Điểm đặc biệt nữa là Hảo cũng “kế thừa” truyền thống của các đàn chị ở đội tuyển rowing quốc gia: Lấy chồng rồi vẫn thi đấu tốt!

Động viên nhau thi đấu thật tốt

Ngày Hảo cùng đồng đội liên tiếp mang về số huy chương vàng tuyệt đối ở 8/8 nội dung thi đấu, cả Trung tâm đua thuyền Thuỷ Nguyên, Hải Phòng rộn tiếng hò reo.

Trong số các khán giả đông đảo đang bất chấp cái nắng, nóng đầu mùa hạ để cổ vũ ấy, có cả gia đình 2 bên của vợ chồng Hảo. “Khi thi đấu dù rất căng thẳng, mệt mỏi vì phải cạnh tranh với đối thủ nhưng chỉ cần nghĩ đến hình ảnh đợi chờ em ở sau vạch đích chính là mẹ, bà ngoại của cả hai vợ chồng thì bao mệt mỏi đều tan biến. Khi đó em dốc sức cùng đồng đội chèo thật nhanh để về đích sớm nhất, mang lại niềm vui, sự tự hào cho gia đình hai bên”, Hảo nở nụ cười tươi rói khi nhớ lại khoảnh khắc tại SEA Games 31.

Cô cho biết, bà ngoại của cả 2 vợ chồng đều đã lớn tuổi. Bà của Hảo ở Tuyên Quang còn bà của chồng cô, VĐV Phan Mạnh Linh lại ở Quảng Trị. Nhưng dù đường xá xa xôi, dù đã lớn tuổi, cả 2 bà vẫn cùng mẹ của 2 VĐV tới tận Thuỷ Nguyên, Hải Phòng thuê nhà ở để cổ vũ cho con, cháu. Sau nhiều nỗ lực tập luyện và thi đấu, Đinh Thị Hảo giành tới 3 HCV trong khi chồng cô cũng mang về chiếc HCB cho đội tuyển rowing quốc gia. Niềm vui của gia đình càng được nhân lên, hết SEA Games, bà và mẹ của cả hai vợ chồng lại tất bật bắt tàu, xe trở về quê tiếp tục với công việc đồng áng. “Sau SEA Games, cả hai vợ chồng em cũng tranh thủ mấy ngày nghỉ hiếm hoi để về thăm nhà tại Quảng Trị và Tuyên Quang. Quê cả hai đều xa nên rất vất vả nhưng bù lại khi về quê, tình cảm của cả gia đình rất ấm áp. Dù đã lớn nhưng cả hai vợ chồng đều được bà và mẹ chăm sóc”, Đinh Thị Hảo kể mà niềm vui vẫn ánh lên trong mắt. Giờ thì cả hai vợ chồng cô lại vào Đà Nẵng chuẩn bị cho các cuộc tranh tài tại Cúp các CLB đua thuyền toàn quốc 2022. Cả hai sẽ về khoác áo của 2 địa phương thi đấu tại giải. Bù lại, họ sẽ tiếp tục có những ngày được “chiến đấu” cùng nhau để lại cùng nỗ lực giành thành tích cao nhất.

Tập luyện cùng nhau tại Trung tâm đua thuyền Thuỷ Nguyên, Hải Phòng, sau vài tháng “chinh phục”, Phan Mạnh Linh mới nhận được cái gật đầu e lệ của Hảo. Lúc mới gặp nhau, Hảo chưa từng nghĩ sau này sẽ cùng Linh trở thành một cặp nhưng rồi cùng với thời gian tình cảm cứ lớn dần cho tới ngày Linh ôm bó hoa hồng đến tặng cùng lời tỏ tình ngọt ngào, thế là nên đôi. Yêu nhau tới 3 năm trong đó phần lớn thời gian là phải xa nhau do Linh là quân số của TP.HCM, Thảo thuộc quân số đội tuyển nhưng không vì thế mà tình cảm phai nhạt dần. Năm 2019, trước sự động viên của 2 bên gia đình, Hảo và Linh chính thức làm đám cưới nhưng từ đó đến nay thời gian của họ chủ yếu là dành cho chuyện tập huấn và thi đấu.

Rất may hai vợ chồng cùng là VĐV đua thuyền nên dễ hiểu và chia sẻ cho nhau. Khi tập huấn cùng nhau tại Hải Phòng, Hảo tập luyện về mệt là Linh lại sang khu cô ở mang quần áo về giặt giúp vợ. “Quanh năm tập huấn và thi đấu nên chỉ khi Tết đến hoặc khi thi đấu xong tại một giải đấu lớn, vợ chồng chúng em mới về thăm gia đình và có thời gian ở bên chăm sóc cha mẹ hai bên. Những giây phút ấy thật đầm ấm và là những kỷ niệm, là động lực cho cả hai vợ chồng cùng cố gắng tập luyện và thi đấu.

Trong đội không chỉ em mà còn có 4 chị em khác đã có gia đình nhưng vẫn thi đấu rất tốt, trong đó có chị Thảo, chị Huệ chính là tấm gương sáng để chúng em noi theo, nhằm tập luyện thi đấu tốt nhất”, Đinh Thị Hảo chia sẻ.

 

Vợ chồng VĐV Đinh Thị Hảo hạnh phúc với tấm HCV SEA Games

Đội tuyển của những cô gái đặc biệt

Đúng như lời chia sẻ của Hảo, rowing nữ là đội tuyển rất đặc biệt. Đặc biệt bởi đa phần các VĐV vừa giành HCV SEA Games đều đã yên bề gia thất. Trong đó có thế hệ VĐV kỳ cựu như Phạm Thị Thảo, Phạm Thị Huệ.

Đây là 2 VĐV đã gắn bó với đua thuyền và mang về hàng loạt huy chương tại đấu trường khu vực, châu lục cũng như giành vé dự Olympic trong hơn 10 năm qua. Hiện cả 2 VĐV này đều đã có con nhưng thành tích của họ không vì thế mà giảm sút. “Mình có một gia đình, một hậu phương vững chắc rồi thì lại càng phải cố gắng”, Phạm Thị Huệ cười giòn tan như mang theo cả cái nắng, cái gió của môn thể thao đầy vất vả nhưng rất đỗi vinh quang này.

Nói đến Phạm Thị Huệ là nói đến một người phụ nữ đặc biệt, bởi cô sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, vất vả để theo đuổi đam mê. Năm 2011, sau khi đoạt HCV SEA Games 26 cô sinh con gái đầu lòng. Nghỉ sinh con được vài tháng, Huệ nhớ quay quắt các cuộc thi đấu và cô quyết định quay trở lại. Được cả gia đình và nhất là chồng động viên, cô càng thêm quyết tâm tập luyện. “Chồng em tập luyện ở đội đua thuyền Đà Nẵng, gia đình cũng ở trong đó nên hồi đó thỉnh thoảng chồng em lại cho con ra ngoài này để mấy mẹ con gặp nhau cho đỡ nhớ. Cũng rất may chồng em cũng là VĐV đua thuyền nên rất hiểu và chia sẻ. Đợt vừa rồi chuẩn bị cho SEA Games cũng vất vả nhưng chồng em luôn động viên em cố gắng. Anh ấy bảo các con đã lớn hơn rồi nên tập trung tập luyện thi đấu thật tốt. Anh ấy còn bảo: “Ngày nào em còn thi đấu thì anh cũng sẽ tiếp tục là VĐV để có thể chia sẻ cùng nhau những khó khăn, vất vả trong tập luyện và thi đấu. Chúng em may mắn nhận được nhiều sự quan tâm của các bác lãnh đạo Bộ VHTTDL, Tổng cục TDTT, bộ môn cũng như Liên đoàn đua thuyền Việt Nam. Vì thế chúng em sẽ còn tiếp tục tập luyện, thi đấu và cống hiến cho đến bao giờ hết khả năng thì mới thôi”, Phạm Thị Huệ chia sẻ.

Sau 8 chiếc HCV SEA Games, những cô gái đặc biệt, đã là mẹ, là vợ của đội tuyển rowing nữ quốc gia sẽ lại tiếp tục cùng đồng đội tập luyện để chinh phục các đấu trường quốc tế trong tương lai, trước mắt sẽ là SEA Games 32 và Asian Games 19…

Theo baovanhoa.vn