Nhiều năm về trước, khi nhắc tới Miyuki Kobayashi (sinh năm 2001), nhiều người quen, bạn bè lập tức nhớ tới cô gái lai Việt - Nhật xinh xắn, lúc nào cũng mặc quần áo dài tay, khoác áo bất kể xuân, hạ, thu, đông.
Với Miyuki, những món trang phục quen thuộc ấy giống như chiếc "áo giáp", giúp cô giấu đi cánh tay trái khuyết thiếu trên cơ thể mình. Chia sẻ với Zing, Miyuki cho biết đây là di chứng từ chất độc da cam.
Di chứng từ chất độc da cam khiến Miyuki Kobayashi, cô gái lai Việt - Nhật, khuyết thiếu cánh tay trái. Ảnh: Đức Phát.
"Hồi đó, mình chỉ dám mặc áo dài tay, quần dài vì không muốn người khác nhìn với ánh mắt tò mò, hiếu kỳ. Họ thường hỏi nguyên nhân, rồi chậc lưỡi 'Tội nghiệp quá' khi biết chuyện", cô kể lại.
Giờ, cô đã dần thoát khỏi "vỏ ốc", lấy lại tự tin và quyết tâm theo đuổi niềm đam mê với nghệ thuật. Sau nhiều nỗ lực rèn luyện, năm 2019, cô đỗ thủ khoa ngành Sư phạm Mỹ thuật tại ĐH Mỹ thuật TP.HCM.
"Mình từng trải qua những giai đoạn khó khăn, tưởng như khó có thể đứng dậy được. Nhưng nghĩ lại, nếu không nhờ những trải nghiệm ấy, chắc sẽ không có Miyuki của hôm nay", cô nói.
Rũ bỏ mặc cảm
Năm 4 tuổi, Miyuki theo gia đình về Việt Nam định cư. Do có bố là người Nhật và mẹ là người Việt, cô thành thạo cả 2 ngôn ngữ, thậm chí còn tự hào vì có khẩu âm miền Tây như mẹ.
Hồi tưởng lại thời thơ ấu, cô nói rằng mình bắt đầu nhận ra điểm khác thường trên cơ thể từ rất sớm. Do di chứng chất độc da cam từ nhà nội, Miyuki sinh ra với đôi chân cong, các ngón dính liền và khuyết cánh tay trái.
Sự yêu thương, ủng hộ từ gia đình và bạn bè là nguồn động lực giúp Miyuki vượt lên mặc cảm về cơ thể. Ảnh: NVCC.
Mặc cảm về cơ thể khiến cô trở nên ít nói, nhút nhát và không có nhiều bạn bè. Sự khác biệt ấy cũng không ít lần đẩy Miyuki vào cảnh bị bắt nạt, kỳ thị.
"Hồi nhỏ, mấy người trong xóm hay trêu chọc, xô đẩy và nói mình là đứa 'không có tay'. Lớn hơn một chút, vài bạn cùng lớp lại chế giễu, hạ thấp khả năng của mình. Từng có bạn bảo rằng không muốn đi cùng mình vì sợ xấu hổ, bắt mình mặc áo khoác để che đi", Miyuki kể.
Với cô, ánh mắt hiếu kỳ và thái độ xa lánh từ bạn đồng trang lứa trở thành vết thương khó lòng xoa dịu, khiến cô đánh mất niềm tin vào bản thân.
Có thời điểm Miyuki cảm thấy ghét chính mình vì "trông khác người".
"May mắn thay, giờ đây mình có những người bạn lâu năm sẵn sàng ở bên, che chở cho mình. Họ chưa bao giờ khiến mình cảm thấy bản thân khác biệt cả. Ngoài ra, gia đình cũng luôn cho mình lời khuyên mỗi khi mình gặp chuyện", cô kể.
Theo đuổi đam mê hội họa
"Mình bắt đầu vẽ từ rất sớm, nhưng từng có thời điểm mình không dám cầm bút, cầm cọ vì tự ti. Tới năm lớp 11, mình gặp được nhiều bạn bè tốt nên cởi mở hơn, đam mê theo đuổi ngành mỹ thuật cũng lớn dần", Miyuki vừa nói, vừa phác những nét đầu tiên lên toan.
Nhìn tay Miyuki thuần thục đưa nét, hiếm ai tưởng tượng được cô đã trải qua nhiều năm "khổ luyện" chỉ để học cách cầm bút. Cánh tay vốn nhỏ gầy, lại không có tay trái hỗ trợ, cô dễ bị chuột rút nếu cầm, nắm lâu.
"Có lúc gọt bút mà bị cứa vào tay đau lắm, nhưng vẫn kiên trì tập dần vì quá mê vẽ. Giờ mình thuần thục lắm rồi", cô kể.
Bên cạnh việc học trên trường, Miyuki còn dạy kèm tiếng Nhật và làm mẫu ảnh cho một số bạn bè. Ảnh: Đức Phát, NVCC.
Không chỉ gặp khó khăn do khiếm khuyết cơ thể, chặng đường theo đuổi đam mê của Miyuki còn trắc trở khi không được mẹ ủng hộ.
Suốt 1,5 năm ôn luyện khối H cho kỳ thi đại học, mẹ nhiều lần khuyên Miyuki từ bỏ đam mê, tập trung cho các bộ môn văn hóa vì sợ con gái mệt.
Miyuki kể cô mất gần nửa năm để thuyết phục, chứng minh với gia đình rằng bản thân có đủ năng lực, sức khỏe để theo đuổi đam mê.
"Về sau, mẹ trở thành nguồn động lực giúp mình vững tin, thành công thi đỗ thủ khoa ngành Sư phạm Mỹ thuật ở ĐH Mỹ thuật TP.HCM đó".
Vượt qua mặc cảm quá khứ, Miyuki ở tuổi 20 luôn tràn trề năng lượng tích cực, năng nổ tham gia nhiều hoạt động khác. Ngoài việc học trên trường, cô bạn còn dạy kèm tiếng Nhật cho vài học sinh cấp 2, cấp 3 và nhận làm mẫu ảnh cho một số tiệm quần áo hay bạn bè là nhiếp ảnh gia.
"Trước đây, mình không thích chụp ảnh chút nào. Song, giờ mình nghĩ đây là cách để lưu giữ khoảnh khắc trong đời. Mỗi lúc buồn, mình có thể lần giở những tấm hình này để tìm lại động lực, nhắc nhở bản thân rằng 'Mình hạnh phúc, mình đủ đầy'", cô cười, nói.
Theo Zing