Vóc dáng bé nhỏ nên khi đi chụp ảnh cô dâu, nhiều người không tin
và còn tưởng Hoà là "búp bê".
Ngày 14/4/2014 chị Nguyễn Thị Hòa, thôn Tú Đôi, (Kiến Quốc, Kiến Thụy, Hải Phòng) ra khỏi cổng nhà lần đầu tiên trong đời. Năm đó chị 34 tuổi.
"Cậu đi chậm thôi cho tớ ngắm đường với", giọng phấn khích của chị khiến anh tài xế bật cười, điều khiển xe chậm lại. Quãng đường từ nhà tới huyện 4 km mà đi hơn 20 phút. Con trâu, lũy tre làng, xe ôtô, đường đông người... tất cả mới mẻ như một giấc mơ đẹp với chị.
Trời Hải Phòng hôm đó u ám. "Con ông nằm trơ một góc, đi đâu mà cần làm chứng minh thư", người cán bộ xã từng nói vậy và từ chối làm. Song, Hòa vẫn cố gắng thuyết phục bố xin giấy giới thiệu lên huyện.
Bữa làm chứng minh thư ở huyện cũng không mấy suôn sẻ, cộng thêm khó khăn trong việc chụp ảnh, lấy vân tay do chị Hoà chỉ nằm chứ không ngồi được, nhưng cuối cùng cũng hoàn thành. Vậy nên ngày 14/4 năm đó in sâu vào ký ức chị.
38 tuổi, dài 70 cm, nặng 13 kg, chị Nguyễn Thị Hòa đang phải chống chọi với nhiều căn bệnh như viêm kết mạc, dính xương, bệnh viêm phổi cấp tính... Nhưng dù chỉ nằm trên giường, chị vẫn điều hành được xưởng làm đồ handmade của mình, nuôi bản thân và tạo việc làm cho 3 người khác.
Chào đời vào năm 1980, Hòa nặng tới gần 4 kg, tuy nhiên cơ thể không bình thường. Theo thời gian, chỉ có đầu to lên, còn các ngón tay ngắn ngủn, co quắp, toàn thân mềm như bún, không đi, thậm chí không ngồi được. Người làng nói chị là "quái thai", thậm chí còn bảo đem vứt bỏ. Vợ chồng ông Nghĩa chỉ còn biết giấu con thật kỹ để tránh sự kỳ thị bên ngoài.
Thế là Hòa sống trong một gian nhà biệt lập. Người bố trồng một cây xoan bên cửa sổ nơi con gái nằm để che cho ô cửa đỡ bị nắng hắt vào. "Tôi không biết cái hiên nhà là gì vì ngày qua ngày nằm một chỗ chơi với con mèo. Chỉ có bà nội là người gần gũi nhất", Hoà chia sẻ.
Không có khái niệm về thời gian, không gian, Hòa chỉ biết càng lớn, càng hiểu chuyện thì càng tự ti. Về sau chẳng cần ai nói, cứ nhà có khách là chị chui vào chăn trốn. Có lần khách đến chơi cả ngày thì Hòa cũng rúc trong chăn cả ngày không ăn uống.
32 năm cuộc đời chưa một ngày được đứng dưới nắng, dầm mưa. Thành quả lớn nhất trong nửa đời mà Hòa đạt được là biết đọc chữ. Một tai họa ập đến với chị là bà nội qua đời. "Trước lúc đi bà nói lo cho tôi từ đây sẽ khổ vì không còn ai yêu thương. Tôi đáp lại: "Bà ơi, trời sinh voi, sinh cỏ". Thế rồi bà tắt thở, Hoà như điên dại, suốt ngày lẩm nhẩm: "Bà không chết, bà chỉ ngủ thôi".
Trong lúc cả nhà lo hậu sự thì có một người thương binh ở trong làng tới thăm. Ông nhìn thấy Hòa thương cảm liền đến gần động viên, rằng từ nay phải tự lực, phải ra ngoài xã hội để khám phá. "Tôi bảo biết làm gì đây khi không có tay chân như mọi người. Bác bảo có cái đầu vẫn còn là may mắn. Lúc đó tôi cãi: Cổ con yếu, đầu không lộn lên được thì sao đi được. Ông ấy không nói thêm mà đưa cho tôi một quyển thơ ngụ ngôn Việt Nam", Hoà nhớ lại.
Chị Hòa kê cằm lên một cái hộp để học viết chữ
Ôm cuốn thơ đó Hòa càng đọc càng thích. Thời gian sau, người cựu binh còn cho Hòa mượn thêm nhiều sách. Dần dần, chị gửi lũ trẻ hàng xóm mua vở, bút rồi tập viết chữ. Đến năm 2014, Hòa đã tự học xong được chương trình cấp 1.
"Tôi thấy lũ trẻ bảo nhau chơi Facebook hay lắm. Lúc đó tôi cũng tò mò xem cái gì mà hay. Nhịn miệng không ăn sáng, không mua thuốc viêm phổi hai tháng thì tôi mua được chiếc điện thoại", chị cho hay.
Thông qua mạng xã hội, Hoà làm thơ, viết truyện ngắn trải lòng về cuộc đời. Nhiều người từ hiểu, tới thương và quý mến đã trở thành những người bạn thân thiết với chị.
Mình là Gấu nhé/ Từ bé thiệt thòi/ Chỉ nằm một chỗ/ Ít được ra ngoài/ Nhưng không phải vậy/ Mà Gấu buồn hoài/ Gấu làm hoa vải/ Gửi gió tương lai/... Bàn tay nhỏ bé/ Gấu kết hoa nè/ Cũng như đời kết/ Gấu với bạn bè...
Cũng từ khi tiếp xúc với mạng xã hội, cô gái "sọ dừa" học được cách làm các đồ thủ công như hoa giấy, hoa đá, tranh thêu chữ thập...và quảng báo bán qua mạng.
Mỗi ngày, Hòa nằm ngửa trên giường, đôi tay cụt ngủn cầm kéo cắt, rồi vân ve thành hình cánh hoa và ghép nên sản phẩm hoàn chỉnh. Thời gian đầu, Hoà chưa điều khiển được đôi tay theo ý muốn. Dần dần chị đã có thể cầm kéo tạo hình thuần thục những bông hoa đủ sắc màu.
"Đơn hàng lớn đầu tiên của tôi là bán cho một ông bác sĩ ở Sài Gòn 30 giỏ hoa. Ngay sau đó, tôi cũng bán được cho một vị khách khác 30 giỏ nữa. Lúc đó tôi hạnh phúc lắm, tự nhủ thế là đã có cơ hội sống và phải sống dai hơn", chị kể.
Vốn nghĩ có thể giấu con gái cả đời để tránh con bị kỳ thị, ông Nguyễn Văn Nghĩa (64 tuổi) không thể ngờ rằng con ông từng bước một vươn lên, dù cho nhiều năm không được cha mẹ ủng hộ.
"Chúng tôi không muốn Hoà học chữ nên không dạy. Khi cháu mua điện thoại, tôi đã mắng. Lúc cháu muốn làm chứng minh tôi không ủng hộ... Hơn 30 năm nay, chúng tôi nghĩ số phận nghiệt ngã, con chỉ có thể nằm một chỗ. Nhưng chính Hoà đã vươn lên làm những điều không ngờ tới", ông Nghĩa bộc bạch. Giờ thì vợ chồng ông không còn cấm đoán điều gì, mà ủng hộ con.
Năm ngoái, Hoà được vị bác sĩ người Sài Gòn tài trợ tiền vé máy bay vào đó khám. Vốn là một chuyên gia về xương khớp ở nước ngoài, vị này chẩn đoán Hoà bị bệnh mềm xương bẩm sinh. Giai đoạn hiện tại, xương của chị đã mủn và không có cách can thiệp nữa. Ngoài ra, Hoà còn bị cảnh báo nhiều bệnh khác.
Hiện tại, vì sức khoẻ chị không còn làm hoa nữa mà giao cho nhân công làm. Hàng ngày Hoà đăng sản phẩm lên trang cá nhân của mình giới thiệu, lo đầu ra cho sản phẩm. Mỗi tháng chị thu nhập được 1,5 triệu đồng, còn người làm có thể kiếm được 3-4 triệu.
Cô gái bé nhỏ mong muốn mở một trung tâm làm đồ thủ công cho người khuyết tật và tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Chị Nguyễn Thị Hải, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Kiến Quốc (Kiến Thụy, Hải Phòng) cho biết: "Có nhiều người khuyết tật chấp nhận số phận, để gia đình nuôi. Chị Hòa tuy chỉ nằm một chỗ như trẻ sơ sinh nhưng đã tự vươn lên nuôi sống mình".
Theo VNExpress