Tháng 7 tới, Phạm Lê Nguyệt Anh, 22 tuổi, mới tốt nghiệp ngành Vi sinh vật Đại học Sheffield, Anh, sau đó sẽ bay sang Mỹ để bắt đầu kỳ học tiến sĩ tại Đại học Pennsylvania State vào tháng 8. Nữ sinh đang hoàn thiện giấy tờ, làm visa, khám sức khỏe theo yêu cầu của trường bên Mỹ và chuẩn bị tốt nghiệp.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống học tập tại Hà Nội, Nguyệt Anh được truyền cảm hứng nghiên cứu từ mẹ. Mẹ từng bỏ dở việc học tiến sĩ để có thời gian dành cho các con nên giờ Nguyệt Anh muốn tiếp bước chặng đường đó.

Bố mẹ giúp Nguyệt Anh nuôi dưỡng ước mơ bằng việc đưa đón đi học phụ đạo để có nền tảng tốt thi đỗ trường THPT chuyên Ngoại ngữ (Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội). Có ý định du học từ cuối năm cấp hai, Nguyệt Anh duy trì thành tích học tập tốt trên lớp và thi IELTS từ lớp 11.

Cô sang Anh du học chuyên ngành Hóa sinh, nhưng sau đó nhận thấy không phù hợp nên chuyển sang ngành Vi sinh vật.

            Tháng 8 tới, Nguyệt Anh sẽ bắt đầu 5 năm tiến sĩ tại Đại học Pennsylvania State (Mỹ). Ảnh: NVCC.

Xác định học lên tiến sĩ tại Anh hoặc một nước châu Âu ngay từ đầu, Nguyệt Anh nỗ lực đạt GPA 4.0. Tháng 11/2020, cô biết đến chương trình tiến sĩ của Đại học Pennsylvania State, Mỹ, khi chỉ còn một tháng nữa là hết hạn. Chương trình không yêu cầu bằng thạc sĩ, kéo dài trong 5 năm, với hai năm đầu học kiến thức chuyên ngành trên lớp tương đương như hai năm thạc sĩ.

"Tôi quyết định nộp hồ sơ vì mức hỗ trợ tài chính hào phóng - học bổng toàn phần, thêm 31.000 USD/năm tiền sinh hoạt phí. Tôi muốn bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân. Khi sang đây, tôi có cơ hội làm trợ giảng", Nguyệt Anh giải thích lý do nộp học bổng Mỹ.

Cô chuẩn bị hồ sơ rất nhanh do không phải thi IELTS hay có điểm SAT, GRE, chỉ phải viết bài luận và xin thư giới thiệu từ thầy cô trong trường. Khó khăn lớn nhất của cô là chưa có bài báo khoa học cũng như kinh nghiệm nghiên cứu ít. Trong thời gian học ở trường, cô tham gia hoạt động ngoại khóa không nhiều do tính cách nhút nhát.

Thay vì giấu giếm những điểm yếu này, Nguyệt Anh làm nổi bật việc mình đã khắc phục chúng ra sao và chứng minh mình phù hợp với ngành học. Trong đợt về Việt Nam tránh dịch, được mẹ giới thiệu, Nguyệt Anh có cơ hội làm nghiên cứu cùng một cô giáo khác ở trường. Kinh nghiệm đó trở thành điểm cộng lớn cho Nguyệt Anh khi nộp học bổng tiến sĩ.

Tìm hiểu về trường ở Mỹ, Nguyệt Anh đọc những nghiên cứu ở khoa và biết một giáo sư đang phát triển loại kháng sinh mới. Bài luận của cô đề cập đến chủ đề về kháng kháng sinh liên quan đến bài cô từng học về vi sinh vật gây bệnh. Nguyệt Anh nhắc đến giáo sư có định hướng giống mình, thể hiện rõ nguyện vọng được tham gia nghiên cứu, chung tay giải quyết vấn đề kháng kháng sinh không chỉ ở Mỹ mà còn cả Việt Nam. Cô trình bày về những nghiên cứu đó và đưa ra ý tưởng có thể đóng góp gì vào dự án.

Việc cho thấy mối liên quan trong định hướng nghiên cứu của mình với chương trình đã giúp Nguyệt Anh vào vòng phỏng vấn hồi tháng 2 năm nay. Sau hôm phỏng vấn, cô chủ động gửi email cảm ơn thầy giám đốc chương trình, cũng là một trong những người phỏng vấn. "Tôi bất ngờ khi thầy bảo tôi được nhận rồi, việc nhận giấy mời nhập học chỉ là vấn đề thủ tục", Nguyệt Anh chia sẻ.

                 Nguyệt Anh (phải) tham gia một sự kiện tại Đại học Sheffield (Anh) năm 2019. Ảnh: NVCC.

Nguyệt Anh cho rằng mình giành học bổng không phải vì là người giỏi nhất hay kinh nghiệm dồi dào nhất mà do đã thể hiện được bản thân có tính cách và định hướng phù hợp với chương trình đăng ký. Ngoài trường Pennsylvania State, cô vào vòng phỏng vấn ở một trường khác nhưng trượt do không phù hợp.

Cô gái Hà Nội dự định sau khi học xong sẽ làm nghiên cứu sinh sau tiến sĩ để làm giàu kinh nghiệm nghiên cứu, trước khi có cơ hội giảng dạy. "Bố mẹ là những người ủng hộ lớn nhất trên con đường học tập của tôi. Vui và tự hào, song bố mẹ cũng lo lắng khi con gái đi học xa một mình", Nguyệt Anh tâm sự.

Theo vnexpress