|
|
GS. Nguyễn Thị Kim Thanh. (Ảnh: ULC) |
Dễ dàng nhận thấy nguồn năng lượng đầy nhiệt huyết ấy ở những phụ nữ Việt Nam tiêu biểu như GS. Nguyễn Thị Kim Thanh, TS. Lê Thái Hà hay nhà đào tạo lãnh đạo Sandy Hòa Đặng…
Thủ lĩnh của những người trẻ
GS. Nguyễn Thị Kim Thanh được biết đến với nhiều đóng góp liên ngành trong nghiên cứu cơ bản về tổng hợp hóa học, vật liệu nano. Chị tốt nghiệp chuyên ngành Hóa học tại Đại học Quốc gia Hà Nội vào năm 1992, sau đó được bổ nhiệm làm giáo sư tại Đại học College London (UCL), Anh từ năm 2013.
Đặc biệt, tháng Sáu năm nay, GS Nguyễn Thị Kim Thanh đã được Hiệp hội Hóa học Hoàng gia Anh vinh danh giải thưởng Interdisciplinary Prize 2022 với đóng góp liên ngành xuất sắc trong nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. Trước đó, chị nhận huy chương Rosalind Franklin cho những thành tựu có tầm ảnh hưởng lớn về nghiên cứu ứng dụng vật liệu nano trong y sinh.
Là giáo sư người Việt đầu tiên tại UCL, viện sĩ thuộc bốn viện khoa học tại Anh, GS. Nguyễn Thị Kim Thanh luôn trăn trở với mong muốn đưa các nhà khoa học trẻ Việt Nam hội nhập với thế giới.
Nguyên là Chủ tịch Hội Trí thức Việt Nam tại Anh và Ireland và hiện là Chủ tịch Viện Hàn lâm trẻ Việt Nam (Vietnam Young Academy – VYA), những năm qua, chị đã cùng các thành viên triển khai nhiều chương trình, hoạt động ý nghĩa trên nhiều lĩnh vực, góp phần xây đắp nhịp cầu kết nối giữa các nhà khoa học trong nước với đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài.
Những nỗ lực bền bỉ của nữ giáo sư người Việt đã trở thành nguồn động lực cổ vũ các thế hệ trí thức kiều bào trẻ về tình yêu quê hương và tinh thần cống hiến cho đất nước.
Dưới sự lãnh đạo của chị Thanh, VYA đã giúp kết nối các nhà khoa học trẻ tại Việt Nam và các nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài trong nhiều lĩnh vực chuyên môn, để cùng thảo luận mang tính định hướng và xây dựng về những chủ đề quan trọng của đất nước cũng như toàn cầu.
Không chỉ hỗ trợ các nhà nghiên cứu trẻ tăng cường năng lực, phát triển cá nhân và chuyên môn thông qua các mạng lưới quốc gia và toàn cầu, VYA còn tạo điều kiện cho họ có nhiều đóng góp có giá trị hơn cho xã hội, nâng cao truyền thông giáo dục tạo nên tác động đến đổi mới và phát triển chính sách ở Việt Nam.
Hiện tổ chức VYA có số thành viên là người Việt ở nước ngoài chiếm ưu thế, tập trung đặc biệt vào vai trò kết nối giữa học giả Việt trong nước và nước ngoài. Đây chính là "cây cầu" thuận lợi cho việc trao đổi kiến thức và thực tiễn làm việc giữa các nhà khoa học.
GS. Nguyễn Thị Kim Thanh chia sẻ: “Việt Nam đã có nhiều chính sách hỗ trợ lớn để phát huy hơn nữa nguồn lực, tiềm năng của cộng đồng trí thức kiều bào cũng như tăng cường sự phối hợp giữa các trí thức Việt ở trong và ngoài nước.
Theo tôi, Đảng và Nhà nước ta cần chú ý quan tâm nhiều hơn tới đội ngũ trí thức trẻ, đặc biệt là các trí thức trẻ Việt Nam ở nước ngoài bởi đây chính là một nguồn lực to lớn, đầy tiềm năng có thể góp trí, góp tài cho quê hương, đất nước”.
Phần thưởng cho người bền bỉ
Mới đây, trong danh sách “100.000 nhà khoa học có tầm ảnh hưởng” của nhóm nhà khoa học thuộc Đại học Stanford (Mỹ) được nhà xuất bản Elsevier (chủ cơ sở dữ liệu Scopus) công bố, nhiều người chú ý ngay đến tên TS. Lê Thái Hà (34 tuổi) - nhà khoa học nữ duy nhất trong 35 nhà khoa học Việt được vinh danh.
|
|
TS. Lê Thái Hà. (Ảnh: NVCC) |
Lê Thái Hà là nghiên cứu sinh người Việt duy nhất ở Trường Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Công nghệ Nanyang (HSS-NTU), Singapore. Khi làm nghiên cứu Tiến sĩ bằng học bổng toàn phần tại đây, chị chưa tròn 22 tuổi.
Hơn hai năm sau, chị hoàn thành chương trình Tiến sĩ của HSS-NTU với kết quả điểm học các bộ môn cao nhất khóa (4,92/5) và thành tích nghiên cứu xuất sắc về Kinh tế năng lượng với hai bài báo được chấp nhận đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín.
TS. Lê Thái Hà đang là Giám đốc điều hành của Giải thưởng VinFuture, Quỹ VinFuture. Trước khi về đây, chị đã có gần ba năm làm Giám đốc nghiên cứu và Giảng viên cao cấp tại Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright và bảy năm làm giảng viên cao cấp tại Đại học RMIT Việt Nam. Ngoài ra, chị còn đảm nhiệm vai trò biên tập cho một số tạp chí học thuật quốc tế uy tín .
Trong sự nghiệp giảng dạy, TS. Lê Thái Hà thường xuyên truyền cảm hứng cho các sinh viên của mình thông qua những bài giảng sinh động, trực quan, được chuẩn bị kỹ lưỡng. Chị cũng là một tấm gương làm nghiên cứu bằng cả đam mê và nhiệt huyết. Dù công việc, cuộc sống có bận rộn đến đâu, chị vẫn dành ra khoảng thời gian nhất định cho công việc nghiên cứu. Tuy nhiên, theo chị, điều quan trọng nhất là luôn tìm cho bản thân một lý tưởng riêng để theo đuổi những gì mà mình mong muốn. Đừng làm việc để mong chờ sự công nhận một sớm một chiều, bởi điều đó có thể khiến bạn phải thất vọng và nản lòng khi may mắn không sớm mỉm cười.
Chị nhắn nhủ: “Hãy tin vào sự công bằng của cuộc sống. Khi bạn nỗ lực, chăm chỉ, kiên trì theo đuổi mục tiêu và đi đúng hướng, may mắn sẽ đến nhiều hơn và những nỗ lực của bạn cuối cùng cũng sẽ được đền đáp”.
|
|
Chị Sandy Hòa Đặng trong một lớp học về kỹ năng lãnh đạo. (Ảnh: Ngân Anh) |
Người truyền động lực
Sinh ra tại Hà Nội, Sandy Hòa Đặng rời Việt Nam lúc 10 tuổi và định cư tại Mỹ từ năm 13 tuổi. Nhắc đến người phụ nữ này, giới trí thức toàn cầu biết đến chị là một diễn giả truyền động lực, nhà đào tạo lãnh đạo và nhà tư vấn quản lý.
Đáng chú ý, chị là nhà sáng lập và Giám đốc điều hành Tổ chức Lãnh đạo, trao quyền và phát triển Mỹ Á (AALEAD) - một tổ chức hỗ trợ các gia đình nhập cư và tị nạn thông qua các dịch vụ giáo dục và xã hội. Chị cũng là một trong những Thạc sĩ người Việt tại Đại học Harvard danh giá và từng được nước Mỹ công nhận là Công dân tiêu biểu.
Thành công ở ngoài nước nhưng Sandy Hòa Đặng luôn suy nghĩ và quan tâm đến bài toán “chất xám” ở quê hương. Không chỉ vui mừng khi thấy nhiều người Việt Nam ở nước ngoài mong muốn được đóng góp cho đất nước, chị còn ấn tượng với phong trào khởi nghiệp và sự sáng tạo của những người trẻ Việt say mê học hành, luôn cầu tiến và có hoài bão lớn.
Sandy Hòa Đặng tham gia Mạng lưới Nữ lãnh đạo quốc tế – WLIN Global và bắt tay vào việc kiến tạo cộng đồng WLIN Wasington D.C để giúp kết nối các nữ lãnh đạo trong mạng lưới trên toàn cầu với các cơ hội kinh doanh, học tập tại đây.
Chị mong những kinh nghiệm của mình có thể giúp đỡ, định hướng cho các chị em có thêm các kiến thức, kỹ năng của một nhà lãnh đạo cũng như cách thức để đưa hình ảnh và vai trò của phụ nữ lên một tầm cao mới.
Sandy Hòa Đặng là người sáng lập, Giám đốc điều hành của CoInnovative Consulting, cung cấp các chương trình đào tạo về kỹ năng tự sự trước công chúng, lãnh đạo thích ứng.
Tự hào khi là người đứng lớp của rất nhiều trí thức trẻ toàn cầu và những nhà lãnh đạo đa quốc gia, chị mong muốn truyền đạt tối đa bài học kỹ năng để phát huy tiềm năng lãnh đạo của họ, mang lại lợi ích cho xã hội và cống hiến cho cộng đồng.
Sandy Hoà Đặng chia sẻ, chị luôn mong muốn “truyền động lực” đến những người xung quanh. Bản thân chị và học viên cũng đều có cùng một động lực là khát khao thay đổi tư duy của nhiều người để thích ứng với thời đại bây giờ. Trong lần trở lại Việt Nam vào tháng 12 tới, chị sẽ mang theo dự án với hy vọng có thể chia sẻ các kỹ năng thiết thực này ở quê hương.
Theo baoquocte