Tự mày mò học điêu khắc dưa hấu
6 năm về trước, Hoàng Kim biết đến một lớp dạy điêu khắc dưa hấu và quyết tâm đăng ký học. "Tuy nhiên, do bận công việc nên mình chỉ tham gia lớp học vài ngày. Sau đó, mình đã chủ động học cách cắt tỉa, điêu khắc lên dưa hấu… từ mạng xã hội", Kim kể lại.
Kim còn tâm sự: "Từ nhỏ mình yêu lĩnh vực nghệ thuật, nhưng vì gia đình mà hướng chọn ngành nghề không liên quan đến sở thích cá nhân. Có những lúc mình không rõ định hướng tương lai, nhưng từ khi bắt đầu khoảnh khắc chạm trổ từng đường nét trên trái dưa hấu thì bản thân đã biết được cần làm gì trên hành trình này".
Mỗi ngày Kim tự mày mò từ cách cạo, tỉa đến chạm trổ trên trái dưa hấu. Đa số tác phẩm điêu khắc của Kim mang hơi hướng Phật giáo với những hình tượng như: chú tiểu, chữ thư pháp, hoa sen, cây bồ đề… "Mình cảm thấy thư thả, nhẹ nhàng cũng như bình yên khi tạo nên những tác phẩm liên quan đến Phật", Kim chia sẻ thêm.
"Thời gian đầu học điêu khắc, mình phải thức trắng đêm để hoàn thành tác phẩm, đôi khi bị đứt tay do hấp tấp làm. Để sản phẩm đẹp, mình phải tỉ mỉ, nghiêm khắc trong từng giai đoạn từ nhỏ đến lớn, cũng như lựa chọn dưa hấu đạt chất lượng tốt", Kim cho hay.
Sau khi hoàn thành, Kim còn chia sẻ những sản phẩm điêu khắc dưa hấu lên mạng xã hội, từ đó mọi người tìm đến đặt làm. Nhờ thế Kim cũng kiếm thêm được thu nhập.
"Nhớ nhất là đợt mình phải điêu khắc trên 50 trái dưa hấu cho một sự kiện lớn. Do mới vào nghề nên mình khá lo lắng và rất tỉ mỉ trong từng đường đi dao. Để hoàn thành đúng tiến độ mình phải thức 2 đêm liền, nhờ thế mà tốc độ điêu khắc cũng tăng lên", Kim cho hay.
Khi đã lựa chọn được trái dưa như ý, Hoàng Kim sẽ tiến hành vẽ phác thảo hình cần khắc lên thân quả, sau đó tỉa bằng dao và dùi đục nhỏ, tạo thành những đường vẽ hoàn chỉnh.
"Đây là giai đoạn khó nhất, vì vỏ dưa khá giòn, chỉ cần sơ ý sẽ hỏng toàn bộ tác phẩm. Công đoạn cuối cùng là gọt bỏ những phần không thuộc đường vẽ, tạo nên màu sắc và hình khối cho sản phẩm", Kim chia sẻ thêm.
"Tác phẩm nghệ thuật đẹp phải có hồn, để được như thế người làm cần chú tâm vào từng bước trong quá trình điêu khắc", Kim nói.
Như một mối duyên
Bên cạnh đó, Kim còn liên kết với các chùa ở khắp tỉnh thành Việt Nam để mở ra nhiều khóa dạy điêu khắc dưa hấu thiện nguyện. Tại đây, Kim sẽ gửi lại phí học của học viên cho chùa để làm từ thiện, thực hiện hoạt động nấu ăn gửi bệnh nhân, phát quà đến trẻ em nghèo, chăm lo sinh viên khó khăn...
Theo Kim, khi mọi người đến lớp trên sẽ được học cách lựa chọn dưa hấu sao cho chuẩn để điêu khắc, cũng như kỹ năng cơ bản chạm trổ trên trái cây...
Hoàng Kim đến với hoạt động dạy điêu khắc dưa hấu thiện nguyện như một mối duyên. "Mình thường điêu khắc các hình tượng Phật lên dưa hấu để tặng chùa và thiền viện. Từ đó các thầy, sư cô biết đến mình nhiều. Về sau hai bên có liên kết với nhau tạo ra lớp học điêu khắc dưa hấu thiện nguyện. Không chỉ được hướng dẫn cho mọi người, tại lớp mình còn học hỏi thêm kiến thức về điêu khắc trên củ quả từ các sư thầy, sư cô", Kim tâm sự.
"Nếu chúng ta bớt một chút hưởng thụ riêng để chia sẻ với người khác thì sẽ thấy ý nghĩa và giá trị biết bao nhiêu...", Kim nói thêm về lý do mở các lớp điêu khắc dưa hấu thiện nguyện.
Chị Nguyễn Thị Hồng Anh (32 tuổi), làm việc tại 332 Nguyễn Văn Linh, Q.7, TP.HCM, cũng từng đăng ký lớp học điêu khắc dưa hấu của Kim, chia sẻ: "Chi phí tham gia không đáng là bao nhưng qua buổi học mình biết cách điêu khắc trên củ quả, trang trí món ăn cho gia đình. Với lại, số tiền người học đóng sẽ giúp ích được nhiều mảnh đời có hoàn cách khó khăn, mình cảm thấy hạnh phúc vì điều đó", chị Hồng Anh nói.
Từng kết hợp với Kim để mở buổi học điêu khắc dưa hấu thiện nguyện, sư Thích Cát Bảo Hòa, Trụ trì chùa La Dương, tỉnh Quảng Ninh, chia sẻ: "Số tiền học phí trong lớp dạy điêu khắc thiện nguyện của Kim được các chùa đem đi giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, điều này rất tuyệt vời. Đôi khi sự sẻ chia chỉ có một phần nhỏ, nhưng đem lại hạnh phúc rất lớn cho những người khó khăn trong cuộc sống…".
Theo Thanh niên