Nguyễn Thủy Tiên đã xuất bản tập thơ Triền Sống (NXB Lao Động năm 2017). Nhiều nhà văn, nhà thơ trên khắp đất nước cảm động trước nghị lực của Thủy Tiên - người bại liệt đã vịn thơ đứng dậy.

“Đi bằng giường” đến buổi tọa đàm

Tại Trại sáng tác Văn học thiếu nhi do Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng tổ chức ở TP Tuy Hòa ngày 10/4, nhiều người không khỏi xúc động khi thấy Nguyễn Thủy Tiên nằm trên giường, lắng nghe các nhà văn, nhà thơ tọa đàm. Cô tâm sự: "Lần đầu tiên em được gặp gỡ các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng bằng xương bằng thịt, ai cũng nhìn em bằng đôi mắt trìu mến, cảm động, chan chứa tình yêu thương".

leftcenterrightdel
 Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam (ngoài cùng bên phải), tặng quà cho Thủy Tiên

Thủy Tiên bị bại liệt từ nhỏ. Trải qua bao năm tháng, dù nằm một chỗ, nhưng Thủy Tiên mải miết yêu thơ và làm thơ về nỗi buồn. Ba mất từ lúc Tiên còn nhỏ chưa biết gì. Ba yêu à! Trong cảnh sống mồ côi/Con đã nhận bao thiệt thòi bất hạnh/Màn đêm xuống tay ôm ghì di ảnh/Trời trở mùa: Ba có lạnh không ba? (Thư gửi ba yêu).

Nhà thơ Nguyễn Bảo Ngọc, Phó Chủ tịch Hội đồng Văn học thiếu nhi đến từ Hà Nội phân trần: "Tôi biết thông tin Nguyễn Thủy Tiên từ nhà văn Đào Phạm Thùy Trang đến từ Tây Ninh. Sau khi bàn bạc, chúng tôi quyết định đưa em “đi bằng giường” đến Trại sáng tác. Tôi có dịp tổ chức Trại sáng tác trên mọi miền đất nước, trường hợp Nguyễn Thủy Tiên là hiếm gặp và rất cảm động".

leftcenterrightdel
 Nhà thơ Bảo Ngọc (ngoài cùng bên phải) cùng với Thủy Tiên.

Trong buổi tọa đàm Tranh truyện - Truyện tranh cho thiếu nhi, có các thầy cô giáo cùng các em học sinh ở TP Tuy Hòa đến dự. Em Hoàng Trần Bảo Trân, học sinh lớp 9C, Trường THCS Hùng Vương tâm sự: "Đến đây, em thấy hình ảnh và đọc thơ của chị Nguyễn Thủy Tiên, mỗi vần thơ là tiếng nói từ trái tim, em như nghe thấy những gì đang vang lên trong tâm hồn chị. Ngưỡng mộ chị, có tật có tài, đó là nghị lực sống".

Mẹ có chân rưỡi nuôi con tật nguyền

Thủy Tiên nói cô ao ước được một lần bước đi, té lên té xuống cũng được, nhưng đôi chân Thủy Tiên co quắp. Nhà Thủy Tiên dưới chân dốc thôn Phong Thái (xã An Lĩnh), trước mặt là cánh đồng, đêm nằm nghe ra rả tiếng ếch nhái. Nhiều bài thơ viết ra thắm tình quê hương, Thủy Tiên từ từ bước ra khỏi bóng tối của sự mặc cảm bằng tình yêu thương của bao người. Đất Phú Yên cõng hai mùa mưa nắng/Thiên tai nhiều dân trĩu nặng tâm tư/ Con trở về trong ký ức lời ru/Cánh cò liệng giữa trời thu mùa gặt (Mẹ và quê hương)….

leftcenterrightdel
 Thủy Tiên (nằm phía trước) chụp hình lưu niệm cùng các nhà văn, nhà thơ trên sân khấu trong buổi tọa đàm

Đưa Thủy Tiên ra tiền sảnh về lại An Lĩnh, bà Trần Thị Nguột, 72 tuổi, mẹ của Thủy Tiên nói mấy chục năm nay, bà chưa xa giường Thủy Tiên quá một ngày. Lúc nào bà cũng bên cạnh Thủy Tiên, chăm sóc cô từng bữa ăn, giấc ngủ.

Người mẹ tội nghiệp này lại chỉ có một chân rưỡi (một nửa chân bên phải của bà là chân giả). Quanh năm suốt tháng, bà cũng không đi ra khỏi xã. Bà kể: "Những lần thức trắng bên giường bệnh của con, tôi chỉ biết chết lặng khi nhìn đôi chân giả của mình. Nhớ lại lúc Thủy Tiên đang đi học ngon lành cũng biết chơi nhảy lò cò, đùng một cái bị bệnh bại liệt với muôn vàn đau đớn..."

Bà Nguột có 5 người con (4 gái 1 trai) đều có gia đình, trừ Thủy Tiên. Bà đau đáu, sợ mình “đi sớm”, biết để con cho ai nuôi? Anh chị nó ở miền núi, đứa nào cũng lo “nồi riêng”. Bà tự an ủi, thôi thì được ngày nào mừng ngày đó, mẹ nuôi con, thương con cả đời.

leftcenterrightdel
 Thủy Tiên và mẹ (ngoài cùng bên phải)

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phát biểu tại buổi tọa đàm: “Truyện tranh - Tranh truyện cho thiếu nhi có thể coi là sự gợi mở cho một Hội thảo về văn học thiếu nhi của Hội nhà văn trong năm tới. Trong buổi tọa đàm có cháu Nguyễn Thủy Tiên từ huyện Tuy An. Tuy phải nằm bất động trên giường, nhưng tinh thần cháu đã vịn thơ ca đứng dậy. Thủy Tiên có mong ước được gặp các nhà văn, được nghe các nhà văn trong cuộc tọa đàm này. Nếu sống chỉ để sống như một sự tồn tại thân xác, thì những người như Tiên đã không thể sống nổi đến bây giờ. Thơ ca là một con tàu đưa họ vượt qua giông bão và bóng tối". 

Theo phụ nữ TPHCM