Theo Hà Thị Hồng, bình đẳng giới trong giáo dục làm tăng chất lượng nguồn nhân lực trung bình của xã hội, có ảnh hưởng tích cực đến chất lượng nguồn nhân lực của tương lai. Ngoài ra, khi trình độ của người mẹ cao hơn sẽ đóng vai trò quyết định trong việc chăm sóc và dinh dưỡng đối với con cái.
"Từ nhỏ, nhiều bạn bè xung quanh tôi đều được bố mẹ khuyến khích đi học đến hết cấp ba rồi đi lấy chồng hoặc làm công nhân tại các nhà máy. Một phần nguyên nhân là do điều kiện kinh tế trong gia đình không thể chu cấp cho nhiều người con đi học cùng một lúc, cho nên nhiều gia đình ưu tiên con trai được đi học. Cũng có quan điểm rằng con gái học bao nhiêu cũng chỉ về lấy chồng, sinh con, đẻ cái mà thôi. Chính vì vậy, việc học tập lên cao đối với nữ giới còn gặp nhiều rào cản. Tuy nhiên, tôi có may mắn hơn vì luôn được bố mẹ ủng hộ trong việc học tập", Hồng chia sẻ.
Theo cô, khi mức độ bất bình đẳng giới trong giáo dục giảm đi, tức là ở mỗi cấp đào tạo, tỷ lệ nữ so với nam tăng lên và khi trình độ và nhận thức của phụ nữ trong gia đình được cải thiện, số lượng, chất lượng đầu tư cho giáo dục đối với con cái sẽ được cải thiện trực tiếp thông qua sự dạy dỗ của người mẹ cũng như khả năng thuyết phục hoặc quyền của người mẹ trong việc đầu tư nhiều hơn cho giáo dục đối với con cái.
Sinh ra và lớn lên ở tỉnh Thái Nguyên trong một gia đình thuần nông nên khi còn nhỏ ngoài việc đi học, Hồng còn phải phụ giúp mẹ công việc ở ngoài đồng. Chia sẻ những tháng ngày vất vả của tuổi thơ, Hồng kể: "Tôi nhớ đến những ngày học cấp 2, ấn tượng đọng lại trong đầu tôi là con đường tới trường với đất sét vàng dính chặt bánh xe mỗi khi trời mưa và không thể di chuyển được. Chúng tôi phải dắt bộ rồi tìm một cái ao sát bên đường để cho xe được "tắm mát", gột rửa bớt đất đường. Có đôi khi đi được nửa đường thì bị ngã, quần áo và sách vở đều bị ướt nên không thể đến trường. Mùa lũ nước dâng cao, nhiều khi ngập kín đường, không cẩn thận cả người cả xe cũng bị nước cuốn đi".
Khi học lên cấp 2, khó khăn nhất đối với Hồng là giọng nói địa phương thường bị bạn bè trêu chọc. Rồi khi lên cấp 3 lại cảm thấy lạc lõng vì khó hòa nhập với bạn bè. Hồng đã vượt qua những rào cản này để phấn đấu vươn lên. Học hết cấp 3, Hồng thi đỗ khoa Khoa học và quản lí môi trường tại Đại học Nông lâm Thái Nguyên. Sau đó, cô tiếp tục chinh phục học bổng của Chính phủ Úc và theo học ngành Khoa học môi trường tại Đại học Tây Úc, có trong tay tấm bằng thạc sĩ vào năm 2019. Để đi đến được ngày hôm nay, Hồng còn trải qua những khó khăn khi tiếp cận với tiếng Anh tại môi trường quốc tế.
Điều tự hào nhất của cô gái dân tộc Sán Dìu là bản thân cô đã hỗ trợ được một số học viên theo đuổi con đường học tập ở nước ngoài. Hồng cho rằng, chỉ có giáo dục mới đưa con người ta đi xa hơn và làm được nhiều điều hơn cho bản thân và xã hội. Không chỉ tích cực trong học tập và công việc, Hồng còn góp phần nâng cao ý thức của các bạn sinh viên trong việc bảo về môi trường thông qua việc phân loại rác trong một dự án "Khuôn viên đại học không rác thải" tại trường Đại học Nông lâm do chính phủ Úc tài trợ.
Chia sẻ về mong ước của mình, cô gái Sán Dìu nói: "Thông qua công việc của mình, tôi mong rằng ý kiến và kiến thức của người dân bản địa, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số sẽ được lắng nghe nhiều hơn trong các dự án môi trường cũng như chính sách của nhà nước trong việc bảo vệ quyền lợi của người dân địa phương".
An Khê