Biểu tượng Cộng đồng ASEAN 

Lồng ghép giới vào 3 trụ cột

ASEAN là khu vực có tỷ lệ nữ tham gia lực lượng lao động cao nhất thế giới, với hơn 60%. Phụ nữ ASEAN hiện quản lý khoảng 6 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ. Việc thành lập Mạng lưới Doanh nhân nữ ASEAN (AWEN) năm 2014 đánh dấu sáng kiến chung trong ASEAN nhằm nâng cao vị thế của phụ nữ làm chủ doanh nghiệp trong khu vực, thúc đẩy tiếp cận thị trường và tạo cơ hội phát triển cho các doanh nhân nữ trong khu vực. Các doanh nhân nữ vừa là một nhân tố quan trọng trong việc triển khai Tầm nhìn ASEAN sau năm 2015, vừa được mong đợi sẽ hưởng lợi từ thị trường kinh tế chung và các cơ hội kinh doanh trong ASEAN.

Tại các Hội nghị Bộ trưởng Phụ nữ ASEAN lần thứ hai (tháng 10/2015 tại Philippines) và Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 27 (tại thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia, cuối tháng 11 vừa qua), các nước đã thống nhất và ra tuyên bố chung. Trong đó nhấn mạnh bình đẳng giới và tăng cường quyền năng của phụ nữ là những nguyên tắc không thể thiếu trong quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN. Các nước cũng đã thông qua Kế hoạch Công tác giai đoạn 2016-2020 với các lĩnh vực ưu tiên bao gồm: Thúc đẩy vai trò lãnh đạo của phụ nữ; lồng ghép giới trong cả 3 trụ cột chính trị - an ninh, kinh tế và văn hoá - xã hội;  xoá bỏ bạo lực đối với phụ nữ; tăng cường quyền năng về kinh tế của phụ nữ; bảo vệ và có các giải pháp hỗ trợ phụ nữ trong các tình huống dễ bị tổn thương. Theo đó, ASEAN có thể thực sự là một khu vực trong đó mọi người dân đều được phát triển đầy đủ và tiếp cận bình đẳng với tất cả các cơ hội mà Cộng đồng ASEAN mang lại, vì một ASEAN hoà nhập, bền vững, tự cường, năng động.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Chủ tịch Hội LHPNVN Nguyễn Thị Thanh Hòa chúc mừng Ban điều hành Nhóm phụ nữ Cộng đồng ASEAN tại Hà Nội ngày 11/8/201

Cùng hành động vì sự tiến bộ của phụ nữ       

Với những đóng góp quan trọng của phụ nữ trong ASEAN, từ năm 1975, các vấn đề về phụ nữ đã được đưa vào nhiều chương trình của khu vực, được triển khai trong khuôn khổ Ủy ban ASEAN về các vấn đề văn hóa - xã hội. Kể từ năm 1998, ngày 5/7 hằng năm được chọn là Ngày Phụ nữ ASEAN với mục đích nâng cao nhận thức của người dân về vai trò và sự đóng góp của phụ nữ ASEAN trong tiến trình khu vực. Đồng thời kêu gọi chính phủ các nước ASEAN và các tổ chức phụ nữ cùng nhau hành động vì sự bình đẳng và tiến bộ của phụ nữ.

Bên cạnh đó, Hội đồng liên minh nghị viện các quốc gia Đông Nam Á (AIPA) và Ủy ban các nữ nghị sĩ thuộc Liên minh Nghị viện các nước Đông Nam Á (WAIPA) thúc đẩy các quốc gia thành viên thực hiện lồng ghép giới, gắn sự quan tâm và lợi ích của phụ nữ trong các chính sách kinh tế quốc gia và những cải cách về bình đẳng giới. Các tổ chức này khuyến khích các nước thành viên xây dựng và thể chế hóa các chính sách về giới và giám sát sự phân tích về ngân sách giới, thông qua các chính sách nhằm tăng cường sự tham gia và đại diện của phụ nữ trong tất cả các ủy ban, tòa án, cơ quan chính quyền địa phương và các cơ quan của chính phủ nhằm đạt được sự đại diện bình đẳng của phụ nữ trong quá trình ra quyết sách.

Được thông qua ngày 22/11/2015, Công ước ASEAN về chống buôn bán người và Kế hoạch hành động khu vực về Xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em đề ra những nội dung hoạt động cụ thể liên quan đến việc phòng ngừa; cung cấp các dịch vụ bảo vệ và hỗ trợ; khung pháp lý, tố tụng và hệ thống tư pháp; nâng cao năng lực; nghiên cứu và thu thập dữ liệu... Ủy ban thúc đẩy và bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em ASEAN (ACWC) đã khẳng định nhiều mục tiêu, cam kết liên quan, đi kèm với các biện pháp quan trọng nhằm tăng cường các quyền kinh tế của phụ nữ, xây dựng hệ thống phúc lợi cấp quốc gia nhằm phân phối dịch vụ cho trẻ em, thúc đẩy luật pháp chống nạn bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. ASEAN cũng sẽ đưa ra tài liệu hướng dẫn về cách tiếp cận không bạo lực đối với việc nuôi dưỡng, chăm sóc và phát triển trẻ em…


Theo đánh giá của ngân hàng HSBC (Anh), ASEAN có thể trở thành nền kinh tế lớn thứ tư thế giới vào năm 2050. ASEAN hiện là nền kinh tế duy nhất có Hiệp định thương mại tự do (FTA) với tất cả các nền kinh tế lớn và trung bình trên thế giới và cũng sẽ sớm hoàn tất Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). . Nếu các nước ASEAN có thể hoàn thiện các bước tiếp theo trong tiến trình thúc đẩy hội nhập khu vực, GDP của khối ước tính có thể sẽ tăng 5% vào năm 2030.

 

Hiện nay, ở cấp chính phủ, ASEAN có nhiều cơ chế hợp tác riêng về phụ nữ như Ủy ban Phụ nữ ASEAN (ACW); Ủy ban Phụ nữ ASEAN+ 3 (ACW+3); Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Phụ nữ; Ủy ban thúc đẩy và bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em ASEAN (ACWC). ACWC hiện có 20 đại diện về quyền của phụ nữ và trẻ em từ 10 nước thành viên ASEAN.

Có quan hệ chặt chẽ với ACW, Liên đoàn các tổ chức phụ nữ ASEAN (ACWO) là một tổ chức liên chính phủ, bao gồm Hội đồng cấp quốc gia của các tổ chức phụ nữ trong mỗi nước thành viên ASEAN, với nỗ lực thúc đẩy sự tham gia, đóng góp và thụ hưởng của phụ nữ trong quá trình phát triển ở mỗi quốc gia và khu vực.


                                                                                          GIA KHANH/Báo Phụ nữ Việt Nam