|
|
Nguyễn Hoàng Thảo là 1 trong 3 người phụ nữ châu Á truyền cảm hứng về "lối sống xanh" |
Nguyễn Hoàng Thảo (SN 1985) từng là giảng viên khoa tiếng Nhật của trường Đại học Hà Nội. Hiện nay, chị đã ngừng công việc dạy học để dành toàn tâm toàn ý cho công việc bảo vệ môi trường, điều hành fanpage "Nói không với túi nylon" với hơn 100 ngàn người theo dõi và "Nhóm cộng đồng ẩm thực - tiêu dùng xanh" với gần 60 ngàn thành viên. Cô cũng là 1 trong 3 người phụ nữ châu Á truyền cảm hứng về "lối sống xanh". Năm 2018, Thảo vinh dự nhận được giải thưởng ASEAN Eco Youth Champion dành cho những cá nhân có thành tích nổi bật trong hoạt động bảo vệ môi trường.
Chia sẻ hành trình đến với công tác bảo vệ môi trường và tâm huyết, khát vọng của bản thân về một môi trường đáng sống trong tương lai, Thảo cho biết, khoảng 5 năm trước, trong một lần đi công tác đến một khu tập trung và xử lý rác thải của Hà Nội, lần đầu tiên chị thấy được rác ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khỏe của con người đến thế nào.
|
|
Năm 2018, Thảo vinh dự nhận được giải thưởng ASEAN Eco Youth Champion dành cho những cá nhân có thành tích nổi bật trong hoạt động bảo vệ môi trường. |
"Do không được xử lý khép kín vì khối lượng rác thải quá nhiều, không được phân loại, hầu hết rác đều được xử lý bằng cách đốt hoặc chôn lấp. Khói đốt rác bốc lên đen kịt và khét đắng. Tôi hỏi thăm thì biết rất nhiều người sống quanh khu vực đó đều bị ít nhất một bệnh về đường hô hấp. Sau khi về, tôi có tìm hiểu thì mới biết khi đốt túi nylon sẽ tạo ra khí thải có chứa chất độc dioxin, cacbonic, methane có thể gây ra ung thư, suy giảm hệ miễn dịch nếu hít phải. Có rất nhiều bài báo nói về tình trạng sức khỏe của người dân sống quanh khu vực này", Thảo cho biết.
Lúc đó, chị "giật mình" nhận ra chính việc vô tư sử dụng những đồ nhựa dùng một lần của bản thân và những người xung quanh là một phần tác nhân gây ra ô nhiễm. Sau khi tự thay đổi lối sống của bản thân, có thêm nhiều kiến thức, chị muốn chia sẻ và lan tỏa những thông tin đó đến cộng đồng, để ngày càng có nhiều người quan tâm đến "sống xanh" - bảo vệ môi trường.
Chị đã đứng ra sáng lập các dự án bảo vệ môi trường thu hút hàng trăm ngàn người tham gia, đồng thời tổ chức nhiều workshop, sự kiện với các chủ đề về "sống xanh", bảo vệ môi trường. Nguyễn Hoàng Thảo cũng điều hành mạng lưới của mình kết nối với các doanh nghiệp, tổ chức để hỗ trợ quá trình "xanh hóa", tạo động lực cho những người kinh doanh "xanh hóa" mô hình hoạt động và trở thành diễn đàn cho cộng đồng yêu môi trường tại Việt Nam.
|
|
Theo Hoàng Thảo, để bảo vệ môi trường và "nói không với túi nylon", cộng đồng nên coi môi trường như một ngôi nhà chung. |
Cho rằng cộng đồng hiện nay vẫn còn "nghiện" sự tiện lợi từ túi nylon, Hoàng Thảo nói: "Nhiều người nghĩ rằng để bảo vệ môi trường là phải làm những việc thật to tát. Tuy nhiên, tôi nghĩ bảo vệ môi trường lại đến từ những việc rất nhỏ. Chỉ cần ta cầm theo túi, hộp đựng khi đi chợ, đi mua đồ thay vì lấy túi nylon, hoặc sử dụng điện tiết kiệm, hay tắt máy xe khi dừng đèn đỏ đã là bảo vệ môi trường rồi. Chúng ta đừng nên vì ngại, vì sợ bất tiện mà tặc lưỡi thôi cứ dùng rồi vứt đi, hoặc ngại thay đổi chỉ vì xung quanh mình không ai làm như thế".
Theo Hoàng Thảo, để bảo vệ môi trường và "nói không với túi nylon", cộng đồng nên coi môi trường như một ngôi nhà chung. "Ngôi nhà của chính mình mà mình không biết yêu quý nó thì người khác có phá hoại nó hay không, ta cũng chẳng làm gì được. Chỉ khi ta có ý thức chăm sóc, bảo vệ nó thì ta mới làm cho những người khác cũng quan tâm đến nó được. Vì thế, đừng ngại trở thành người tiên phong trong nhóm bạn hay gia đình, cộng đồng của bạn. Bất cứ hành động tích cực nào của bạn đều có thể trở thành động lực cho người khác cố gắng theo", chị chia sẻ thêm.
Nguyễn Hoàng Thảo hy vọng thời gian tới, sẽ có nhiều hơn những chiến dịch "xanh hóa" mô hình kinh doanh đến từ các doanh nghiệp lớn để tạo ra động lực cho cả thị trường cùng thay đổi. Chị đang ấp ủ dự định tổng hợp các kinh nghiệm "sống xanh" của mình thành một cuốn cẩm nang dành cho những người muốn "sống xanh" ở đô thị lớn, để mọi người thấy rằng: Chỉ cần có động lực thì ở đâu, làm gì cũng có cách để bảo vệ môi trường.
An Khê