Mộng Thường, tên thật Lê Hải Đăng, 26 tuổi, sinh ra với ngoại hình nam, là người mẫu phi giới tính (trình diễn cả trang phục nam và nữ) khá nổi tiếng ở TP HCM. Gương mặt cô khi nghiêng bên phải, nét góc cạnh, nam tính thể hiện rõ hơn, thường được sử dụng khi chụp ảnh diện trang phục nam giới. Góc mặt bên trái của cô nữ tính hơn nên phù hợp với trang phục nữ, còn gương mặt chính diện thì phi giới tính.

Cuối tháng 1/2021, cô tham dự Đại sứ Hoàn Mỹ, cuộc thi nhan sắc dành riêng cho người chuyển giới nữ Việt Nam. Không giành được ngôi vị quán quân, nhưng với Mộng Thường, cô đạt được kết quả ngoài sức mong đợi. Trong 6 thí sinh vào chung cuộc, cô là người duy nhất chưa phẫu thuật chuyển đổi cơ thể sinh học.


Trong ảnh là "chàng trai" Hải Đăng cũ. Cuối năm 2019, Mộng Thường bắt đầu công khai mình là người chuyển giới nữ, trước đó phân vân không biết mình là ai, phi giới tính, nam thích giả gái hay đồng tính nam (gay). Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Chia sẻ về sự khác biệt này, Mộng Thường cho biết có cơ thể nữ giới hoàn chỉnh là "giấc mơ lớn nhất đời" cô. Mặc dù vậy, căn bệnh rối loạn nhịp tim phát hiện cách đây 8 năm trở thành rào cản. Cô thường xuyên khó thở, hồi hộp, dễ mệt mỏi và ốm vặt. Nhiều năm qua, cân nặng của Mộng Thường chỉ dao động 50-53 kg, cao 1,76 m.

Bác sĩ điều trị yêu cầu cô uống thuốc trường kỳ, nếu thuốc không còn hiệu quả, sẽ phải cấy máy tạo nhịp tim. Cô cũng cần tránh vận động quá mạnh, không hút thuốc lá, dùng đồ uống có cồn hay chất kích thích, và đặc biệt cần giữ tâm lý ổn định, tránh căng thẳng.

Sau cuộc thi Đại sứ Hoàn Mỹ, Mộng Thường bắt đầu tiêm nội tiết tố nữ estrogen. 4 tháng tới, khi cơ thể đã thích nghi, cô định khám sức khỏe trước khi nâng ngực. Mộng Thường còn dự định tiết kiệm tiền sang Thái Lan phẫu thuật phần sinh dục.

"Nếu bác sĩ nói trái tim tôi không chịu nổi cuộc mổ, tôi sẽ từ bỏ ý định phẫu thuật ngay, không bất chấp", Mộng Thường nói.

Cô tâm sự, để giữ sức khỏe ổn định, theo được nghề người mẫu vốn có cường độ và áp lực công việc cao như hiện nay, cô phải cố gắng rất nhiều. Vì sống thật với chính mình, cô khiến người mẹ hơn 60 tuổi buồn và rơi nước mắt. Mất ba năm bà mới giải tỏa tâm lý và chấp nhận sự thật rằng cậu con trai út bà đặt nhiều kỳ vọng là một cô gái. Mộng Thường không muốn mẹ "xỉu ngang" lần nữa, hay trở thành gánh nặng của bà nếu phẫu thuật thất bại và sức khỏe suy yếu. Cô khẳng định "sẽ không bao giờ đánh đổi tất cả chỉ để có vẻ đẹp ngoại hình".


                                                                                                                   Mộng Thường cùng mẹ tại quê nhà Tiền Giang, Tết 2021. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Mộng Thường nhiều lần nhắc lại rằng dù có phẫu thuật (nâng ngực và cắt bỏ cơ quan sinh dục nam, tạo hình cơ quan sinh dục nữ) hay giữ nguyên cơ thể đàn ông, thì nhận định về giới tính của bản thân cô không thay đổi. Cô vẫn là một người chuyển giới nữ. Cô mong muốn được gọi là Mộng Thường thay cho tên khai sinh và được xã hội nhìn nhận như một người con gái.

Trong trường hợp không thể phẫu thuật, Mộng Thường sẽ duy trì sử dụng nội tiết tố nữ. Mỗi 10 ngày cô tiêm một mũi hormone tại một spa, giá 220.000 đồng. Những mũi tiêm đầu tiên, cô dễ xúc động, hay khóc hơn bình thường, còn hiện tại cô không thấy khó chịu nữa. Các mô mỡ có vẻ bắt đầu phân bố lại trên bắp tay và vai, khiến vai cô bớt ngang và thô, làn da cũng mịn màng hơn.

Cô gái quê Kiên Giang tự nhận mình có nhiều khuyết điểm trên cơ thể, nhưng không có ý định sửa chữa bằng phẫu thuật thẩm mỹ hay tiêm chất làm đầy. Cô chứng kiến vài người bạn bơm silicon, filler vào mặt, ngực, mông... tìm kiếm vẻ đẹp hoàn thiện hơn, rồi cả cuộc đời họ sống như búp bê thủy tinh, không được phép va đập, không được té ngã. Thậm chí, khi chất làm đầy gây biến chứng, phải đi nạo vét, hút bỏ rất đau đớn.


                   Mộng Thường rằng gương mặt của mình nghiêng bên phải như thế này thể hiện nét góc cạnh, nam tính rõ hơn, thường được sử dụng khi chụp ảnh với trang phục nam giới. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Cô dành nhiều công sức chăm sóc mái tóc, đặc điểm thể hiện rõ nhất nữ tính . Cô dùng thuần dầu gội có thành phần tự nhiên như bồ kết, sả, vỏ bưởi. Đều đặn hai lần mỗi tháng, cô mua quả bồ kết đun nước gội đầu, vừa xả stress, vừa dưỡng tóc. Sau bốn năm kiên trì nuôi dưỡng, Mộng Thường sở hữu mái tóc đen dài chấm eo, dày và mềm.

Khi được hỏi về chuyện tình cảm, Mộng Thường chia sẻ "đủ bản lĩnh và tình yêu để xây dựng một gia đình hạnh phúc". Cô đã tìm hiểu phương pháp đông lạnh tinh trùng, chuẩn bị cho việc có con trong tương lai. Tuy nhiên, nhận con nuôi cũng là một phần trong kế hoạch.

"Quan trọng là nuôi dạy con như thế nào, để con không bị tổn thương khi có mẹ là một người chuyển giới và trở thành một đứa trẻ hạnh phúc, lớn lên có ích cho xã hội", Mộng Thường nói.

Ông Huỳnh Minh Thảo, chuyên gia độc lập về quyền người LGBT, cho biết Unisex - Phi giới tính là cách thể hiện vẻ ngoài của một người không bị ràng buộc theo chuẩn nam nữ. Điều này không nói lên xu hướng tính dục (việc người đó yêu ai) và bản dạng giới (nghĩ mình là ai) nên không thể xác định được là người dị tính, đồng tính, song tính hay chuyển giới.

Theo vnexpress