Cuối tháng 1/2021, tôi bắt đầu tham gia tiêm phòng vaccine Covid-19 cho người dân trong thành phố Fayetteville (bang Arkansas, Mỹ).
Lần đầu tiên, vì hồi hộp, tôi rất run, thậm chí còn đổ mồ hôi giữa mùa đông.
Nhưng cũng nhờ trải nghiệm này, tôi đã vượt qua nỗi sợ và tự tin hơn vào kỹ thuật của bản thân. Là sinh viên Việt hiếm hoi được tham gia vào công tác phòng, chống dịch tại Mỹ, tôi vừa tự hào vừa dặn bản thân phải cố gắng hết mình.
Công việc tiêm vaccineTôi hỗ trợ đội tiêm vaccine từ cuối tháng 1 tới đầu tháng 5. Đó là thời gian bang Arkansas cần tiêm chủng quy mô lớn, lên đến 2.000 mũi/ngày cho một địa điểm. Lượng y, bác sĩ không đủ, nên các sinh viên y khoa được tham gia.
Chúng tôi được chia thành các nhóm nhỏ, khoảng 10-12 người/nhóm, đi tới trường học, bệnh viện, trạm xá.
Ngoại trừ thời gian học lý thuyết trên lớp, tôi sẽ hỗ trợ từ 1-3 ngày trong tuần, dao động khoảng 4-8 tiếng/ca. Có hôm, tôi có mặt lúc 6h và kết thúc vào 17h.
Ngoài những ngày được lên lịch sẵn bởi nhà trường, tôi còn đăng ký làm thêm các buổi cuối tuần và ngày nghỉ lễ.
Quy trình tiêm khá đơn giản nhưng cần cực kỳ cẩn thận.
Sau khi kiểm tra tình trạng sức khỏe và giấy tờ cần thiết của người dân, tôi xem lại liều lượng vaccine rồi thực hiện thao tác tiêm chủng. Trung bình mỗi ca tôi tiêm trên 100 mũi.
Để đảm bảo an toàn, tôi được hướng dẫn sơ cứu và phản ứng khẩn cấp trong trường hợp người vừa tiêm xong có dấu hiệu dị ứng với thành phần của vaccine.
Thời gian đầu, nhiều cô chú, anh chị còn khá e ngại và lo lắng về tác dụng phụ. Tôi và các bạn phải trấn an, giải thích rõ hơn về thành phần loại vaccine mà họ sắp nhận, vì sao cơ thể lại phản ứng như thế và nên làm gì nếu gặp trường hợp đó. Chúng tôi cũng chia sẻ về quá trình tiêm của bản thân để mọi người tin tưởng hơn.
Mỗi nhóm sinh viên sẽ có một giáo sư từ trường đại học đi theo và giám sát trong suốt buổi làm việc. Ngoài ra, sự có mặt của các y tá và dược sĩ hỗ trợ cũng giúp tôi an tâm thực hiện nhiệm vụ hơn.
Làm việc trong thời tiết lạnhĐược thực hành nhiều lần, tôi dần quen với nhịp công việc. Trong suốt thời gian tham gia đội tình nguyện, tôi thấy bản thân thay đổi rất nhiều.
Tôi học cách giao tiếp nhẫn nại với bệnh nhân hơn, kỹ lưỡng khi làm việc hơn và biết phân chia nhiệm vụ sao cho cả nhóm hoạt động nhịp nhàng, đạt được kết quả tốt trong thời gian ngắn nhất.
Tôi biết nhiều người rất sợ kim tiêm nên thường nói chuyện đánh lạc hướng để họ đỡ run hơn. Nhờ vậy, tôi được thầy khen là tay nghề rất đều và gọn.
Có lần, giáo sư giám sát còn khen: “Thầy tin rằng em có thể bịt mắt mà tiêm cho mọi người được rồi”. Dù chỉ là lời nói động viên, tôi coi đó là sự khích lệ rất lớn.
Có lẽ điều khó khăn nhất là thời tiết. Những tháng đầu năm 2021, nước Mỹ trải qua một mùa đông rất khắc nghiệt cùng các đợt bão tuyết. Tiểu bang nơi tôi sống cũng chịu nhiều ảnh hưởng.
Hơn nửa số ngày tôi tham gia được tổ chức ở ngoài trời dưới hình thức “drive-through”. Nghĩa là người dân sẽ lái xe tới một chiếc lều nhỏ để tiêm vaccine, ngồi yên trên xe và nhanh chóng rời đi. Điều này nhằm tránh tụ tập đông người, việc tiêm chủng cũng nhanh hơn xếp hàng trong nhà.
Thời điểm đó, trời rất lạnh, có khi còn mưa. Tuy các lều đều được gắn máy sưởi, y bác sĩ được trang bị quần áo, mũ len đầy đủ nhưng tôi vẫn rét run.
Có lần nhiệt độ xuống tới -10 độ C, tay tôi lạnh cóng đến nỗi không mở được nắp ống tiêm, chân không còn cảm giác, khẩu trang thì cứng lại, kính bảo hộ mờ dần đi. Sau đó, nhà trường phải bổ sung các túi sưởi nhỏ để giữ trong người giúp chúng tôi làm ấm tay.
Với tôi, mọi khoảnh khắc trong quá trình làm việc đều để lại những dấu ấn và kỷ niệm khó quên.
Tiếp xúc với nhiều người từ các lứa tuổi, hoàn cảnh khác nhau, tôi hiểu hơn về hoàn cảnh của họ. Có người phải xa người thân gần 2 năm do lệnh giãn cách. Một số khác thì vui tới nỗi bật khóc vì cuối cùng cũng sắp được đoàn tụ với gia đình.
“Sau tất cả, tình yêu thương vẫn luôn chiến thắng”Khi đại dịch bùng phát tại Mỹ, trường tôi chuyển hình thức giảng dạy sang trực tuyến, thay đổi quy chế điểm cũng như thi cử.
Đặc biệt, trường y phải thay thế giờ học thực hành và thực tập tại bệnh viện bằng giáo trình mô phỏng online. Những ngày đầu, tôi gặp nhiều trở ngại do các lỗi kỹ thuật nên phải tự nghiên cứu, tìm cách thích nghi.
Không có mô hình để luyện tập, tôi phải dùng tạm chú gấu bông dài 1,8 m để truyền nước biển, tự học quy trình đo nhịp tim hay tiêm ngừa.
Nếu nhìn theo hướng tích cực, Covid-19 đã giúp tôi nhận ra sự quan trọng của sức khỏe tinh thần và ngành y tế. Tôi cảm thấy yêu nghề hơn, càng cố gắng học tốt để trở thành một y tá giỏi và giúp đỡ các bệnh nhân.
Gia đình đang sống tại Việt Nam nên tôi thường xuyên theo dõi tình hình dịch bệnh tại quê nhà.
Khi nhìn thấy hình ảnh các lực lượng tuyến đầu ngày đêm vất vả làm việc, tôi tôn trọng và khâm phục ý chí, tinh thần của họ.
Bố mẹ thường kể cho tôi nghe việc mọi người đang hỗ trợ nhau bằng cách san sẻ thực phẩm, tổ chức phiên chợ 0 đồng, ATM gạo.
Qua những điều tử tế như vậy, tôi mong mọi người sẽ có cái nhìn tích cực hơn trong giai đoạn này. Đại dịch đã mang đến nhiều khó khăn, mất mát, nhưng đâu đó vẫn luôn có những tấm lòng nhân ái. Sau tất cả, tình yêu thương vẫn luôn chiến thắng.
Theo Zing