b-l-th-xuyn-ch-tch-hi-lhpn-vit-nam-u-tin.jpg
Bà Lê Thị Xuyến - Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đầu tiên.

 

Bà Lê Thị Xuyến sinh năm 1909 tại làng Thạch Bộ, nay thuộc xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Mồ côi cha mẹ từ bé, bà được gia đình nội ngoại thương yêu nuôi nấng. Bà học bậc sơ học yếu lược ở trường Mỹ Hoà, trường nữ sinh Hội An, rồi trường nữ sinh Đồng Khánh (Huế).

Năm 1928, vừa tốt nghiệp bậc thành chung vừa đỗ bằng sư phạm, bà Lê Thị Xuyến là phụ nữ đầu tiên ở Quảng Nam có được tấm bằng ấy. Sau khi tốt nghiệp, bà được giữ lại làm giáo viên trường Đồng Khánh. Cùng năm đó, bà kết hôn với nhà trí thức cách mạng nổi tiếng Phan Thanh, từ đó tham gia các phong trào cách mạng một cách âm thầm, kín đáo. Năm 1931, gia đình bà ra Hà Nội, dạy học ở các trường tư thục Sùng Đức, Hoài Đức và Thăng Long.

Nhà bà trở thành đầu mối liên lạc của các đồng chí Trường Chinh, Phan Đăng Lưu, Võ Nguyên Giáp, Trần Huy Liệu, Đặng Thai Mai. Ngôi nhà số 165A, phố Hen ri D’Orle’ans (Đường Thành) của vợ chồng Xuyến - Thanh là đầu mối liên lạc của Đảng Cộng sản Đông Dương. Đây là địa điểm lui đến thường xuyên của các đồng chí lãnh đạo của Đảng lúc bấy giờ như Trường Chinh, Phan Đăng Lưu, Võ Nguyên Giáp, Trần Huy Liệu, Đặng Thai Mai... Cũng tại đây diễn ra các cuộc họp bàn việc thành lập Hội truyền bá Quốc ngữ.

Một trong những nhiệm vụ đặt ra đối với những người yêu nước lúc này là phải chống nạn thất học cho người dân. Để đáp ứng yêu cầu đó, năm 1938, Hội truyền bá Quốc ngữ được thành lập. Bà Lê Thị Xuyến tham gia các công việc của Hội một cách tích cực và được giao các nhiệm vụ thư ký, thủ quỹ, vận động gây quỹ, kiểm tra các lớp học ở Hà Nội và lúc này dù chưa phải là đảng viên, chưa thuộc tổ chức nào của Đảng nhưng đồng chí hiểu rằng mình đã nằm trong guồng máy cách mạng, mỗi việc mình làm đều phục vụ cho sự nghiệp lớn lao của đất nước, của dân tộc.

Sau khi ông Phan Thanh mất, một mình nuôi hai con nhỏ, lại xa gia đình hai bên, bà Lê Thị Xuyến phải trải qua những ngày tháng đầy khó khăn, vất vả nhưng nghị lực, ý thức tự lập đã giúp người phụ nữ Quảng Nam xa quê này vượt qua tất cả. Có những lúc bà bị ốm nặng, tưởng chừng không qua khỏi nhưng mỗi khi sức khỏe ổn định, bà lại tích cực dạy học, tham gia hoạt động truyền bá chữ Quốc ngữ. Ngôi nhà số 165 A, phố Hen ri D’Orle’ans vẫn là nơi liên lạc và làm việc của nhiều chiến sĩ cách mạng.

Tháng 5/1945, bà Lê Thị Xuyến quyết định đưa cả gia đình về quê hương Quảng Nam, nhận nhiệm vụ do Tổng Bí thư Trường Chinh trực tiếp giao, chuyển tài liệu Việt Minh về Quảng Nam và bí mật tuyên truyền chuẩn bị Tổng khởi nghĩa.

Những ngày Cách mạng Tháng 8 sôi sục, bà hăng hái tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở làng Bảo An, phủ Điện Bàn. Khởi nghĩa thắng lợi, đồng chí được cử làm Ủy viên Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời xã Bảo An, phụ trách cứu tế xã hội.

Sau cách mạng, bà Lê Thị Xuyến là một trong những tri thức được Ủy ban Nhân dân cách mạng Trung Bộ mời ra tham gia bộ máy chính quyền Trung Bộ và được cử giữ chức Ủy viên Ủy ban Nhân dân cách mạng Trung Bộ, phụ trách Nha cứu tế xã hội.

Trong cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (6/1/1946), bà được Mặt trận Việt Minh tỉnh Quảng Nam giới thiệu ra ứng cử và đã trúng cử với số phiếu cao, trở thành đại biểu nữ duy nhất trong số 14 đại biểu của Quảng Nam và là 1 trong số 10 nữ đại biểu đầu tiên của cả nước lúc đó. Từ đó, bà là đại biểu Quốc hội liên tục từ khóa I đến khóa V, Ủy viên Ban Thường trực Quốc hội các khóa I, IV và V, Ủy viên Ban Văn hoá - Xã hội của Quốc hội.

Để đoàn kết thống nhất các tầng lớp phụ nữ, giữa năm 1946, bà Lê Thị Xuyến cùng bà Nguyễn Khoa Diệu Hồng được Đảng giao nhiệm vụ tham gia Ban vận động sáng lập Hội LHPN Việt Nam. Hội LHPN Việt Nam là một bộ phận quan trọng trong Mặt trận Liên Việt.

Sau một thời gian chuẩn bị, ngày 20/10/1946, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam ra mắt tại Quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội, bà Lê Thị Xuyến được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch đầu tiên của hội và giữ chức vụ này suốt 10 năm liền (10/1946 - 4/1956).Với những hoạt động tích cực, ngày 20/7/1947, bà vinh dự được đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng sản Đông Dương. Tháng 4/1950, tại Đại hội phụ nữ Toàn quốc lần thứ nhất, Đoàn phụ nữ cứu quốc đã hợp nhất vào Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam thành một tổ chức chính trị duy nhất của các tầng lớp phụ nữ Việt Nam. Từ tháng 5-1956 đến 1978, bà là Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam.

Bà Lê Thị Xuyến còn tham gia hoạt động trong nhiều tổ chức chính trị - xã hội khác như: Ủy viên Trung ương Mặt trận Liên Việt, về sau là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1946-1977); Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Xã hội Việt Nam (1946-1979); Phó Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Hòa bình Thế giới của Việt Nam (1952-1976); Ủy viên Thường trực Ủy ban Thiếu niên - nhi đồng Việt Nam (1961-1978). Bà mất ngày 5/5/1996 tại Hà Nội.

Bà Lê Thị Xuyến là một trong những cán bộ lãnh đạo đầu tiên và có thời gian công tác lâu nhất (32 năm) của Hội LHPN kể từ khi thành hợp nhất các tổ chức phụ nữ thành Hội LHPN Việt Nam.

Phụ nữ Việt Nam