Bà Anh Nhân


Trong buổi gặp mặt cựu nữ sinh trường Trưng Vương khóa học 1952-1958 vừa diễn ra, nhân 100 năm ngày thành lập trường, thế hệ nữ sinh niên khóa ngày ấy nay đều đã là bà, có người lên chức cụ nhưng khi trở về mái trường xưa, ai cũng bồi hồi. Vừa đến cổng trường, ký ức thời “nhất quỷ, nhì ma”, dù đã cách đây hơn nửa thế kỷ nhưng dường như vẫn hiện về nguyên vẹn trong lòng bà Anh Nhân.

“Học trò thì ai chả nghịch ngợm nhưng ngày xưa chúng tôi học nghiêm chỉnh lắm. Khi đã được học tại ngôi trường này, ai cũng xác định đó là niềm vinh hạnh lớn nên cố gắng học tập”, bà Anh Nhân nhớ lại.

Không giống nhiều bạn học khác sau khi rời ghế phổ thông, chọn trường học được cho là hợp với phụ nữ hơn, cô gái Anh Nhân có dáng người nhỏ nhắn khi ấy, lại chọn thi vào trường Đại học Bách Khoa (Hà Nội). Cha mẹ, bạn bè, đều bất ngờ trước quyết định của cô nhưng Anh Nhân bảo, việc gì nam giới làm được, học được thì phụ nữ cũng có thể.


Vào Đại học Bách Khoa, Nguyễn Thị Anh Nhân theo học ngành liên quan đến công nghệ thực phẩm. Nhờ theo học chuyên ngành này, đã giúp bà gặt hái được nhiều thành công trong công việc về sau. Năm 1962, đất nước bước vào cuộc chiến tranh liên miên kéo dài, nơi đầu tiên bà về công tác là Nhà máy Miến Bộ Công nghiệp nhẹ sản xuất miến sản lượng lớn hàng chục tấn/ngày theo công nghệ Trung Quốc. Chiến tranh xảy ra, nguồn nguyên liệu chính sản xuất miến là đậu xanh bị cắt để làm giá đỗ thay rau xanh phục vụ bộ đội nơi chiến trường. Tìm nguyên liệu nào thay thế đậu xanh là một bài toán hắc búa.

Qua kiến thức đã học được trên ghế nhà trường, qua sách báo tài liệu trong và ngoài nước và qua kinh nghiệm học hỏi được từ nhân dân trong sản xuất nguyên liệu bột (bánh đa, bánh đúc, bánh tro, miến dong diềng…), nữ kỹ sư trẻ Anh Nhân khi ấy đã nghiên cứu và áp dụng thành công trong việc thay thế nguyên liệu chính từ đậu xanh bằng các loại tinh bột khác (ngô, khoai, sắn…) để sản xuất miến. Sáng kiến này được Vụ Kỹ thuật, Bộ Công nghệ nhẹ khi đó, tặng thưởng giá trị bằng tiền khá cao do hiệu quả kinh tế đem lại. Nhà máy lại tiếp tục sản xuất bình thường nhưng sau đó thì chuyển lên Cao Bằng, còn bà chuyển công tác về Viện Nghiên cứu Công nghiệp Thực phẩm.

 
4 lần giúp xí nghiệp thoát khỏi giải thể

Sau đó, do yêu thích môi trường sản xuất, bà về công tác tại Xí nghiệp nước chấm… Từ xí nghiệp này, hàng loạt sáng kiến cải tiến kỹ thuật lớn nhỏ lần lượt ra đời, đáng kể là 4 lần giúp xí nghiệp thoát khỏi giải thể.

Lần thứ nhất, do Khu công nghiệp hóa chất Việt Trì bị đánh phá, bà đã nghiên cứu chuyển cách sản xuất nước chấm theo phương pháp hóa học acid HCL sang phương pháp vi sinh nấm mốc. Xí nghiệp lại sản xuất bình thường. Lần thứ hai, do Trung Quốc cắt viện trợ đậu tương vào năm 1979, là nguyên liệu chính để sản xuất nước chấm, xí nghiệp lại ngừng sản xuất, bà đã nghiên cứu dùng hạt bo bo do Liên Xô viện trợ thay thế đậu tương. Lần thứ ba, khi Nhà nước xóa bỏ bao cấp, nước chấm cung cấp theo tem phiếu cho nhân dân không còn, nhân dân chuyển sang ăn nước mắm, xí nghiệp lại phải ngừng sản xuất. Bà đã nghiên cứu và cho ra đời nước chấm tổng hợp, được thị trường chấp nhận, đồng thời còn xuất khẩu sang Liên Xô.

Khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, Nhà máy lại ngừng sản xuất. Thời gian này, Xí nghiệp có nhiều kỹ sư giỏi và bà cũng đã là giám đốc. Bà đã cùng tập thể nghiên cứu đa dạng hóa sản phẩm (kẹo các loại, xà phòng, rượu chanh, giấm, mỳ ăn liền, bia…) và xí nghiệp đổi tên thành Nhà máy Thực phẩm Hà Nội. Sau khi sản xuất bia hơi Việt Hà, nước khoáng Opal, bà đã mạnh dạn vay tiền và nhập dây chuyền sản xuất bia Halida. Bia Halida được mệnh danh là “con đẻ của thời kỳ đổi mới” và được xuất khẩu sang Mỹ, Đan Mạch.
 
Thành công phải có niềm đam mê

Nhớ lại những năm tháng miệt mài sáng tạo, bà bảo, có nhiều câu chuyện vui buồn xoay quanh việc nghiên cứu cho ra đời những công trình khoa học. Do bám sát sản xuất không kể ngày đêm và ăn uống thất thường nên bà từng bị đau dạ dày. Bà bèn lấy vỏ đỗ xanh nấu cháo (do vỏ đậu xanh rất giàu tannin, độ kiềm cao nên bà đã khỏi bệnh). Hoặc chuyện 4h sáng, nữ kỹ sư tìm đến nhà bà sản xuất bánh tro ngoại ô, để tìm hiểu về công nghệ sản xuất các loại bánh từ bột. Chính từ niềm đam mê, nhiệt huyết trong công việc nên đã giúp bà gặt hái được nhiều thành công.

Bà Anh Nhân cho rằng, để đạt được thành công trong mọi lĩnh vực, rất cần nhiệt huyết và lòng đam mê

Để duy trì sản xuất ổn định, bà có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, công nghệ; tìm kiếm nguyên liệu thay thế, nghiên cứu thiết kế chế tạo thiết bị mới thay thế nhập ngoại… Chồng bà là GSTS Nguyễn Ngọc Anh, từng là giảng viên Đại học Bách Khoa Hà Nội và giữ nhiều chức vụ quan trong khác tại Bộ Công nghiệp. Ông thành thạo 4 ngoại ngữ Anh, Pháp, Nga, Trung, đã luôn ủng hộ, động viên và giúp tìm kiếm những tài liệu liên quan đến các công trình nghiên cứu, để giúp bà có thêm tài liệu nghiên cứu và áp dụng vào trong sản xuất thành công.

Bận bịu nhưng không quên chăm lo cho gia đình
 
Ngôi nhà bà Anh Nhân khá rộng, được tách làm 2 căn hộ nhưng thông nhau. Đó là tổ ấm của ông bà với gia đình 2 con trai. Tối tối, các con, cháu bà vẫn quây quần ăn cơm cùng bố mẹ, ông bà. Để gia đình có sự đồng thuận ấy, ngay từ khi các con còn nhỏ, dù bận bịu công việc nghiên cứu, kinh doanh nhưng khi về nhà, bà luôn dành thời gian chăm lo cho gia đình, dạy bảo các con. Vì thế, các con bà đều chăm ngoan, học giỏi và thành đạt, giữ chức vụ quan trọng ở Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

GS.TS Hoàng Văn Phong, nguyên Uỷ viên TƯ Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, khi nói về bà Nguyễn Thị Anh Nhân, đã cho rằng, bà là một nhà khoa học suất sắc, giàu sáng kiến, một doanh nhân xuất sắc có tâm và có tầm. Những nhận xét của GS Phong hoàn toàn có cơ sở, bởi ở cương vị nào, bà cũng luôn miệt mài học hỏi, nghiên cứu sáng tạo rồi áp dụng vào sản xuất nên đã gặt hái được thành công. Nhiều năm nay, mỗi khi Đại học Bách Khoa kỷ niệm thành lập vào năm chẵn, bà thường bỏ tiền túi ra tổ chức các cuộc gặp mặt cựu nữ sinh đại học này. Bà còn tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện nhưng ít khi muốn nhắc đến tên mình khi làm những việc đó. Có lẽ, chính những miệt mài cố gắng và việc làm ấy, đồng thời biết cách cân bằng công việc, cuộc sống gia đình nên dù rất thành công trong sự nghiệp, bà vẫn có một gia đình hạnh phúc.

Trong lễ trao giải Kovalevskaia năm 1992-giải thưởng dành cho những nhà khoa học nữ xuất sắc, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch giải đã cho rằng, bà Nguyễn Thị Anh Nhân, người được nhận giải khi ấy, là nhà khoa học của thực tiễn sản xuất.

Bà Nguyễn Thị Anh Nhân từng là Đại biểu Quốc hội khóa XI. Bà còn được nhận nhiều giải thưởng khoa học trong nước giải thưởng và quốc tế: 12 bằng Lao động sáng tạo, Huy chương Vàng Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO, Huy chương Danh nhân Who's who của tổ chức Who's who Danh nhân Mỹ, 2 lần nhận Giải VIFOTEC các năm (1993, 2002), Giải thưởng Thăng Long Hà Nội… Bà đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng và danh hiệu như: Huân chương Lao động, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Công ty bà từng làm giám đốc được phong Anh hùng lao động thời đổi mới năm 2016…

Thanh Hương