Sau 3 năm dành thời gian chăm sóc gia đình nhỏ, ca sĩ Võ Hạ Trâm trở lại với âm nhạc bằng dự án The Love Journey. Về với em - MV đầu tiên của dự án - nhanh chóng lọt top 1 xu hướng YouTube Việt Nam sau 2 ngày ra mắt với 2,2 triệu lượt xem, hơn 129.000 lượt yêu thích và gần 10.000 lượt bình luận. Đến nay, sau 1 tháng kể từ ngày ra mắt, MV đã cán mốc 15 triệu lượt xem 

Võ Hạ Trâm trong MV Về với em
Võ Hạ Trâm trong MV Về với em

 

Trên nền tảng nhạc iTunes, ca khúc dẫn đầu về lượt nghe. Ngày 13/4, từ khóa "Võ Hạ Trâm" vào top tìm kiếm nhiều thứ hai trên Google Việt Nam. 16 năm ca hát, lần đầu Võ Hạ Trâm đạt được thành tích này. Cô nói: “Tôi vui đến mất ngủ vì mọi thứ diễn ra ngoài sức tưởng tượng. Chặng đường dài nỗ lực, kiên trì với sự nghiệp của tôi cuối cùng cũng gặt được trái ngọt”.

Dự án này được Võ Hạ Trâm đầu tư 5 tỉ đồng, 200 nhân sự cùng làm việc trong 12 ngày với hành trình 800km, 12 địa điểm, 15 kiểu trang điểm và trang phục trên đất nước Ấn Độ. Khi kể lại chuyện hậu trường, cô bật khóc vì không nghĩ bản thân có thể vượt qua các khó khăn, sự cố. Điều cô trân trọng là sự đồng lòng của mọi người, sự ủng hộ của chồng để thực hiện dự án. Trâm tâm sự, sau dự án này, cô sẽ lại dành thời gian cho gia đình và chuẩn bị cho một dự án mới mẻ, khác biệt hơn. Ở đó, âm nhạc mang đến cho người nghe sự thư giãn và cảm giác tích cực, xua đi những nhọc nhằn.

Là ca sĩ học hành bài bản, từ trước đến nay, Võ Hạ Trâm luôn được đánh giá có đủ các tố chất về kỹ thuật, cảm xúc, phong cách trình diễn. Thế nhưng, các sản phẩm âm nhạc trước đây của cô mang tính hàn lâm nhiều hơn giải trí, do đó không phổ biến đến người nghe đại chúng. Trong cuộc trò chuyện với Phụ nữ Chủ nhật TPHCM, Trâm cho biết, trong sự nghiệp và cả trong cuộc sống của cô, mọi thứ gói gọn quanh chữ “đủ”: “Khi mình thấy đủ sẽ hạnh phúc”.

Tình yêu to lớn được hun đúc từ nhứng điều bình dị 

Phóng viên: Trong quá trình làm việc, tiếp xúc, Trâm nhận thấy giữa người Việt và người Ấn có những điểm tương đồng và khác biệt nào?

Ca sĩ Võ Hạ Trâm: Về văn hóa, người Ấn có rất nhiều nét tương đồng với người Việt. Chẳng hạn họ cũng đề cao giá trị gia đình, tôn ti trật tự trong gia đình, lòng trung thành, sự thủy chung.

Sự khác biệt có chăng là về tính cách. Tôi có cảm giác cuộc sống ở Ấn rất áp lực. Vì dân đông, công việc ít, mọi người đều phải cố gắng rất nhiều cho công việc có được. Họ làm như thể ngày mai không còn được làm công việc đó nữa. Chẳng hạn khi tôi hẹn ê kíp trang điểm 7 giờ bắt đầu làm việc thì mới 5 giờ, họ báo mọi thứ đã chuẩn bị xong hết rồi. Hoặc ê kíp chỉnh đèn, dù tôi thấy đã đạt rồi, họ vẫn tiếp tục chỉnh cho đến khi đạt chuẩn. Đó là cách làm việc của người Ấn, luôn đúng giờ và đầy trách nhiệm. Dù bạn trả bao nhiêu tiền thì họ cũng làm xứng đáng hơn số tiền họ được nhận, để cho ra thành quả tốt nhất.

Trong đời sống hằng ngày, người Ấn nói chuyện rất to và đi cũng rất nhanh nhưng họ cũng vô cùng tốt bụng. Nếu mình cần giúp đỡ, họ sẽ giúp hết lòng. Chính điều đó càng cho tôi thêm động lực vượt qua mọi vất vả.

The Love Journey là lời tri ân của tôi với khán thính giả của mình, với ê kíp 2 quốc gia và to lớn hơn, là tình yêu tôi dành cho chồng, cho quê hương chồng - nơi anh sinh ra và lớn lên, nơi có gia đình anh - giờ đã là gia đình lớn của tôi.

* Như chia sẻ của chị, tình yêu đó, theo thời gian, càng dài và rộng…

- Đúng vậy. Chúng tôi gắn kết với nhau không chỉ bằng tình cảm vợ chồng, lứa đôi mà đó còn là sự gắn kết của 2 nền văn hóa, 2 đất nước. Tôi tin, mọi tình yêu to lớn, cao đẹp đều bắt nguồn từ tình cảm cá nhân. Như khi bạn yêu một con đường, một cái cây nơi bạn sống, bạn sẽ yêu khu vực đó, thành phố đó, vùng đất đó. Tình yêu đất nước Ấn Độ của tôi được hun đúc từng ngày qua tình cảm của chồng và cuộc hôn nhân hạnh phúc. 

Những câu chuyện chồng tôi kể, về con người, về quê hương anh, về những điều rất đẹp và đáng tự hào trong văn hóa, tính cách của người Ấn, trong cách anh hành xử mỗi ngày như mưa dầm thấm lâu vào nhận thức, suy nghĩ của tôi. Dần dần, tình yêu đó lớn hơn. Phía gia đình anh cũng cho tôi cảm nhận được những giá trị tinh thần rất đáng trân quý. Tình yêu đó còn được nuôi dưỡng qua những lần tôi sang Ấn thăm gia đình chồng, được cùng anh đi đó đây trên quê hương anh - vùng Rajasthan nơi anh lớn lên, đến những nơi mang đậm dấu ấn lịch sử Ấn Độ. Nó cũng giống như cách chồng tôi yêu Việt Nam, món ăn Việt và văn hóa Việt.

MV Về với em:

* Sản phẩm đầu tiên trong The Love Journey - MV Về với em - được người yêu nhạc Việt đón nhận nồng nhiệt còn với người Ấn thì sao?

- Đối với ca sĩ người nước ngoài chịu khó tìm tòi đầu tư giới thiệu những giá trị văn hóa của đất nước họ đến nước bạn, người Ấn rất xúc động và tự hào. Họ dành cho tôi những tình cảm, những lời khen ngợi có cánh. Những lời cảm thán, sẻ chia đó khiến tôi vừa xúc động, vừa tự hào vì ít nhất mình đã thực sự làm được điều gì đó...

Khi những người bạn của tôi giới thiệu MV này cho những thành viên, lãnh đạo người Ấn trong công ty, tập đoàn lớn xem, họ bày tỏ rằng họ xúc động và rất nhớ quê hương. Lần gần đây nhất, tôi tham gia biểu diễn cho một nhãn hàng, có 2 vị CEO người Ấn đã đợi hết buổi diễn và hỏi thăm phía công ty tổ chức sự kiện, cô ca sĩ này là ai. Tôi cho rằng, MV Về với em phần nào đã trở thành cầu nối giữa 2 dân tộc và tôi hy vọng tình cảm đó sẽ gắn kết khăng khít hơn.

Tạo hình lạ lẫm của Võ Hạ Trâm trong dự án âm nhạc mới nhất
Tạo hình lạ lẫm của Võ Hạ Trâm trong dự án âm nhạc mới nhất

"Tôi không giỏi chạy theo thị hiếu" 

* Trong sự nghiệp hay trong hôn nhân, từ trước đến nay tôi đều thấy ở chị sự trầm ổn. Giữ sự trầm ổn đó trong thế giới giải trí xô bồ là việc khó hay dễ?

- Ngày tôi bắt đầu đi hát, sau khi đạt giải quán quân Ngôi sao tiếng hát truyền hình, là thời điểm tôi quyết định sẽ đi theo dòng nhạc nào. Tôi ngồi với thầy Tạ Minh Tâm, 2 thầy trò phân tích rõ điểm mạnh, điểm yếu của tôi để có sự lựa chọn phù hợp. Nhan sắc nổi bật, tài chính, ê kíp… - tôi chẳng có gì ngoài bản thân và giọng hát. Dòng nhạc phù hợp nhất là nhạc truyền thống cách mạng. Đó là con đường duy nhất tôi có thể đi với âm nhạc. Thầy phải làm công tác tư tưởng cho tôi rất nhiều vì lúc ấy tôi mới 17 tuổi, không nghĩ sẽ hát nhạc cách mạng, cũng không đủ tự tin để hát. Tuổi trẻ thường xao động với nhiều thứ lấp lánh bên ngoài và hợp với tuổi của mình hơn. Tuy nhiên, thầy là một tượng đài lớn và những phân tích của thầy đã thuyết phục tôi. Tất nhiên, thầy cũng nói rõ, chọn con đường này sẽ rất buồn nhưng khi nội lực vững thì sẽ rất bền. Quả là buồn thật nhưng sau khoảng thời gian rèn giũa bản thân, nâng cấp mình từng ngày ở nhạc viện, đến giờ, tôi cảm thấy con đường mình chọn là đúng đắn.

* Trong lúc nhiều ca sĩ tên tuổi chọn cách làm mới nhạc trẻ để tiếp cận thêm người nghe thì chị lại mất hút. 16 năm mới có một sản phẩm âm nhạc tạo sức hút, phải chăng dòng nhạc chị chọn đã tạo nên điều ấy?

- Vì sao tôi không chạy theo thị hiếu của khán giả ư? Vì tôi không giỏi. Thị hiếu thay đổi liên tục. Muốn theo, bạn phải nhanh nhạy. Muốn đáp ứng, bạn phải có tài chính và ê kíp đồng lòng. Không phải cứ làm 1 dự án là xong. Nó cần một sự dài hơi, trong khi để đầu tư cho 1 dự án, tôi cần phải để dành tiền suốt mấy năm trời. Cho dù mình chấp nhận tiết kiệm đầu tư thì thành quả thưa thớt cũng như muối bỏ biển mà thôi. Vừa mất tiền, vừa mất sức mà không mang lại giá trị gì cho mình thì tại sao phải chọn?

Nguyên do thứ hai xuất phát từ việc tôi biết mình muốn làm gì và đâu là điều phù hợp nhất. Âm nhạc của tôi trước hết phải có sự gắn kết với bản thân tôi - tức là tôi phải hiểu, phải cảm nhận thật sâu sắc từng giai điệu, lời ca tiếng hát. Tôi thích những lời ca có ý thơ, có nghệ thuật trong đó. Sở thích này bắt nguồn từ nhỏ, khi tôi nghe các đàn anh, đàn chị hát. Âm nhạc của họ có dấu ấn riêng, được người nghe chờ đợi. Tôi cũng muốn tạo dựng dấu ấn ấy từng chút từng chút một.

Tôi quan niệm, chỉ cần mình làm điều mình yêu thích và làm hết sức vì sự lựa chọn đó, khán giả cùng tần số sẽ tìm đến. Khán thính giả đến với âm nhạc của tôi đều là những người có ít nhiều chiêm nghiệm trong đời sống. Họ lẳng lặng dõi theo, cổ vũ. Tôi là người biết chấp nhận thực tế thay vì mơ mộng, mong cầu những thứ mình không có.

Gia đình nhỏ của Võ Hạ Trâm
Gia đình nhỏ của Võ Hạ Trâm

* Cụ thể như…

- Như khi mình không nổi tiếng bằng bạn bè hay có những giới hạn trong sự nghiệp, tôi không lấy đó làm buồn bã hay lo lắng, ganh tỵ. Nếu lúc nào cũng tự vấn vì sao không đạt được cái này, vì sao không có cái kia… thì chính mình đẩy bản thân vào bế tắc, trong sự nghiệp cũng như trong tình cảm. 

Hạnh phúc mới là đích đến tôi hướng tới trong cuộc sống

* Có người nói hạnh phúc là kiếm được nhiều tiền; có người nói đó là thăng hoa trong sự nghiệp… Với chị, hạnh phúc là gì?

- Là sự yên bình và cân bằng trong tâm trí. Cho nên mọi người sẽ thấy tôi không có tham vọng vươn lên vị trí nào trong nghề. Những gì cần làm, tôi sẽ làm; những gì đến với mình, mình làm hết lòng và nghiêm túc với nó nhưng việc đặt mình ở vị trí nào thì tùy duyên. Chính nhờ sự chấp nhận và cái tính luôn biết đủ, tôi cảm thấy dễ sống và thoải mái trong những tháng ngày khó khăn. Kể cả khi cả tháng mới có 1 show, tôi vẫn có thể sống được, vẫn thấy đủ. 

* Chị có thấy bản thân… già trước tuổi?

- Đúng là như vậy! So với bạn đồng trang lứa, tôi có những suy nghĩ xa hơn các bạn nhiều. Chẳng hạn, 17 tuổi tôi đã nghĩ đến việc đi làm để tích cóp, tiết kiệm tiền lo cho cuộc sống, trong khi đó là tuổi đi chơi, vui vẻ.

Cái tính này có sự ảnh hưởng của gia đình. Gia đình tôi là người miền Trung, ba mẹ tôi vươn lên từ bàn tay trắng, rất khó khăn, phải tiết kiệm từng đồng cho con ăn học. Ngay cả mấy anh chị em trong gia đình tôi đến bây giờ cũng vậy, luôn đề cao việc tiết kiệm. Khi mình không phung phí mới dư dả để lo cho cuộc sống, cho gia đình và làm nhiều 
thứ khác.

Chồng tôi cũng vậy. Anh không giàu có như mọi người vẫn nghĩ. Nếu xem các video tôi chia sẻ, mọi người sẽ thấy anh sinh ra trong một gia đình bình thường, cuộc sống cũng thiếu trước hụt sau khi cha qua đời. Anh đã phải nỗ lực rất nhiều để vươn lên và chăm sóc mẹ.

"Vợ chồng tôi chấp nhận nhau thay vì kỳ vọng" 

* 2 con người ở 2 gia đình khác nhau, dù cảm thông cách mấy cũng có khác biệt nhất định. Vợ chồng chị lớn lên trong 2 nền văn hóa khác nhau, có sự khác biệt nào dẫn đến mâu thuẫn?

- Mâu thuẫn thì không vì chúng tôi đến với nhau bằng sự thấu hiểu, tương đồng về nhân sinh quan. Chỉ là, trong cuộc sống gia đình, có những cái anh chưa hiểu, tôi phải giải thích. Bình thường anh rất dễ tính, sao cũng được nhưng đụng tới con là anh bảo vệ một cách cực đoan. Vì qua tuổi 40 mới có con đầu lòng, lại là con gái, anh luôn dành cho con tình thương đặc biệt. Anh không muốn con bệnh, không muốn con phải khóc. Mà đứa trẻ nào lại không khóc, không mắc vài bệnh lặt vặt. Lúc anh lo lắng vì xót con, tôi phải giải thích, rồi anh tìm hiểu thêm trên internet, qua sách vở. Dần dà, anh hiểu và quen hơn, mọi thứ trở về nhịp sống bình ổn.

* Làm thế nào để cuộc sống hôn nhân luôn mới mẻ?

- Cơ bản, vợ chồng tôi là những người đơn giản và không có nhiều nhu cầu trong cuộc sống, cũng không kiểm soát nhau. Chúng tôi chấp nhận nhau, không cố gắng để phải làm cái này, cái kia mới mẻ. Mỗi ngày, niềm vui của chúng tôi là đi làm về, gặp nhau cùng chuyện trò, chia sẻ chuyện công việc, cùng nhau ăn uống rồi đi ngủ. Chúng tôi cũng dành cho nhau không gian riêng nên cảm thấy thoải mái và gắn kết hơn. Có lẽ vì quan điểm sống của chúng tôi khá tương đồng và đều trân trọng giá trị gia đình, trân trọng nửa còn lại nên không để cảm xúc tiêu cực ảnh hưởng đến mối quan hệ. Khi có một người tin tưởng và chấp nhận, mình sẽ có động lực để cố gắng làm nhiều thứ thú vị và thăng hoa.

* Chị yêu nhất điều gì ở chồng?

- Sự an toàn, an tâm. Từ lúc yêu, kết hôn cho đến thời điểm hiện tại, tôi chưa bao giờ thấy bất an khi ở bên anh. Anh là người đàn ông cực kỳ trách nhiệm và chung thủy. Không có chuyện anh ra đường mà nhìn ngắm những người phụ nữ khác. Anh trân trọng những giá trị của vợ, kể cả những vết rạn trên bụng. Tôi nhớ như in lúc mang bầu bé Moon, bụng tôi rạn nhiều khiến tôi rất buồn. Anh cho tôi xem một tấm ảnh em bé nằm trên bụng mẹ đầy vết rạn và hỏi tôi thấy có đẹp không. Anh bảo anh thấy rất đẹp vì những vết rạn đó thiêng liêng. Lúc ấy, tôi hiểu thêm rằng người đàn ông này không chỉ tâm lý mà còn trân trọng sự hy sinh của người phụ nữ. Anh được giáo dục trong môi trường mà cha anh cũng yêu thương mẹ anh nên anh rất yêu gia đình và chưa bao giờ làm điều gì khiến tôi phải buồn. Anh cũng sẵn sàng đứng ra giải quyết mọi vấn đề nếu như có ai “bắt nạt” tôi.

* Cảm ơn chị đã chia sẻ. 

Theo phụ nữ TPHCM