiều hoạt động của đơn vị.

Công tác tại Đội công binh còn có Thượng tá Nguyễn Thị Liên - sĩ quan CIMIC, Đội Công binh số 1 - là nữ chiến sĩ hiếm hoi với 2 năm đi làm nhiệm vụ GGHB. Chị chia sẻ: "Tôi công tác tại Đội công binh là năm thứ 2 tham gia GGHB. Năm trước, tôi tham gia Phái bộ GGHB tại Cộng hòa Trung Phi với vai trò là sĩ quan tham mưu huấn luyện. Khi về Abyei, tôi thực hiện nhiệm vụ của cán bộ trong hoạt động quân - dân kết hợp (CIMIC) của Đội Công binh, tiếp xúc nhiều hơn với lĩnh vực xây dựng, cầu đường, làm quen nhiều hơn với sắt thép, xi măng, máy cẩu, máy kéo... 2 năm đi làm nhiệm vụ GGHB, tôi có thêm nhiều cơ hội được trải nghiệm những điều tuyệt vời trong đời quân ngũ của mình".

Bản lĩnh những “bông hồng thép” tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình - Ảnh 3.

Thượng tá Nguyễn Thị Liên cùng các đồng đội tại Phái bộ bàn thảo nhiệm vụ tại Abyei

Chị Liên cho biết, những tháng đầu tiên làm việc tại Cộng hòa Trung Phi, chị là thành viên nữ duy nhất trong đoàn sĩ quan Việt Nam làm nhiệm vụ ở quốc gia châu Phi nhiều khắc nghiệt. Còn 1 năm qua, tại khu vực Abyei, chị là một trong những thành viên nhiều tuổi nhất trong đội hình nữ công binh. Dù ở cương vị nào, tại địa bàn hoạt động nào, chị cũng luôn tâm niệm việc ngoài thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, mọi việc làm của mình phải thể hiện được những phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam anh hùng, sẵn sàng giúp đỡ mọi người và nỗ lực hết mình để vượt qua mọi khó khăn, thử thách.

Để lại những công trình mang tên Công binh Việt Nam ý nghĩa nhất

Trong số các nhiệm vụ thiện nguyện của Đội công binh để lại ý nghĩa sâu sắc cho Chính quyền và người dân địa phương là hoạt động tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, tặng quà cho 168 phụ nữ và trẻ em người dân bản địa. Trong nhiều tháng, Đội Công binh còn được Phái bộ giao nhiệm vụ hỗ trợ, cải thiện triệt để hệ thống giao thông đường bộ gần như bị tê liệt trong mùa mưa. Những con đường ngập nước, sạt lở, lầy lội từ hàng chục năm qua. Nhiều khu dân cư bị cô lập, nhiều nhà dân phải di chuyển lên các go đất cao cắm trại ở tạm; các trường học, bệnh viện trên địa bàn có nguy cơ phải đóng cửa vì ngập nước.

Bản lĩnh những “bông hồng thép” tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình - Ảnh 4.

Nữ chiến sĩ Công binh chia kẹo cho các em nhỏ

Cán bộ, chiến sĩ cùng chính quyền địa phương làm nhiều con đường đến trường cho học sinh, hỗ trợ xây dựng phòng học kiên cố, với mong ước gieo những mầm non hòa bình trên đất Abyei. Trong những hoạt động này, Chi hội Phụ nữ của đơn vị đã tổ chức nhiều buổi hướng dẫn giáo viên, học sinh nhà trường kỹ thuật trồng và chăm sóc một số cây nông nghiệp như cà chua, cà tím, bí xanh, bí đỏ, khoai lang, khoai tây, ngô…

Ngoài ra, hạnh phúc của anh chị em trong Đội còn lan toả, khi hỗ trợ Trường Mầm mon Nhà thờ Abyei xây dựng 4 phòng học với diện tích khoảng 40m2/phòng học, 1 phòng ăn rộng 30m2. Giúp thầy trò trường mầm non xoá đi lớp học mầm non phải học ngoài trời, dưới bóng cây với cái nắng nóng hơn 40 độ C.

Bản lĩnh những “bông hồng thép” tham gia lực lượng gìn giữ hoà bình - Ảnh 5.

Chi hội Phụ nữ Công binh quyên góp tiền tặng thầy, trò trường mầm non tại Abyei 120 chiếc ghế nhựa và nhiều phần quà ý nghĩa

Một nhiệm kỳ khép lại, các chiến sĩ "mũ nồi xanh" Công binh số 1 Việt Nam đã thể hiện tinh thần quyết tâm vượt qua mọi khó khăn thách thức, nhất là đối với chị em còn có những nỗi niềm không thể nói hết khi xa quê nhà, thương nhớ các con và lo lắng về gia đình. Dù vậy, các nữ chiến sĩ vẫn luôn thể hiện bản lĩnh của những "bông hồng thép", nỗ lực giúp nhau vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế cao cả Gìn giữ hoà bình mà Tổ quốc giao.

Theo Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam, kể từ khi tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (từ năm 2014 đến nay), Việt Nam đã cử 72 nữ quân nhân tham gia, trong đó theo hình thức đơn vị là 66 đồng chí và cá nhân là 6 đồng chí. 

Đội Công binh số 1 của Việt Nam hiện có tỷ lệ nữ rất cao (21/184 đồng chí), chiếm hơn 11,4%, trong khi bình thường, cấp đơn vị ở mỗi quốc gia cử quân, tỷ lệ nữ chỉ khoảng 6%-7%. Ngoài ra, tỷ lệ nữ tham gia bệnh viện dã chiến số 2 cũng ở mức cao, như Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 hiện nay có 12 nữ trong tổng số 63 người, chiếm trên 19%, trong khi tỷ lệ khuyến khích của Liên hợp quốc là 15%.

Hải Linh - Ảnh: GGHB