3 lần trốn thoát cảnh bắt vợ
Cô gái trong câu chuyện trên là Sùng Thị Sơ, (22 tuổi, dân tộc Mông, ở xã Hồng Ca, H.Trấn Yên, Yên Bái). Cô đang là sinh viên trường ĐH Luật Hà Nội.
|
|
Ít ai biết, Sơ (ngoài cùng bên trái) này từng 3 lần thoát khỏi cảnh bắt vợ |
Tục bắt hay kéo vợ của người H'Mông là nghi lễ trước khi kết hôn của các cặp đôi yêu nhau. Tuy nhiên, không ít người đã lợi dụng phong tục này để "bắt" cô gái về làm vợ khi chưa có sự đồng ý. Cô gái này đã 3 lần trở thành nạn nhân của tục lệ này.
Năm cô học lớp 8, khi đang đi chơi tết với em gái bỗng bị kéo về nhà người ta. Chuyện này xảy ra quá nhanh nên Sơ không kịp phản ứng. May mắn, em gái khóc lên nên mọi người xung quanh đã can ngăn.
|
|
Cô gái luôn lạc quan vượt qua khó khăn |
Lần thứ hai, khi cô học lớp 10, cô tiếp tục bị bắt bởi một người không quen biết trước hôm nhập học một ngày.
Lần thứ ba, khi chuẩn bị thi THPT Quốc gia cũng là lúc nhiều địa phương giãn cách do dịch Covid-19. Do ôn thi nên Sơ đã ở nhà một mình thay vì đi làm nương cùng bố mẹ. Chiều tối, hai người lạ ở làng khác đã đến rủ đi chơi nhưng cô đã từ chối. Không được đồng ý, họ liền cưỡng chế kéo cô đi. Bị kẹp giữa trên xe, cô gái không thể vùng vẫy, phản kháng.
|
|
Cô gái đạt nhiều thành tích cao trong học tập |
Ngay tối hôm đó, cô đã bị cưỡng ép, bắt ngủ với đối phương. Sơ biết rằng bị bắt rồi sẽ khó trốn về nhà nhưng vẫn quyết tâm trốn, không thể ở với người khác.
"Sáng hôm sau, mình lấy cớ gọi điện cho trường lấy lịch thi và lén gọi điện cầu cứu bố mẹ. May mắn, bố mình đã thuyết phục được người ta đưa về. Dù đã về nhà an toàn nhưng gia đình đối phương và những người xung quanh vẫn bàn tán, mong được cưới họ. Mình rất biết ơn bố mẹ vì đã mặc kệ những lời góp ý xung quanh", cô chia sẻ.
|
|
Cô luôn khát khao được đi học, được thay đổi cuộc sống |
Từ nhỏ, Sơ đã chứng kiến nhiều gia đình không hạnh phúc. Khi lớn lên, cô chứng kiến nhiều bạn trẻ lấy chồng rất sớm đều bỏ chồng hoặc ngược lại. Nuôi thêm 2 - 3 người con khiến cuộc sống của những bạn đó rất cực khổ. Dù muốn tìm được sự giúp đỡ của người khác nhưng họ không có ai để chia sẻ, thậm chí không nói được tiếng phổ thông. Hành trình thoát khỏi cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc dường như không có lối thoát.
Cô quyết tâm trở thành luật sư vì bản thân muốn được bảo vệ chính mình. Cô từng 3 lần bị bắt vợ nên đủ nhận thức rằng đó không phải là mong muốn của mình. Cô sẽ không thể lay chuyển được ai nếu chính mình không thay đổi, không chịu học hỏi và không có ước mơ.
Hiện cô đã bảo vệ xong khóa luận và đang trong quá trình xét tốt nghiệp. Cô tin một khi đã trở thành luật sư, việc giúp mọi người nhận thức đầy đủ về việc được học tập và theo đuổi những gì mình muốn.
|
|
Sơ hiện đã bảo vệ xong khóa luận tốt nghiệp đại học |
Vượt khó khăn, đạt thành tích cao
Bố mẹ Sơ là nông dân, chủ yếu trồng trọt chăn nuôi ở quê. Họ đều không được đi học. Cô là con thứ 2 trong gia đình có 5 chị em. Chị gái đã đi lấy chồng, em gái mới tốt nghiệp trung cấp còn hai em trai đang đi học. Gia đình không có thu nhập ổn định, phụ thuộc vào nương rẫy.
Dù gặp khó khăn về tài chính nhưng cô vẫn thuyết phục bố mẹ được đi học sau khi tốt nghiệp THPT và hứa sẽ tự lo học phí. Có lúc, gia đình khó khăn đến mức không có dép đi, không có áo ấm mặc lúc mùa đông dù phải đi bộ khoảng 3 km đi học.
Để có tiền trang trải chi phí sinh hoạt ở thủ đô, Sơ thường làm giúp việc gia đình, phục vụ ở nhà hàng, quán ăn, quán cà phê và làm các công việc văn phòng khác. Có những thời điểm cô làm nhiều việc một lúc để có tiền ở lại Hà Nội và tiếp tục đi học.
"Đến tận năm 2020, mình cũng không mua nổi áo ấm. Lúc đó, mình từ Hà Nội lên Thái Nguyên thăm em gái ốm vì bạn ấy chỉ có một chiếc áo khoác mỏng nên đã nhường chiếc áo ấm duy nhất đó. Cả đoạn đường trở về Hà Nội, mình đã khóc rất nhiều. Khóc vì thương mình, thương em và thương cho sự vất vả của đấng sinh thành", cô gái xúc động.
|
|
Bạn bè cũng tự hào về thành tích của Sơ (thứ 4 từ phải qua) |
Khác với những lời dị nghị, chê bai từ hàng xóm vì cho rằng: "Con gái chỉ là con gái thôi", bố mẹ Sơ luôn động viên con hết mình. Mỗi lần Sơ cầm giấy khen về nhà, ánh mắt của họ luôn chan chứa sự tự hào, sự tin tưởng và tình thương con vô bờ.
Với quyết tâm thay đổi cuộc sống của bản thân và những em gái xung quanh sau câu chuyện 3 lần là nạn nhân của tục bắt vợ, Sơ được lựa chọn là 1 trong 2 đại diện Việt Nam tại Hội thảo về phòng chống tảo hôn cấp khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Trong tham luận trình bày tại hội thảo, cô đã nêu tình trạng tảo hôn chung tại Việt Nam và cộng đồng người H'mông nói riêng. "Không có gì là không thể thay đổi cả, nếu mình sẽ có cơ hội để làm điều đó. Và mình tin sẽ có người sẵn sàng đứng lên để bảo vệ nên nếu gặp phải những trường hợp như vậy các em gái hãy kêu cứu. Chúng ta nên kết hôn khi đã đủ tuổi theo quy định của pháp luật, đủ lớn về cả nhận thức, có tri thức và có đủ sức để bảo vệ bản thân an toàn", cô viết trong bài tham luận.
Ngoài ra, cô cũng là một trong 15 thành viên thành viên quỹ Spark tại Đông Nam Á thuộc Quỹ Trẻ em toàn cầu. Tại đây, cô mong muốn sẽ có nhiều quyền lợi hơn cho những người yếu thế (người dân tộc thiểu số, người khuyết tật hay LGBT), không giới hạn ngôn ngữ để thêm nhiều cơ hội học tập cho các bạn trẻ, đặc biệt là vùng sâu vùng xa.
|
|
Cô gái luôn mong các bạn ở vùng sâu, vùng xa được tự do lựa chọn cuộc sống |
Ông Sùng Công Của (43 tuổi), bố của Sơ nói rằng rất tôn trọng quyết định của con. Khi nghe tin con bị kéo đi làm vợ, người đàn ông rất đau lòng vì luôn thấy khao khát được đi học của con.
"Tôi xem việc đứng ra bảo vệ con là trách nhiệm của đấng sinh thành. Tôi mất ngủ nhiều đêm vì thương con, lo con gái sẽ không chịu được sau nhiều lần bị bắt. Tôi luôn nói với con rằng: "Hình hài là bố mẹ cho con nhưng cuộc sống này là của con, con muốn làm gì hãy nỗ lực giành lấy". ông Của bày tỏ.
|
|
Thời gian tới, cô sẽ tiếp tục kiên trì với ngành luật |
Người cha cũng rất tự hào vì con là người đầu tiên trong làng học đại học thậm chí còn được đi nhiều nước trong khu vực. Gia đình luôn mong Sơ khỏe mạnh, hạnh phúc và đạt được nhiều mục tiêu đề ra.
|
|
Hai em của Sơ cũng đang đi học và cô sẽ cố gắng lo học phí cho cả hai em |
Anh Cháng A Vàng, Bí thư Đoàn xã Hồng Ca đánh giá cao thành tích học tập của Sơ. Đoàn xã xem cô là tấm gương điển hình trong việc vươn lên trong học tập, mong các đoàn viên khác noi gương.
"Đối với cộng đồng người H'Mông ở địa phương, tỷ lệ các bạn đi học sau chương trình phổ thông không nhiều. Ngoài ra, tục bắt vợ ở địa phương dù đã giảm hơn so với nhiều năm trước nhưng vẫn chưa hết hẳn. Mình tin với nhận thức và sự nỗ lực của Sơ, bạn ấy sẽ lan tỏa được đến với mọi người", anh Vàng chia sẻ.
- Nhận bằng khen của Ủy ban Dân Tộc tuyên dương học sinh, sinh viên, thanh niên dân tộc thiểu số xuất sắc, tiêu biểu năm 2019 - 2020
- Giải Bạc cuộc thi viết "Tinh thần sắt - Phụ nữ sắt" và Giải Nhất cuộc thi viết "Nhà - Nơi trú tâm hồn"
- Phó ban nhân sự, thành viên quốc gia Ban tham vấn Thanh Niên của Tổ chức Plan International Việt Nam
- 1 trong 2 đại diện Việt Nam tại Hội thảo về phòng chống tảo hôn cấp khu vực châu Á – Thái Bình Dương
- 1 trong 15 thành viên thành viên quỹ Spark tại Đông Nam Á thuộc Quỹ Trẻ em toàn cầu
- Đại biểu các hội nghị như: Sáng kiến thanh niên tiên phong của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc, bàn tròn Thanh Niên về phát triển số 16 của Liên Hợp Quốc
|
Theo Thanh niên