Làm quen với đàn tranh từ năm 10 tuổi, đến nay, Phương Linh đã có 18 năm gắn bó với nhạc cụ dân tộc này. “Ba mẹ tôi đều là bộ đội và rất yêu thích nghệ thuật nên đã hướng cho tôi theo học đàn tranh từ lúc còn nhỏ. Để rồi như duyên nghiệp, năm 2004, tôi đã trở thành học viên đàn tranh theo hệ chính quy sơ - trung 7 năm ở Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật và Du lịch Nha Trang (nay là Trường Đại học Khánh Hòa). Năm 2012, để hoàn thành ước muốn của bản thân, tôi đã tiếp tục theo học hệ đại học tại Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh. Từ năm 2016, sau khi tốt nghiệp, tôi đã xin vào làm cộng tác viên ở Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng và 1 năm sau được chính thức tuyển dụng vào đoàn”, chị cho biết.
|
Trên hành trình kết bạn với cây đàn thập lục, chị đã nhiều lần đối diện với khó khăn tưởng như phải từ bỏ đàn tranh, nhưng được sự động viên kịp thời từ gia đình, người thân nên niềm đam mê vẫn tiếp tục được thực hiện từng ngày. “Khi xem các thầy cô, anh chị lớp trước biểu diễn càng thôi thúc tôi phải dành nhiều sự đầu tư cho âm nhạc dân tộc nói chung và đàn tranh nói riêng. Trong 4 năm học đại học, ngoài thời gian ở trường, tôi được đi diễn ở những sân khấu, chương trình nghệ thuật khác nhau, thậm chí còn được ra nước ngoài biểu diễn và có dịp gặp gỡ, học hỏi, biểu diễn cùng những thầy cô cây đa, cây đề trong làng âm nhạc dân tộc Việt Nam. Qua đó, tôi tìm được giá trị của bản thân khi gắn bó với đàn tranh”, Phương Linh chia sẻ.
Ngày nay, âm nhạc dân tộc, nhạc cụ dân tộc ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm của khán giả trong nước, nước ngoài đã tạo nên nhiều sân diễn cho những người theo đuổi loại hình nghệ thuật này. Có lẽ vì thế nên chị có thể chơi được một số loại nhạc cụ dân tộc khác như đàn t’rưng, đàn đá, đàn bầu, ching kram…
Cuối tháng 6 vừa qua, tại Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc năm 2021 (đợt 2) do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức ở TP. Buôn Ma Thuột, tiết mục độc tấu đàn tranh Khúc tự sự của Phương Linh thể hiện đã xuất sắc đạt huy chương vàng. Ngoài ra, chị còn đạt thêm 1 huy chương bạc với tiết mục hòa tấu nhạc cụ dân tộc Tiếng rừng. Chị chia sẻ: “Lần đầu tiên tôi nghe tác phẩm Khúc tự sự cách đây 2 năm. Ngay sau đó, tôi đã mạnh dạn đề xuất với lãnh đạo đoàn và tác giả NSƯT Huỳnh Tú cho phép được tập luyện để tham gia dự thi tác phẩm này. Đây là một tác phẩm khó, nhưng với cảm nhận và tình cảm của mình, tôi đã cố gắng tập luyện mỗi ngày. Cùng với sự hỗ trợ của NSƯT Huỳnh Tú và tập thể đoàn, tôi đã biểu diễn thành công tác phẩm này tại liên hoan”.
Ông Trần Đức Hà - Trưởng Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng cho biết: “Khoảng 5 năm gần đây, định hướng hoạt động nghệ thuật của đoàn theo phong cách dân gian đương đại. Chính vì thế, đơn vị đã thành lập ban nhạc dân tộc với 4 thành viên trẻ tuổi, có tài năng và tình yêu với nhạc cụ truyền thống. Trong đó, Phương Linh là thành viên nữ duy nhất của ban nhạc và đã thể hiện được năng lực của bản thân, có những đóng góp thiết thực vào thành công chung của đoàn”.
Còn NSƯT Hoàng Minh Tâm cho rằng, việc Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng có được những tài năng như Văn Tấn, Phương Linh thực sự là điều rất đáng quý. Tuy tuổi đời và tuổi nghề của các nghệ sĩ này còn ít, nhưng tác phong biểu diễn, trình độ chuyên môn đều thể hiện tốt. Chặng đường phía trước của Phương Linh còn dài, những thành công hiện tại hy vọng sẽ giúp chị có thêm động lực để tiếp tục phục vụ khán giả tốt hơn và góp phần vào hoạt động âm nhạc truyền thống trên địa bàn tỉnh.
Theo baokhanhhoa.vn