Phương Nghi tốt nghiệp Đại học Quốc tế - ĐHQG TP HCM, sau đó sang Anh du học Thạc sĩ tại ĐH Cambrigde bằng học bổng Chevening. Từng giành học bổng thực tập nghiên cứu tại ĐH Auckland, New Zealand, Viện Khoa học & Kỹ thuật Okinawa Nhật Bản, Viện Khoa học & Kỹ thuật Áo, Nghi mong muốn du học Mỹ, theo đuổi nghiên cứu khoa học.

Thạc sĩ Nguyễn Phương Nghi vừa giành học bổng tiến sĩ đến ĐH Stanford, Mỹ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thạc sĩ Nguyễn Phương Nghi vừa giành học bổng tiến sĩ ĐH Stanford, Mỹ. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chọn Mỹ là điểm đến học tiến sĩ, Phương Nghi như bị "dội nước lạnh" khi liên tiếp thất bại. Cuối năm 2020, cô nộp hồ sơ cho 10 trường (gồm các đại học như: Johns Hopkins, Duke, Harvard, MIT, Columbia...) nhưng đều bị từ chối. Từng lung lay niềm tin vào chính mình nhưng Nghi dần xốc lại tinh thần, tìm hiểu nguyên nhân khiến hồ sơ của mình chưa thuyết phục.

Nữ sinh dần nhận ra, điểm yếu trong hồ sơ của mình là chưa có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu liên quan tới lĩnh vực in 3D sinh học mà cô mong ước theo đuổi ở bậc tiến sĩ, và chưa có định hướng nghiên cứu rõ ràng trong dài hạn. Một năm tiếp đó, Nghi dành thời gian tăng cường nghiên cứu và viết báo khoa học để bù đắp phần thiếu hụt. Ngoài ra, cô cũng viết lại bài luận để làm rõ hơn mục tiêu nghề nghiệp.

Nỗ lực được đền đáp, năm 2021, Phương Nghi nộp hồ sơ lần thứ hai, trúng tuyển Đại học Stanford với học bổng tiến sĩ toàn phần. Suất học bổng toàn phần trị giá 530.640 USD (khoảng 12,3 tỷ đồng) cho 5 năm nghiên cứu sinh tiến sĩ. Mỗi năm, Phương Nghi sẽ được cấp gói học bổng trị giá 106.128 USD (chi trả toàn bộ học phí 50.160 USD, tiền chi tiêu 49.200 USD và tiền bảo hiểm 6.768 USD). Đại học Stanford xếp top 6 trong danh sách các đại học quốc gia tốt nhất nước Mỹ năm 2022 (theo U.S News & World Report) và top 3 trong danh sách 100 đại học hàng đầu thế giới năm 2022 (theo QS ranking). Ngoài ra, cô còn đỗ vào University of Southern California.

Nhìn lại hai năm nỗ lực, Phương Nghi rút ra bài học, không bao giờ từ bỏ hy vọng và chùn bước trước thất bại. "Thành công là đi từ thất bại này tới thất bại khác mà không đánh mất nhiệt huyết" - dẫn lại câu nói của Cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill, Phương Nghi khẳng định, thất bại chỉ được tính khi bạn thực sự từ bỏ.

Trong bài luận, Phương Nghi tập trung làm rõ động lực học tiến sĩ và theo đuổi hướng nghiên cứu cô yêu thích.

Phương Nghi nhận định, không chỉ với Stanford mà bất kể chương trình tiến sĩ ở trường đại học nào, điều quan trọng nhất là sự phù hợp về định hướng nghiên cứu và động lực theo đuổi công việc này.

Ứng viên phải có đam mê nhất định về một lĩnh vực nào đó, mong muốn dành thời gian đào sâu nghiên cứu về vấn đề, nhằm tạo ra những kiến thức mới.

Ngoài ra, kinh nghiệm nghiên cứu và viết báo khoa học hay thuyết trình ở các hội nghị trong khoảng thời gian học đại học và thạc sĩ cũng là điểm cộng.

Phương Nghi tích lũy kinh nghiệm nghiên cứu từ năm 2014, tham gia chương trình thực tập tại nhiều phòng thí nghiệm trên thế giới.

Bắt đầu từ ý tưởng của giảng viên hướng dẫn về một bộ dụng cụ khâu vết thương không cần kim cho bệnh nhân vùng sâu vùng xa không có cơ hội tiếp cận cơ sở y tế, Phương Nghi thực hiện luận văn tốt nghiệp đại học về loại keo sinh học có khả năng kết dính đóng miệng vết thương, hỗ trợ tăng sinh tế bào.

Luận văn tốt nghiệp của Nghi được điểm A+. Ngoài ra, các kết quả nghiên cứu được sắp xếp, phân tích và viết thành một bài báo đăng trên tạp chí Q1 (nhóm những tạp chí khoa học uy tín nhất) thuộc danh mục SCIE. Phương Nghi đứng vị trí đồng tác giả. Bài báo sau đó cũng giành được Giải thưởng Sinh viên Đại học toàn cầu (Global Undergraduate Award) thuộc top 10% trong lĩnh vực Khoa học Y sinh.

Phương Nghi đúc kết, việc lựa chọn một câu chuyện hay mang bản sắc cá nhân, thể hiện kinh nghiệm và định hướng nghiên cứu phù hợp với ngôi trường ứng tuyển vô cùng quan trọng.

Phương Nghi được Hội đồng tuyển sinh Stanford phỏng vấn tổng cộng bốn lần. Một lần với một sinh viên đang học tại Khoa và ba lần với ba giảng viên khác nhau. Nội dung chính của các buổi phỏng vấn xoay quanh định hướng nghiên cứu và mục tiêu của Nghi, cũng như môi trường nghiên cứu tại Stanford. "Các buổi phỏng vấn không hề căng thẳng như mình tưởng tượng mà chủ yếu là đối thoại hai chiều, không khí khá thoải mái", Phương Nghi cho hay.

Nghi tâm sự, mặc dù đã trải qua rất nhiều đợt phỏng vấn nhưng lần nào cô cũng "tim đập chân run". Mẹo của cô là nghe những bài hát mang năng lượng tích cực trước khi vào phỏng vấn, vừa giải tỏa căng thẳng, vừa có tinh thần "chiến đấu". "Chỉ cần bạn tin tưởng vào bản thân mình, bạn có thể chinh phục được mọi thứ", Nghi nói.

Phương Nghi làm việc trong phòng thí nghiệm tại trường đại học. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Phương Nghi làm việc trong phòng thí nghiệm tại trường đại học. Ảnh: Nhân vật cung cấp

PGS.TS Nguyễn Thị Hiệp, Trưởng khoa Kỹ thuật Y sinh, ĐH Quốc tế - ĐHQG TPHCM, giảng viên hướng dẫn của Phương Nghi, đánh giá: "Nghi có những đức tính cần thiết để trở thành một nhà nghiên cứu tài năng và triển vọng, như khả năng giải quyết vấn đề, viết học thuật, tự tìm hiểu học hỏi... Tôi tin rằng, Nghi sẽ tiếp tục đạt được những thành công trong học tập cũng như sự nghiệp sau hành trình tiến sĩ".

Đến Stanford, Nghi sẽ theo đuổi chuyên ngành Bioengineering (Kỹ thuật sinh học), hướng nghiên cứu tập trung vào kỹ thuật mô và y học tái tạo.

"Tôi thích nghiên cứu đa ngành về sinh học và kỹ thuật. Lĩnh vực này vô cùng cần thiết trong việc tạo ra các loại vật liệu sinh học, ứng dụng cho việc tái tạo các cơ quan, mô bị mất hoặc tổn thương trong cơ thể", Nghi chia sẻ lý do chọn ngành.

Xác định rõ, nghiên cứu chưa bao giờ là một công việc dễ dàng, nhàn nhã, toàn màu hồng, Phương Nghi đã chuẩn bị trước tinh thần để đối mặt với "thế giới" mà mình chuẩn bị bước vào.

Theo vnexpress