Bà Trần Ngọc Viện (tên thường gọi bà là cô Ba Viện) sinh năm 1884 tại làng Vĩnh Kim, tỉnh Mỹ Tho (nay là Tiền Giang) trong một gia đình có truyền thống âm nhạc. Rất nhiều người trong gia đình bà là những nghệ sĩ tài danh nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn cả trên thế giới.
Ông nội bà là Trần Quang Thọ, vốn là một nghệ nhân nổi tiếng trong ban nhạc của cung đình Huế. Khoảng năm 1860, ông xin thôi việc rồi di cư vào Nam. Cha bà là nhạc sĩ Trần Quang Diệm (Năm Diệm), em bà là Trần Văn Triều (Bảy Triều). Bà còn là cô ruột của Trần Văn Khê và Trần Văn Trạch (cả hai đều là con của ông Triều).
Sinh ra trong một cái nôi âm nhạc nên bà Ba Viện biết hát rất nhiều làn điệu, biết sử dụng nhiều nhạc cụ, trong đó điêu luyện nhất là đàn Thập lục (đàn tranh) và đàn Tỳ bà. Ngoài ra, bà còn có tài thêu thùa may vá, và chính nhờ nghề này, bà đã nuôi sống cả gia đình.
Bà Trần Ngọc Viện (người thứ tư từ trái sang hàng đầu) sáng lập gánh hát Đồng Nữ Ban.
Tài sắc là vậy nhưng cuộc đời bà thật lắm gian truân. Chồng bà là con một ông Phán mê âm nhạc ở Mỹ Tho. Lấy chồng chưa được bao lâu bà đã trở thành góa phụ, đứa con độc nhất cũng bỏ bà ra đi chỉ sau hơn 3 tháng chào đời. Còn lại một mình, gia đình chồng cảm thương cho cô con dâu còn quá trẻ, đã cho phép bà trở về nhà sống cùng cha mẹ.
Đến năm khoảng năm 1915 - 1916, nhờ sự giới thiệu của ông Diệp Văn Cương, một người thân của gia đình, bà lên Sài Gòn dạy nhạc tại trường Nữ sinh Áo Tím (còn được gọi là trường Nữ sinh Gia Long – trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai ngày nay.)
Vào trường, bà phụ trách dạy nhạc cho học sinh, chính tại đây ,bà đã được tiếp xúc với những tài liệu, sách báo cách mạng, tiến bộ của những nhà yêu nước. Cuộc sống của bà như vừa được giở qua trang khác. Bà bắt đầu bị bọn mật thám nghi ngờ. Đến năm 1926, sau khi bà đi tham dự đám tang của cụ Phan Chu Trinh về, bà bị nhà trường đuổi việc.
Trở lại quê nhà Vĩnh Kim, bà chính thức tham gia kháng chiến chống Pháp. Năm 1927, Tỉnh bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội Mỹ Tho được thành lập. Ngay sau đó, chi bộ xã Vĩnh Kim trực thuộc Tỉnh bộ trên cũng được ra mắt. Để tạo ngân quỹ cho chi bộ xã có điều kiện hoạt động, bà Ba Viện cùng người em dâu là bà Nguyễn Thị Dành (bí danh Tám Dành) – bí thư đầu tiên của Chi bộ Vĩnh Kim đã đứng ra lập gánh hát Đồng Nữ Ban. Gánh hát được lập nhằm mục đích thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia chống Pháp, khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc của người dân qua những tuồng tích từ những trang lịch sử oai hùng của nước nhà.
Lập gánh hát Đồng Nữ Ban, bà Ba Viện phải đảm nhiệm nhiều vai trò, vừa là bầu gánh, vừa làm đạo diễn. Gánh hát được tổ chức như tên gọi, chỉ quy tụ toàn nữ giới, chuyên hát những tuồng tích lịch sử, ca ngợi những chiến công của ông cha ta trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước.
Bọn Pháp biết rõ ý đồ của những người lập ra Đồng Nữ Ban, chúng làm mọi cách gây khó khăn, cản trở, phá hoại, không cho gánh hát công diễn nhưng với sự khôn khéo, tinh thần đấu tranh dũng cảm của bà và các chị em trong gánh hát, cùng với sự ủng hộ, che chở của dân chúng, gánh hát cũng biểu diễn được nhiều nơi, gây được tiếng vang tốt, chiếm được nhiều cảm tình của công chúng.
Thực dân Pháp và chính quyền tay sai càng ra sức khủng bố gắt gao, chúng đàn áp và bắt bớ cả những người đi xem hát. Tình hình càng lúc càng khó khăn, năm 1929, gánh Đồng Nữ Ban đành phải giải tán.
Không còn gánh hát nữa, bà trở về nhà người em trai là ông Bảy Triểu sống những ngày cuối đời với con cháu. Ở đây, bà đã hết lòng nuôi dạy các cháu của mình là Trần Văn Khê, Trần Văn Trạch, Trần Thị Mộng Trung... Như một đời tằm nhả tơ, người nữ nghệ sĩ tài danh đã đem hết tài năng, sức lực của mình phục vụ cho tổ quốc. Bà mất ngày 25/8/1944.
Wikimedia/Phụ nữ Việt Nam trong lịch sử