Năm nay 23 tuổi, Quỳnh Trâm đã là một VĐV khuyết tật tên tuổi của VN khi giành nhiều huy chương ở các kỳ Para Games, trước khi cô được biết đến rộng rãi khi tham dự một cuộc thi hát nhạc bolero trên truyền hình.
Từ những cú ngã trên sân điền kinh...
Suốt nhiều tháng qua, ngày nào Quỳnh Trâm cũng bận bịu với lịch hoạt động kín đặc. Sáng cô tập luyện chạy bộ, chiều bắt đầu đi “chạy show” trên sân khấu âm nhạc. Cả 2 công việc đó vốn đều không dễ dàng gì với người bình thường. Ấy vậy mà Quỳnh Trâm vẫn luôn vui vẻ giữ chặt nụ cười trên môi, dù là khi bị HLV la vì tập luyện thiếu tập trung, hay khi đối mặt với nỗi sợ đám đông trên sân khấu. Với cô gái khiếm thị từ lúc mới sinh này, cô đang được sống trong những ngày hạnh phúc nhất đời khi được theo đuổi cùng lúc cả 2 niềm đam mê.
Vì một tai nạn thuở nhỏ, đôi mắt của Quỳnh Trâm bị tổn thương nghiêm trọng, khiến cô chỉ có thể quan sát lờ mờ trong khoảng cách vài centimet. Năm 11 tuổi, Trâm lần đầu tiếp cận con đường thể thao khi được tuyển chọn vào đội tuyển điền kinh của Trường Nguyễn Đình Chiểu. Nhờ lòng quyết tâm, nhẫn nại, cô gái khiếm thị có thể hình khỏe khoắn này nhanh chóng chứng tỏ được năng khiếu ở đường chạy tốc độ 100m, 200m và 400m. Chỉ vài năm sau đó, Trâm được lên tuyển TP.HCM, rồi tuyển quốc gia trước khi tham dự Para Games 2014. Ở Myanmar, Trâm giành được 2 HCB, trước khi giành thêm 2 HCB, 1 HCĐ nữa ở Para Games 2017 (tại Malaysia).
“Không thấy đường thì làm gì cũng khó, nói gì chạy bộ. Chuyện té ngã trên sân tập là đương nhiên, nhiều lúc tôi còn đâm sầm vào cột, tường nữa. Khi thi đấu nhiều lúc cũng gặp chấn thương kiểu như vậy. Bí quyết của tôi là mặc đồ thật nổi để mọi người đều trông rõ mình mà tránh va chạm” - Trâm kể vui về những khó khăn trong việc tập luyện.
... Đến sức ép trên sân khấu ca nhạc
Song song với 10 năm trời tập luyện thể thao khuyết tật đỉnh cao, Trâm còn được đồng đội biết đến với một năng khiếu bên ngoài sân tập - giọng ca ngọt ngào, đậm chất Nam Bộ ở dòng nhạc trữ tình. Cứ mỗi chuyến đi thi đấu xa nhà, các thành viên trong đoàn thể thao khuyết tật VN lại nhờ đến giọng hát nhẹ nhàng, man mác của Trâm để khuây khỏa nỗi nhớ nhà. “Đa phần là các anh chị bên đội ném đẩy thôi, vì họ khá có tuổi rồi mới thích dòng nhạc này. Chứ mấy đồng đội ở đội chạy bộ còn trẻ thích nhạc sôi động thôi” - Trâm cười kể.
Cũng như thể thao, Trâm tuy có năng khiếu với âm nhạc nhưng cô phải khổ luyện không ít từ nhỏ. “Có lẽ tôi thừa hưởng đam mê đờn ca tài tử từ cha mình, nhà tôi có rất nhiều loại nhạc cụ. Từ nhỏ, tôi đã được cha dạy cho một ít, rồi học thêm ở Hội người mù. Sau này tôi tập được đàn tranh và violon, nhưng năng khiếu chính của tôi là hát” - Trâm kể. Sở hữu khả năng thính giác nhanh nhạy, nhưng không có thị giác cũng đồng nghĩa Trâm không thể nhìn các nốt nhạc, phải hoàn toàn tự học nhạc lý bằng khả năng cảm âm thiên phú của mình.
Đến cuối năm ngoái, nghe lời rủ từ bạn, Trâm tham gia thử vòng sơ loại một cuộc thi hát bolero rồi bất ngờ vượt qua hàng loạt vòng thi đấu, vào đến top 18 thần tượng bolero của cuộc thi. Đây là một thành tích hoàn toàn bất ngờ với cô gái VĐV điền kinh này, bởi trước đây Trâm chưa từng trình diễn trên một sân khấu nào. Kinh nghiệm ca hát của cô đơn giản chỉ là những lần giao lưu văn nghệ trong cộng đồng người khuyết tật. Nhưng Trâm luôn giữ sự lạc quan. “Đến lúc này tôi mới thấy cái lợi thế của mình là... không nhìn thấy gì cả. Nên cũng đỡ sợ phần nào” - Trâm đùa.
Trên sân khấu âm nhạc, Trâm còn đối mặt một thử thách khác - những câu hỏi xoáy vào nỗi khiếm khuyết cơ thể của mình. “Hồi đầu thì thật sự cũng hơi buồn khi phải nói mãi về chuyện không vui của mình, nhưng sau này tôi cố giữ suy nghĩ - sự tự tin, lạc quan của mình sẽ góp phần truyền niềm cảm hứng cho cộng đồng những người khuyết tật” - Trâm nói.
Đeo đuổi niềm đam mê mới nhưng Trâm cho biết cô vẫn sẽ không xao nhãng việc tập luyện, cũng như ngược lại, sẵn sàng nhận lời tham gia các chương trình văn nghệ sau này. “Tôi nghĩ mình có thể cân đối được. Thể thao mang lại cho tôi sức sống, còn âm nhạc giúp tinh thần sảng khoái hơn. Có thể đeo đuổi cả 2 là điều khiến tôi hạnh phúc” - Trâm nói.
Thành công nhờ ý chí Vừa bỏ micro tạm xa cuộc thi ca hát, Quỳnh Trâm đã lao vào tập luyện điền kinh chuẩn bị giải tuyển chọn thuộc hệ thống World Grand Prix của Ủy ban Thể thao người khuyết tật thế giới (IPC) bắt đầu tại Bắc Kinh từ ngày 11-7 để chuẩn bị tham dự Asian Para Games 2018. Trao đổi vớiTuổi Trẻ, HLV tuyển điền kinh người khuyết tật VN Đặng Văn Phúc chia sẻ: “Quỳnh Trâm có khiếu điền kinh nhưng thành công đến từ ý chí. Đi tập xa xôi, bất tiện, không có chế độ, rồi những thời điểm bị chấn thương, hay nắng cháy da... nhưng Quỳnh Trâm vẫn không bỏ điền kinh. Tôi đặc biệt tin tưởng nếu cố gắng hết sức, Quỳnh Trâm có thể tranh chấp huy chương Asian Para Games năm nay”. |
Theo Tuổi trẻ