Họa sĩ Lâm Huyền Lam là giảng viên khoa Hội họa - Đại học Hồng Bàng (TPHCM). Dù tuổi không còn trẻ, chị vẫn vẽ không ngừng nghỉ. Gần nửa thế kỷ sáng tác, chị đã góp mặt trong nhiều triển lãm sơn dầu ngả về trừu tượng ở cả trong và ngoài nước, tham dự các triển lãm nhóm tại Mỹ, Pháp, Hà Lan, Hà Nội và TPHCM…
Chị cũng đoạt nhiều giải thưởng hội họa như giải Ba của Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 2010 và 2013, giải A triển lãm "Sáng tác mới" năm 2015… Chị đã 5 lần là đại biểu miền Nam dự Đại hội Đại biểu toàn quốc của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Năm 2022, nữ họa sĩ được tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp mỹ thuật Việt Nam.
Họa sĩ Huyền Lam vẽ tranh trên nhiều chất liệu. Với tranh sơn mài, họa sĩ cho biết, chị tự làm từ A tới Z, từ miếng ván ép về tram trét, bó vải, hom, lót, vẽ, cẩn trứng, quang phủ mài đánh bóng đến khi hoàn thành bức tranh…
Tranh sơn mài của Huyền Lam thường có màu sắc óng ả, quyến rũ, huyền bí, sâu thẳm, vàng son rực rỡ. Các bức vẽ biểu hiện đã đoạt giải A trong triển lãm "Sáng tác mới" năm 2015 của Hội Mỹ thuật TPHCM là "Quê nhà", "Ánh trăng", "Cá"… thu hút người xem với đường nét nhịp nhàng, uyển chuyển của những chiếc ghe thuyền trong một đêm trăng của miền sông nước.
Màu đỏ son huyền bí, màu trắng cẩn trứng lấp lánh như ẩn như hiện bên màu xanh rêu nhẹ nhàng với lối cắt lập thể đã tạo nên một hình ảnh quê hương đầy ắp nhớ nhung. Nổi bật là màu vàng lấp lánh rực rỡ của ánh trăng phản chiếu xuống dòng sông trong đêm tối thơ mộng…
"Với những bức sơn mài biểu hiện trừu tượng là một phong cách khác, tôi kiểu thức hóa với những mảng màu mạnh hơn, những hình khối to hơn, và đơn giản chỉ điểm xuyết vài lát vàng trên hoa như bức "Bình và Hoa", "Mầm sống", "Nắng sớm", "Phố cổ", "Đường vào làng", "Quê nhà"…", họa sĩ Huyền Lam cho biết.
Với tranh sơn dầu, acrylic tổng hợp như các bức "Làng chài Phan Thiết", "Quê nhà bình an", "Thiếu nữ và hoa", "Sen", "Xưa"…, chị vẽ theo trường phái biểu hiện, ghi lại những giây phút thăng hoa, bay bổng.
Một điều dễ nhận thấy, nhiều bức tranh sơn mài của Huyền Lam tuy là ngôn ngữ trừu tượng nhưng đều ẩn chứa những câu chuyện, suy tư, trăn trở từ một hòn đá, con sông, cơn gió thoảng qua, đám mây, con thuyền, dòng sông, lu nước… Tất cả đều có lối diễn tả kỹ thuật chắc chắn, bố cục chặt chẽ, vừa mạnh mẽ, vừa dứt khoát nhưng vẫn hài hòa, êm dịu với những mảng màu chủ đạo đỏ, đen, vàng, cẩn trứng…
Về tranh của Huyền Lam, cố họa sĩ Trần Thanh Lâm từng nhận xét: "Tranh của Huyền Lam là những mảng màu nổi trôi nghe như lời đối thoại của rong rêu, cỏ cây, hoa lá, của thiên nhiên thuở hồng hoang. Bố cục tranh gọn gàng, xinh xắn, âm sắc thì thầm, trầm lặng và trong trẻo…".
Hoạt động lâu năm trong ngành mỹ thuật, được nhiều người biết đến nhưng đến nay, sau sau 49 năm cầm cọ, họa sĩ Huyền Lam mới tổ chức triển lãm cá nhân đầu tiên. Triển lãm trưng bày 80 tác phẩm gồm tranh sơn mài, sơn ta, sơn dầu và acrylic, sẽ khai mạc ngày 23/10 và kéo dài tới hết ngày 29/10/2022 tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM.
Cả gia đình là họa sĩ
Họa sĩ Huyền Lam học vẽ từ năm 11 tuổi, niên khóa 1973-1975 tại Trường Quốc gia Trang trí mỹ thuật Gia Định và năm 1991 tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TPHCM. Chị là con gái của họa sĩ Nguyễn Lâm và là thành viên trong một gia đình hiếm hoi có tới 8 họa sĩ cùng sáng tác. Họa sĩ Nguyễn Lâm (tên thật Lâm Huỳnh Long), sinh năm 1941 tại Cần Thơ, gần như thành công ngay từ lúc bước chân vào con đường hội họa chuyên nghiệp đầu thập niên 1960. Trong khoảng 60 năm cầm cọ, họa sĩ Nguyễn Lâm đã vẽ hơn 1.200 tác phẩm.
Họa sĩ Nguyễn Lâm có 9 người con, 5 gái 4 trai, trong đó 6 theo nghiệp vẽ là Lâm Huyền Lam, Lâm Huỳnh Sơn, Huỳnh Lân, Lâm Huỳnh Linh, Huyền Lê, Lâm Lan. Hai người con còn lại là Lâm Huỳnh Lâm và Lâm Huyền Ly làm thợ sơn mài, còn Lâm Huyền Loan là nghệ sĩ đàn tranh. Con trai của Lâm Huyền Lam, cháu ngoại của họa sĩ Nguyễn Lâm, là họa sĩ trẻ Lâm Ngọc Thanh.
Bài, ảnh: Hòa Bình