Biên đạo múa Kim Sanh Châu.


Kim-Sanh Chau là một biên đạo múa người Pháp gốc Việt định cư ở Canada từ 5 năm nay. Hành nghề tư vấn ngân hàng và bảo hiểm ở Paris trước khi chuyển hướng sang làm biên đạo múa chuyên nghiệp, cô gái nhỏ nhắn với ánh mắt cương quyết này vốn quen có những quyết định táo bạo.

Việc tìm về Việt Nam để biết nguồn cội của mình đã đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc đời cô.

Cha là người Việt và mẹ là người gốc Việt đã sống ở Pháp lâu đời, Kim-Sanh Chau và các em gái của cô được nuôi dạy như những đứa trẻ Paris bình thường, học trường Pháp, nói tiếng Pháp, gần như không còn mấy liên hệ với quê hương. Nhưng vẻ ngoài Á Châu của cô làm mọi người xung quanh tò mò, họ vẫn hay hỏi cô từ đâu đến. Kim-Sanh bắt đầu thấy băn khoăn về bản ngã của mình.

Cô kể: Tôi là người Pháp hay người Việt ? Rút cục tôi là ai ? Đó là những câu hỏi ta vẫn đặt ra khi ta 20.

Dạo đó là cách đây 10 năm, cô đang sống ở Australia.

Cô quyết định về Việt Nam lần đầu, cùng cha, và gặp lại họ Kim-Sanh điện thoại cho ba : Ba à, con sẽ về Việt Nam một mình!

Người cha 35 năm chưa từng quay lại mảnh đất chôn rau cắt rốn trả lời ngắn gọn: Không được, ba sẽ về cùng để chỉ cho con.

Vậy là hai cha con gặp nhau ở thành phố Hồ Chí Minh, lần đầu tiên Kim-Sanh được gặp họ hàng nhà nội. "Tôi nghĩ ban đầu ba tôi cũng có đôi chút lo lắng vì lâu rồi không gặp gỡ giúp đỡ gì được họ hàng. Nhưng mọi chuyện diễn ra hết sức thuận lợi. Chuyến đi này đã thay đổi đời ông vì từ đó, ông thường xuyên về Việt Nam. Rồi đến lượt các em tôi, rồi mẹ tôi và anh chị em họ của tôi đằng ngoại cũng theo nhau về". 

Từ hai. ba năm nay, Kim-Sanh năng về nước hơn để thăm gia đình và làm việc với các vũ công ở TPHCM. Cô đã tìm ra câu trả lời cho câu hỏi mình là ai. Dù cách đi đứng và phong cách sống nói chung của cô, rõ ràng không phải là người lớn lên ở đây, cô vẫn thấy mình có những nét tương đồng rõ rệt với họ:

"Càng về nhiều, tôi càng thấy rõ điều này và muốn đưa chúng vào tác phẩm của mình. Không phải vở múa nào của tôi cũng nói về gốc gác Việt Nam nhưng có những vở khai thác nhiều động tác, cách di chuyển, cách đứng ngồi như tôi vẫn thấy ở nơi này."

Lần đầu tiên Kim-Sanh Chau về Việt Nam để hoạt động nghệ thuật là trong khuôn khổ một chuyến lưu trú sáng tác hai tuần tại Muong Studio (Hòa Bình). Hồi đó cô cũng mới chuyển sang múa chuyên nghiệp. Kim-Sanh thích múa từ bé nhưng không chuyên.

Với tấm bằng thạc sĩ tài chính, cô làm tư vấn ngân hàng bảo hiểm một vài năm mới bắt đầu học chuyên sâu về lịch sử và lí thuyết múa. Năm 25 tuổi, cô xin nghỉ phép không lương 1 năm để sang Canada học múa. Rồi ở đó miết, không trở lại Pháp nữa. Nhưng Việt Nam thì khác.

 Cô kể: "Tôi đi cùng một vũ công người Canada, chúng tôi không quen biết ai trong giới nghệ thuật ở Việt Nam cả. May có một vũ công khác ở Montreal giới thiệu tôi với Linh Rateau, giám đốc trung tâm Dancenter ở TPHCM. Cô ấy cũng lớn lên ở Pháp. Linh Rateau giúp đỡ tôi rất nhiều."

Nhờ Linh Rateau, Kim-Sanh bắt đầu hợp tác với một số vũ công Việt Nam "có kỹ thuật xuất sắc, tâm hồn nhạy cảm và cởi mở", kết nối được với Viện Goethe và được mời tham gia Festival múa đương đại Sự gặp gỡ Á-Âu diễn ra từ 20/9 đến 14/10/2017 tại Hà Nội và TPHCM. Cùng với một vũ công Canada và một vũ công Pháp, cô giới thiệu vở múa lớn đầu tiên của mình Black and Sholes, lấy theo tên mô hình toán học ứng dụng về định giá một số sản phẩm tài chính đã mang lại cho các tác giả của nó giải Nobel về khoa học kinh tế năm 1997.

Là biên đạo múa độc lập, Kim-Sanh Chau hợp tác với nhiều nghệ sĩ múa từ nhiều nước và từng biểu diễn nhiều nơi trên thế giới. Song song với nghề biên đạo, cô còn là giám đốc hành chính và truyền thông cho Studio 303, nơi giới thiệu và hỗ trợ các hoạt động về múa và nghệ thuật trình diễn liên ngành tại Montreal. Khi được hỏi điều gì ở Việt Nam níu giữ cô về mặt nghề nghiệp, biên đạo Việt Kiều thẳng thắn trả lời: "Không gì cả, chỉ có tôi là muốn bám lấy nơi này. Về mặt nghệ thuật, làm việc về múa ở Canada rất tuyệt vời, cộng đồng múa năng động thường xuyên có sáng tác mới. Nhưng thỉnh thoảng thoát ra khỏi khuôn khổ ấy và đi làm nơi khác cũng vui, có thêm cảm hứng và năng lượng, cảm thấy ít bị đánh giá hơn. Hơn nữa khi về Việt Nam tôi có cảm giác như được giải phóng. Và tôi cũng muốn dành thêm thời gian bên gia đình mình."

Theo VOV5