6h chiều thứ sáu, sau khi "tan sở online", chị Nguyễn Thị Thương (tên thân mật là Tina Yuan), nhanh chóng nấu nướng, ăn uống để kịp giờ lên lớp buổi tối. Singapore vẫn đang phong tỏa phòng Covid-19, người dân hạn chế đi lại nên chị Thương làm tại nhà đã ba tháng nay, chuyển các lớp dạy tiếng Anh miễn phí sang online. Bốn năm gắn bó với việc dạy ngoại ngữ cho người Việt tại Singapore, chị Thương luôn coi đây là đam mê, là một phần cuộc sống.
Có bố là người Việt, mẹ người Trung Quốc, chị Thương sinh ra tại Phú Thọ và sống ở Việt Nam đến hết năm lớp 4. Sau nhiều năm chuyển nơi sống và học tập giữa bốn quốc gia Trung Quốc, Singapore, Việt Nam và Mỹ, đến năm 2012 chị Thương định cư một mình tại Singapore. Ngoài tiếng Anh và Việt, chị còn thành thạo tiếng Hàn, tiếng Trung và nói được tiếng Đức, Myanmar.
Nhắc về lý do dạy ngoại ngữ cho người Việt, chị Thương không kìm được nước mắt. Cuối năm 2016, chị gặp nhiều cô gái Việt Nam có con riêng, mang theo em bé sang Singapore và lấy chồng khác. Vì chỉ 3-5 tuổi, tiếng Việt nói chưa sõi lại phải sống trong môi trường hoàn toàn dùng tiếng Anh, các em không thể đi học. Hơn nữa, vì không mang quốc tịch Singapore, những em bé này cũng không được hưởng đãi ngộ và chế độ chăm sóc như trẻ em ở đây.
"Những cô dâu Việt sang lấy chồng Singapore thường không mấy khá giả, phải lăn lộn kiếm tiền nên không còn nhiều thời gian chăm sóc, dạy tiếng cho con, tội lắm. Tôi thương và xót xa cho đồng bào nơi xứ người", chị Thương nghẹn ngào.
Thông qua những cuộc giao lưu cộng đồng, chị Thương đề nghị dạy miễn phí tiếng Việt và tiếng Anh cho trẻ em, đồng thời tài trợ luôn chi phí mua sách, vở và vé tháng đi xe bus. Lớp học đầu tiên tại Singapore chỉ có ba học sinh, dần dần lên 7-8 em vì được nhiều người giới thiệu.
Để có thể trở thành giáo viên, dù sử dụng tiếng Anh thành thạo, chị Thương vẫn đăng ký một khóa học ngoại ngữ giá 400 SGD (gần 7 triệu đồng) tại trung tâm để học hỏi phương pháp dạy. Sau gần hai tháng đi học, chị nhận ra cách dạy này chỉ phù hợp với người lớn sang Singapore đi làm, không thể áp dụng cho trẻ em 3-5 tuổi nên quyết định tự mày mò phương pháp.
Với quan điểm để dạy được trẻ em, giáo viên cũng cần trở thành một đứa trẻ, chị Thương tìm mua sách, truyện cổ tích song ngữ để làm giáo án. Mong muốn "dạy cho ra dạy", ngoài sách vở và đồ dùng học tập, chị Thương mua thêm cả máy chiếu, lắp tại nhà. Mỗi sáng cuối tuần, chị sẽ dạy các em chữ cái, cách phát âm, từ mới và giao bài tập chuyển ngữ Việt - Anh cho học trò. "Tôi luôn cố gắng gắn những bài giảng của mình vào sở thích, ước mơ của các em để học trò hứng khởi và cảm thấy gần gũi hơn", chị nói.
Để một đứa trẻ có thể nghe và hiểu cả hai ngôn ngữ tiếng Anh và tiếng Việt ở mức cơ bản, đạt tiêu chuẩn đi học trường công lập tại Singapore, chị Thương phải mất ít nhất một năm. Có học trò tiếp thu nhanh, chỉ 9 tháng là "tốt nghiệp" lớp cô Thương, nhưng có em vào xin vào trường công ba lần trong ba năm đều bị đẩy ra vì không theo được.
"Trường hợp này tôi rất buồn nhưng không biết làm thế nào. Mức độ tiếp thu của em đó chậm, tôi dạy gần ba năm nhưng không qua được. Tôi gợi ý gia đình có thể cho em về Việt Nam học, lớn hơn rồi quay lại Singapore học tiếng Anh", chị Thương kể.
Làm cô giáo không chuyên, chị Thương có nhiều kỷ niệm vui buồn cùng học trò. Có em hỏi chị "Tại sao mẹ con cũng biết tiếng Việt nhưng không dạy con mà cô lại dạy?". Để không làm các bé tự ti về hoàn cảnh hay trách móc mẹ, chị Thương phải tìm cách trả lời khéo léo, rằng trước kia dù mẹ chị là người Trung Quốc nhưng chị lại học ngôn ngữ này từ dì. "Ai dạy không quan trọng bằng việc các con cố gắng học tập và tiếp thu", cô giáo Thương nói với học trò.
Có con theo học lớp cô giáo Thương, chị Gia Linh luôn biết ơn và vẫn giữ mối quan hệ thân thiết với cô Thương đến tận bây giờ. Chị Linh chia sẻ, sau hai năm cho con học, bé nhà chị đã vào được trường công, bạo dạn và ngăn nắp hơn, biết tự rửa bát, gấp chăn gối. "Chị Thương sống có tâm, nhiệt tình và chân thành. Ngoài dạy chữ, chị còn dạy các con biết thương mẹ. Nhiều lần tôi mua quà muốn cảm ơn nhưng chị Thương đều từ chối", chị Linh kể.
Duy trì việc dạy trẻ em được hơn hai năm, đến cuối năm 2018, nhiều người mẹ đã xin được việc làm và có thu nhập ổn định. Thời điểm đó chị Thương cũng bắt đầu viết cuốn sách đầu tay nên thời gian rảnh rỗi không còn nhiều. Sau khi cân nhắc, chị quyết định ngưng dạy song ngữ Anh - Việt cho trẻ em từ tháng 2/2019.
Tuy nhiên, vì yêu thích và coi việc giảng dạy là niềm hạnh phúc, chị Thương không "bỏ nghề" được lâu. Sau vài tháng tập trung cho dự án cá nhân, chị tiếp tục mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho người lao động, các cô dâu Việt Nam đến Singapore sống và làm việc.
Chị cho rằng phụ nữ muốn làm chủ cuộc sống thì phải đi làm và công cụ duy nhất giúp họ tìm được việc ở Singapore là tiếng Anh. Chị cũng muốn giúp cộng đồng người Việt vượt qua rào cản ngôn ngữ để phát triển sự nghiệp vì "muốn có chỗ đứng tại một quốc gia khác thì phải hiểu được tiếng nói và văn hóa của họ".
Khi Covid-19 chưa xảy ra, chị Thương dạy trực tiếp tại nhà, mỗi buổi 5-6 người. Nếu số người đăng ký học đông, chị sẽ gửi học viên sang các lớp khác do Ban Liên lạc cộng đồng tổ chức, nơi chị từng làm tình nguyện viên. Từ khi Singapore phong tỏa, chị chuyển các lớp sang học online, khoảng 30 học viên một lớp. Tính đến nay, số học viên chị Thương dạy ngoại ngữ khoảng 200.
Lớp học tiếng Anh online của chị Thương diễn ra hai buổi một tuần, mỗi buổi một tiếng rưỡi. Để luyện nghe, nói và phản xạ giao tiếp cho người học, chị Thương thường dành 30 phút để kết nối các học viên với những người bạn quốc tịch Anh, Australia và Mỹ của mình. Chị cho rằng cách học này giúp người học hứng thú và tiếp thu nhanh hơn.
Chị Thương gặp nhiều người có thói quen chê nhiều hơn khen, hay đòi hỏi và chỉ tập trung vào những cái có lợi cho mình. Vài người bạn ngoại quốc từng chia sẻ không muốn tiếp tục hỗ trợ chị dạy tiếng Anh vì "cách cư xử của một số người chưa lịch sự". Những lúc như vậy, tuy có chạnh lòng chị vẫn thuyết phục bạn bè và tiếp tục công việc vì cho rằng "không phải ai cũng thế, vẫn còn nhiều người thực sự cần được giúp đỡ".
Thấy chị Thương bỏ nhiều tâm sức vào việc dạy tiếng Anh, nhiều người khuyên chị thu phí giáo án, thiết bị, chỉ bỏ công giúp là được rồi. Nhưng chị gạt đi, cho rằng nếu thu tiền, dù chỉ là chút ít thì việc làm của mình trở nên vụ lợi, không còn xuất phát từ lương tâm nữa.
Một số người lại nói chị Thương khờ, sống vậy dễ bị lợi dụng. Chị chỉ cười, bảo: "Thật ra tôi bị lừa nhiều nên cũng quen rồi, chỉ nghĩ rằng họ lợi dụng mình thì lại gặp người khác lợi dụng họ. Nghĩ tiêu cực thì khổ, có thể họ khó khăn nên mới lừa mình. Tôi luôn đặt mình vào vị trí của người khác để thấy mọi thứ nhẹ nhàng hơn".
Xác định dạy tiếng Anh miễn phí là đam mê, chị Thương khẳng định sẽ tiếp tục công việc này trong thời gian tới, ngay cả khi lập gia đình. Chị mong các lớp học có thêm tình nguyện viên online hỗ trợ chị chấm và chữa bài tập về nhà cho học viên. Xa hơn, chị mong một ngày có thể mở nhiều trung tâm dạy tiếng Anh miễn phí cho người có hoàn cảnh khó khăn.
"Tôi tin ngoại ngữ là cầu nối con người với thế giới. Từng đi qua nhiều quốc gia phát triển, tôi nhận ra đóng góp cho xã hội, giúp đỡ đồng bào là việc làm thiết thực giúp một cá nhân đóng góp vào sự phát triển của quốc gia", chị Thương nói.
Theo vnexpress