leftcenterrightdel
 PGS.TS Lê Minh Thùy (thứ 4 từ phải sang) cùng nhóm sinh viên làm về cảm biến không dây trong lòng đất

Truyền cảm hứng nghiên cứu cho nhiều lứa sinh viên

PGS.TS Minh Thùy chia sẻ, chị lựa chọn theo đuổi ngành khoa học công nghệ vì sự thôi thúc bản thân phải làm gì đó đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Sau khi tốt nghiệp đại học và thạc sỹ tại ĐH Bách khoa Hà Nội, chị tiếp tục đi tu nghiệp tại Pháp và có bằng tiến sĩ của trường ĐH Bách khoa Grenoble (Pháp) và trở về giảng dạy tại ĐH Bách khoa Hà Nội từ năm 2013 đến nay.

Từ lúc học phổ thông, Lê Minh Thùy đã nuôi dưỡng đam mê khám phá bản chất và quy luật của những hiện tượng khoa học tự nhiên. Cho đến khi học đại học, đặc biệt là trong suốt khoảng thời gian nghiên cứu sau này, chị đã có cơ hội chứng kiến nhiều ứng dụng của khoa học và công nghệ trong cuộc sống. 

"Từ lúc đó, tôi tin rằng, khoa học công nghệ không chỉ giúp chúng ta thỏa mãn đam mê cá nhân mà còn là con đường ngắn nhất để chúng ta có thể chung tay xây dựng đất nước phát triển. Tôi yêu thích việc tìm giải pháp cho các vấn đề xuất phát từ thực tiễn và áp dụng chúng để giải quyết những thách thức của xã hội hiện đại. Hơn nữa, trong khoa học luôn có sự bình đẳng và tự do, không có sự phân biệt về giới tính, màu da hay sắc tộc", PGS.TS. Lê Minh Thùy chia sẻ.

Trực tiếp triển khai 9 đề tài khoa học trong và ngoài nước, Lê Minh Thùy đã chứng tỏ sức sáng tạo của mình. Chị cho biết, trong số 9 đề tài đó, chị tâm đắc nhất với 3 đề tài về "SWIT: Hệ thống giám sát từ xa sức khỏe của người già và người bị bệnh truyền nhiễm", "SUPA: 

leftcenterrightdel
 PGS.TS Lê Minh Thùy trong một giờ dạy

 

Thiết bị đo độ ẩm trong lòng đất, truyền tin không dây và tự cấp nguồn, phục vụ cho nông nghiệp chính xác" và "Fi-Mi: Hệ thống di động quan trắc và dự đoán chất lượng không khí ứng dụng trí tuệ nhân tạo". Đây là các đề tài xoay quanh việc giám sát từ xa và thu thập dữ liệu tốt.

Chị cũng đã truyền cảm hứng nghiên cứu cho nhiều lứa sinh viên. Nhiều em đã thành công trong sự nghiệp, hiện là giảng viên hoặc làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

 "Bản thân tôi cũng học hỏi và hoàn thiện bản thân hơn khi làm việc với sinh viên. Ví dụ, việc giảm tốc độ nói, biết cách lắng nghe các em. Tôi luôn nhớ những ngày cô trò mải mê đo thử nghiệm đến 9h tối mới về, cô trò cùng hát vang trên sân trường dưới ánh đèn vàng. Vào ngày tôi cưới, nhóm sinh viên ôm đàn ghi-ta đến nhà chia vui cùng cô. 

Có lẽ đó là những kỷ niệm đẹp, đáng quý, không bao giờ có thể quên. Cũng có giai đoạn rất khó khăn, nhất là trong đại dịch Covid-19, cô trò không thể lên phòng thí nghiệm. Công việc cần 10 người làm thì chỉ còn 3 người. Cô trò phải ăn, ngủ tại chỗ từ sáng tới tối trong mấy tuần liền mới kịp tiến độ dự án", PGS.TS Minh Thùy chia sẻ.

Ông xã… phản biện

PGS.TS Lê Minh Thùy cho biết, áp lực lớn nhất của chị là phải làm sao để xứng đáng với tình cảm, kỳ vọng của thầy cô, lãnh đạo, đồng nghiệp, sinh viên và gia đình.

Chị luôn quan niệm, gia đình quan trọng nhất và là nơi nuôi dưỡng, yêu thương chị. Công việc giảng dạy và nghiên cứu mang lại cho chị niềm vui, động lực, thách thức và sự tự do. Một ngày làm việc mệt mỏi, với ngổn ngang thử nghiệm chưa xong, có thể được xoa dịu bằng những phút giây bên gia đình, nạp năng lượng để quay lại với công việc vào hôm sau.

 Không chỉ ủng hộ công việc của vợ, chồng chị còn tư vấn, phản biện một số nghiên cứu của vợ. Nhờ đó, nghiên cứu của chị có khả năng tiệm cận đưa vào ứng dụng trong thực tế.

Ngoài việc "cháy hết mình" trong nghiên cứu, PGS.TS Lê Minh Thùy cũng có những sở thích dung dị. Chị thích pha cà phê, làm bánh, nấu ăn, bởi "khám phá việc kết hợp nguyên vật liệu trong các món ăn cũng như thay đổi tỷ lệ trộn cà phê mang lại hương vị rất thú vị".

Bài, ảnh: An Khê