Bà Đinh Thị Thu Hảo (47 tuổi, tỉnh Phú Thọ) là Chi hội trưởng Hội Gia đình trẻ bại não tỉnh Phú Thọ, đồng thời là giáo viên tại một trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh. Bà là mẹ của 2 cô con gái, trong đó một người con mang theo câu chuyện đầy cảm hứng của sự nghị lực.
Hành trình nỗ lực cùng con
22 năm trước, gia đình bà Hảo chưa kịp cảm nhận hạnh phúc khi đón chào 2 cô con gái sinh đôi Mai Anh (22 tuổi, chị) và Trúc Anh (22 tuổi, em) thì đã phải đối mặt với một thách thức lớn. Khi Mai Anh được 18 tháng tuổi vẫn chưa biết đi nên gia đình rất lo lắng đưa con đi khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương. “Tôi vô cùng bàng hoàng, lo lắng khi nghe bác sĩ chẩn đoán Mai Anh mắc chứng bại não”, bà Hảo nói.
Lúc bấy giờ, bác sĩ nói rằng căn bệnh này không thể phẫu thuật. Bà Hảo chia sẻ: “Với tâm lý có bệnh thì vái tứ phương, gia đình tôi đã thử nghiệm mọi phương pháp từ đông đến tây y, từ châm cứu, bấm huyệt, đến đắp thuốc nam và tập phục hồi chức năng... Nếu ngày đó nước mình có phương pháp ghép tế bào gốc, dù tốn kém đến đâu tôi vẫn sẽ lựa chọn cho con”.
Với sự kiên trì và nỗ lực không ngừng của cả gia đình, Mai Anh bắt đầu biết đi vào năm 5 tuổi và sau đó bước vào hành trình học hành. Dù vậy, tay và chân phải yếu nên bước đi của Mai Anh vẫn không chắc chắn, hay ngã và mãi vẫn không viết được chữ. “Chúng tôi vẫn kiên trì tập cùng con, học cùng con với suy nghĩ “rồi sẽ ổn thôi”. Chúng tôi luôn tin rằng, sau này, con vẫn có những lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với thể trạng”, bà Hảo nói.
Không phụ lòng mong mỏi của cha mẹ, Mai Anh có thành tích học tập rất tốt, đỗ lớp chuyên Sử trường THPT chuyên Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ năm 2016. Trúc Anh cũng là học sinh trường này. Bà Hảo chia sẻ: “Chúng tôi đồng hành, đón đưa con mỗi tuần suốt 3 năm học cấp 3 với khoảng cách 30km”.
Cả gia đình càng hạnh phúc vỡ òa khi Mai Anh thi đậu Trường ĐH Luật Hà Nội, Trúc Anh vào Trường ĐH Dược Hà Nội. Bà Hảo tâm sự: “Khi con lên đại học, bên cạnh niềm vui thì tôi rất lo lắng vì lần đầu tiên con phải sống xa bố mẹ và em gái. Tuy nhiên, khi con tham gia vào Hội Gia đình trẻ bại não Việt Nam, con tự tin hơn và nỗi lo của tôi bớt đi dần”. Ngoài ra, Mai Anh còn nhận được sự giúp đỡ của các thầy cô giáo trong trường, bạn bè, học trò cũ của bà Hảo... “Tất cả đều yêu thương, giúp đỡ Mai Anh một cách nhiệt tình. Nỗi lo lắng được thay thế bởi niềm vui, niềm tự hào và đặc biệt, tôi luôn tin vào nội lực của chính con gái”, bà Hảo cười nói.
Hiện tại, Mai Anh đã tốt nghiệp ĐH Luật Hà Nội và đang học lớp đào tạo nghề luật sư tại Học viện Tư pháp, còn em gái sinh đôi Trúc Anh thì đang học năm thứ 5 tại Trường ĐH Dược Hà Nội. “Hai con gái là niềm vui, niềm hạnh phúc, là động lực của gia đình tôi”, bà Hảo tự hào kể về con.
Người mẹ không chỉ là người chăm sóc mà còn là người hướng dẫn, người động viên lớn nhất. Qua những thăng trầm trong quá trình đồng hành cùng Mai Anh, có thể thấy sức mạnh tình mẫu tử. Bất chấp mọi khó khăn, bà không bao giờ từ bỏ hy vọng và kiên trì đồng hành cùng con gái trên hành trình trưởng thành. Mai Anh chia sẻ: “Mẹ và gia đình là duyên gặp gỡ, sự sắp đặt tốt đẹp của số phận”.
“Cho đi yêu thương để nhận lại niềm vui mỗi ngày”
Bà Thu Hảo đã có 25 năm công tác tại Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Phú Thọ. Học trò của bà, em Hoàng Vân Anh chia sẻ: “Qua các phương tiện truyền thông, và đặc biệt là qua lời kể của các thầy cô trong trường và những anh chị khóa trước, em rất nể phục vì nghị lực phi thường của cô. Hơn 25 năm qua, cô ấy không chỉ làm công tác giảng dạy các thế hệ học trò người dân tộc thiểu số tỉnh Phú Thọ mà còn mang tới cho học sinh những bài học bổ ích về lối sống, ứng xử”.
Nghề giáo đối với bà Hảo không chỉ là công việc mà còn là một sứ mệnh cao cả. Bà chia sẻ: “Trái ngọt không đến ngay mà 10 năm, 20 năm sau sẽ tới”. Hạnh phúc lớn nhất đối với bà là khi những học sinh trưởng thành vẫn nhớ và quay lại thăm thầy cô, đem theo những kỷ niệm và tình cảm đầy trân trọng.
Bên cạnh vai trò giáo viên, bà Hảo còn nhận trách nhiệm làm Chi hội trưởng Hội Gia đình trẻ bại não Phú Thọ từ năm 2019. “Là một người mẹ có con mắc chứng bại não, tôi luôn có sự thấu hiểu, cảm thông và sẵn sàng giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh tương tự”, bà nói.
Với vai trò làm mẹ, làm giáo viên, bà vẫn đặt sự quan tâm và chăm sóc cho công việc của Hội lên hàng đầu. Đặc biệt, những gia đình ở khu vực miền núi, sử dụng điện thoại chưa thành thạo hay có tâm lý "muốn giấu con" đều là những thách thức mà bà Hảo luôn kiên nhẫn kết nối. Bà nói rằng: “May mắn trong hành trình này tôi luôn nhận được sự chia sẻ, giúp đỡ của mọi người”.
Bà chia sẻ triết lý sống của mình “Cho đi yêu thương để nhận lại niềm vui mỗi ngày”. Đây là thông điệp mà bà muốn truyền đạt đến tất cả học trò trong mỗi buổi học. Với lòng nhiệt huyết và tình yêu thương, mọi khó khăn đều có thể vượt qua.
Theo Thanh niên