leftcenterrightdel
 PGS.TS Trần Thu Hương

Từ "cô bé thích hỏi tại sao" đến Tiến sĩ Hóa học ở tuổi 27

Dường như mọi đứa trẻ ham khám phá đều bắt nguồn từ những câu hỏi "tại sao". Tuổi thơ của cô bé Trần Thu Hương cũng vậy. Tại sao hạt ớt lại cay? Tại sao quả chanh chua nhưng vỏ chanh lại thơm? Tại sao cháo hành tía tô có thể giải cảm? 

Tại sao lá có màu xanh, hoa có nhiều màu rực rỡ?... Hàng vạn câu hỏi "tại sao" thôi thúc sự tìm tòi lời giải của cô bé.

Được sinh ra và lớn lên trong cái nôi gia đình có truyền thống theo ngành Hóa, lên cấp 3, Thu Hương đã thi đỗ vào lớp chuyên Hóa đầu tiên của Trường THPT Lý Thường Kiệt (hiện là Trường THPT Việt Đức, Hà Nội). 

Vào đại học, chị theo ngành Hóa học, Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội). Sau khi tốt nghiệp, chị là 1 trong 2 sinh viên xuất sắc của khóa được chọn chuyển tiếp sinh để học Tiến sĩ.

Trong thời gian làm nghiên cứu sinh, chị lập gia đình và sinh con ở tuổi 26. Vừa làm mẹ, vừa làm nghiên cứu sinh, việc chồng việc trên vai. 

Chị kể: "Khi con được 7 tháng, tôi đã phải cho cháu đi gửi trẻ. Ngày làm việc mới của tôi thường bắt đầu từ 4 giờ 30 sáng và kết thúc vào 12 giờ đêm. Nhiều khi phải tập trung cao độ, dành toàn tâm trí cho công việc để hoàn thành tiến độ của luận án Tiến sĩ".

Tại buổi lễ bảo vệ luận án Tiến sĩ năm 1996, cố Giáo sư Hoàng Trọng Yêm (nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) đã nói vui trước Hội đồng: "Tôi cho cô 3 điểm 10. Điểm 10 thứ nhất là lấy chồng. Điểm 10 thứ 2 là sinh con. Và điểm 10 thứ 3, mới là điểm luận án Tiến sĩ". 

Phút giây ấy, nhìn sang cậu con trai 2 tuổi cùng gia đình dự buổi bảo vệ của mình, niềm vui trong chị vỡ òa. Luận án Tiến sĩ của chị đã được 7/7 thành viên Hội đồng cho điểm 10 tuyệt đối. 

Vậy là trong 5 năm sau khi tốt nghiệp đại học, bằng nội lực, chị Hương đã hoàn thành xuất sắc cả 3 nhiệm vụ quan trọng của cuộc đời: lập gia đình, sinh con và nhận bằng Tiến sĩ Hóa học ở tuổi 27.

Sau khi nhận bằng Tiến sĩ, dù được nhiều cơ quan, tổ chức quốc tế mời về làm việc nhưng chị Hương đã quyết định chọn Bộ môn Hóa Hữu cơ của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội để gắn bó sự nghiệp, kể từ đó đến nay.

leftcenterrightdel
 PGS.TS Trần Thu Hương (ngồi, thứ 3 từ phải sang) cùng các thầy cô và sinh viên nhóm chuyên môn Hóa Hữu cơ - Hóa Dược

 

Thành công dành tặng gia đình và đồng nghiệp

Tôi có dịp gặp gỡ và trò chuyện cùng một số đồng nghiệp trong Trường Hóa và Khoa học Sự sống - Đại học Bách khoa Hà Nội, nơi chị Hương đang công tác. Các đồng nghiệp và cộng sự trong trường đều phong cho chị là "người có nhiều Bằng sáng chế và giải pháp hữu ích nhất Trường Hóa". 

Thế nhưng, PGS.TS Trần Thu Hương không bao giờ nhận mình là người xuất sắc, giỏi giang mà "vì tôi có một tập thể đoàn kết, say mê khoa học nên tôi mới có được những thành công. Thành công mang tên tôi nhưng đó là công sức của cả tập thể". Và chị luôn nói rằng, "tôi cảm ơn cuộc đời, cảm ơn cơ quan vì tôi là người quá may mắn".

Chị lý giải sự "quá may mắn" của mình rất thật thà: "Là con đầu cháu sớm của cả hai bên nội - ngoại nên tôi luôn được cả nhà tạo điều kiện được học tập trong môi trường tốt nhất. Suốt quá trình học từ mẫu giáo cho đến cấp đại học, sau đại học, tôi luôn được học các thầy cô tuyệt vời. 

Đến cả khi công tác tại Đại học Bách khoa Hà Nội gần 30 năm nay, lúc nào tôi cũng nhận được sự hỗ trợ chân tình từ các thầy cô, đồng nghiệp. Sống và làm việc trong những môi trường thuận lợi như thế, chẳng có lý do gì để mình không nỗ lực học tập và công tác tốt".

Theo chị Hương, phía sau thành công của một nhà khoa học là bóng dáng của cả tập thể đồng nghiệp và gia đình. 

"Khi làm một bài Toán khó, bạn có thể một mình tự giải được. Nhưng trong ngành Hóa học thực nghiệm, để nghiên cứu một đề tài/công trình, bạn khó có thể thành công nếu làm việc một mình. Thế nên, với mỗi Bằng độc quyền sáng chế đã được cấp, tôi chỉ dám nhận mình là người đứng tên tác giả đầu bởi phía sau, còn cả một tập thể cùng góp sức để tạo nên thành công đó".

Chị Hương nói rằng, chị nỗ lực chinh phục thành công trong khoa học không phải để chứng tỏ mình mà đơn giản, để được thỏa mãn với đam mê. Và hơn tất thảy: "Thành công là sự tri ân đẹp nhất cho cuộc đời. Tôi xin dành tặng thành công của mình cho gia đình và đồng nghiệp".

"Sứ mệnh cao cả của nhà khoa học là phục vụ đời sống"

Theo PGS.TS Trần Thu Hương, với chuyên ngành Hóa học các hợp chất thiên nhiên, việc tìm ra hợp chất mới từ thực vật, vi sinh vật, động vật có hoạt tính sinh học là một hành trình rất thú vị và ý nghĩa. 

Với niềm say mê, chị cùng nhóm nghiên cứu đã thành công trong việc nghiên cứu, tìm ra các hoạt chất trong nhiều loài cây như huyết giác, lược vàng, xoài, măng cụt, xakê...

Chị cho biết, những sáng chế và giải pháp hữu ích mới nhất từ năm 2020 đến 2023 của chị đều xoay quanh vỏ quả măng cụt, một loại quả nhiệt đới rất gần gũi ở Việt Nam. 

Trong các nghiên cứu gần đây, những hợp chất xanthon, tannin mới từ vỏ quả măng cụt với hoạt tính hạ đường huyết, kháng vi sinh vật kiểm định, gây độc tế bào, chống oxi hóa... được sử dụng trong việc điều chế thực phẩm chức năng.

"Việt Nam có hệ thực vật vô cùng phong phú. Dường như mỗi cây cỏ đều có thể là một vị thuốc dân gian. Và nhiệm vụ của các nhà khoa học trong ngành Hóa học các Hợp chất thiên nhiên chúng tôi là thực hiện phương pháp chiết tách, phân lập các hoạt chất để lý giải một các khoa học cho các bài thuốc dân gian, từ đó tạo ra dược phẩm, thực phẩm chức năng phục vụ đời sống. 

Mỗi nghiên cứu của chúng tôi không chỉ nhằm giải quyết các vấn đề khoa học mà còn hướng ứng dụng tới thực tiễn, mang lại lợi ích cho cộng đồng. Tôi tâm niệm, sứ mệnh cao cả của nhà khoa học là phục vụ đời sống", PGS.TS Trần Thu Hương bày tỏ.

Với lượng chất được chiết tách, phân lập từ thực vật, vi sinh vật… vô cùng nhỏ bé, cần nhiều bước phân tích tiếp theo để xác định cấu trúc và thử nghiệm hoạt tính sinh học, nên ngành Hóa học các hợp chất thiên nhiên có yêu cầu cao về sự khéo léo và tính cẩn thận. 

Việc nghiên cứu các hợp chất từ thực vật và vi sinh vật đòi hỏi sự tỉ mỉ và cẩn thận trong từng bước phân tích và thử nghiệm, chỉ một sai sót nhỏ có thể dẫn đến mất chất, hỏng chất hoặc mùi thơm không được như ý.

"Hóa học các hợp chất thiên nhiên là lĩnh vực đa ngành, liên quan đến Hóa học, Thực vật học, Sinh học, Dược học, Vật lý... Vì vậy, cần sự tổng hòa của các cá nhân từ mỗi lĩnh vực. Trong nhóm nghiên cứu thực hiện đề tài, mỗi thành viên là một mắt xích quan trọng, không thể thiếu.

 Tất cả các khâu, từ thu thập mẫu, xác định tên khoa học, chiết tách, xác định cấu trúc, thử hoạt tính sinh học, viết báo khoa học… đều cần độ chính xác tuyệt đối. Vì vậy, sự thành công của các đề tài, sáng chế không phải của cá nhân tôi, mà đó là kết quả được tạo nên bởi sự chung sức, đồng lòng của cả nhóm nghiên cứu", PGS.TS Trần Thu Hương khẳng định.

Bên cạnh các Bằng khen, Bằng sáng chế, bài báo khoa học, PGS.TS Trần Thu Hương đặc biệt trân trọng những bức thư, đồ kỉ niệm của các thế hệ sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh. Với chị, đó là những tài sản vô giá, làm dày thêm tình yêu nghề và sự gắn bó với Đại học Bách khoa Hà Nội.

Đến nay, PGS.TS Trần Thu Hương và cộng sự đã công bố hơn 140 bài báo khoa học trong nước và quốc tế; đã sở hữu 6 Bằng độc quyền sáng chế, 1 Bằng độc quyền giải pháp hữu ích đều về lĩnh vực Hóa học các hợp chất thiên nhiên. Ngoài ra, chị còn có một số sáng kiến đang trong quá trình đăng ký Sáng chế và Giải pháp hữu ích.

PGS.TS Trần Thu Hương đã hướng dẫn thành công 6 Tiến sĩ, nhiều Thạc sĩ; đang hướng dẫn chính 3 nghiên cứu sinh cùng nhiều học viên cao học và các sinh viên khác.

Song Nghi