Hồ Thị Phương Linh (sinh năm 1990, TP.HCM) đang làm việc tại Eva Air, có trụ sở tại Đài Loan. Cô quyết định nộp hồ sơ thi làm tiếp viên hàng không sau khi tốt nghiệp đại học.

Khi đó, cha mẹ cô khá lo lắng. Một phần vì sức khỏe của con gái, một phần vì không muốn Phương Linh phải làm việc vất vả, thậm chí có thể phải làm cả lễ Tết.

Chia sẻ với Zing về công việc này, Linh cho biết thời điểm hiện tại, cô cảm thấy đây là ngành phù hợp với tính cách.

Từ nhỏ, Phương Linh đã ước mơ trở thành tiếp viên hàng không.

"Mình thích sự mới mẻ, muốn được trải nghiệm và gặp gỡ những con người mới, đặt chân tới những vùng đất chưa bao giờ tới. Mình rất khao khát được giao lưu, kết bạn, tiếp cận với những nền văn hoá khác nhau", Linh nói.

Hành trình không dễ dàng


Tuy nhiên, để trở thành tiếp viên hàng không, Linh trải qua không ít khó khăn, thử thách.

Năm 2012, sau khi tốt nghiệp đại học, cô từ chối lời mời làm việc tại một khách sạn 4 sao.

Thời điểm đó, vì chưa có kinh nghiệm, Linh nộp hồ sơ vào hầu hết hãng hàng không đang tuyển như Vietnam Airlines, Emirates, Asiana Airlines. Thế nhưng, may mắn chưa mỉm cười, Linh bị đánh trượt ở vòng trả lời phỏng vấn.

Lần thi tuyển đầu tiên là với hãng Asiana Airlines. Ở vòng phỏng vấn, cô nhận được câu hỏi "What is your favorite color?" (Màu yêu thích của bạn là gì?).

"Lúc đó, mình có chút hụt hẫng vì nghĩ sao câu hỏi đơn giản thế này, sau thì hoang mang không biết phải trả lời thế nào. Mình lúng túng đáp 'My favorite color is blue" (Tôi thích màu xanh). Và thế là hết hy vọng", Linh ngậm ngùi.

Trước khi làm việc cho Eva Air, Linh từng thi tuyển ở nhiều hãng hàng không khác nhau.

Sau lần vấp ngã này, Linh mới nhận ra nội dung câu trả lời của bạn không quan trọng bằng cách bạn trả lời. Cô rút được kinh nghiệm để áp dụng luôn cho lần phỏng vấn với Eva Air sau đó.

Khi nhận về câu hỏi "Have you experienced an earthquake?" (Bạn đã trải qua một trận động đất bao giờ chưa?), lần này, Linh thoải mái thể hiện lại những cảm xúc từng trải qua, có sợ hãi, có bất ngờ, kèm nụ cười tươi và sự tự tin. Chính câu trả lời này đã đưa Linh đến với công việc mình yêu thích.

Ngoài ra, cô cũng đạt các yêu cầu khác về ngoại hình như có chiều cao trên 1,60 m, không bị cận, ưa nhìn, gương mặt sáng, không sẹo, không bớt, không mang dị tật, không có hình xăm.

Ngoài ra, ứng viên cần có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, thông thạo nhiều ngôn ngữ là một lợi thế.

"Sau khi nhận được thông báo trúng tuyển, mình phải tham gia khóa huấn luyện bay của hãng diễn ra trong 3 tháng. Các môn học được dạy bằng tiếng Anh. Khoá học được chia làm 2 giai đoạn, lý thuyết diễn ra trong 1 tháng, 2 tháng còn lại dành cho phần thi thực hành. Ở khóa đào tạo này, tiếp viên tương lai cần sử dụng kỹ năng, lý thuyết đã được học để vận dụng, xử lý sự cố khi gặp trên máy bay”.

Theo Linh, sau mỗi năm, để tiếp tục làm việc cho Eva Air, tất cả tiếp viên đều phải quay trở lại trung tâm đào tạo và thi đạt các môn.

"Đây là một phần khó đối với các tiếp viên vì bài thi này đòi hỏi độ chính xác đến 100%. Những đợt đào tạo như vậy không chỉ là tấm vé hành nghề mà còn liên quan đến sự an toàn của cả chuyến bay".

Phương Linh gắn bó với công việc tiếp viên hàng không được 8 năm.

Cũng như nhiều đồng nghiệp, Linh cho rằng tiếp viên hàng không là công việc không mấy dễ dàng.

“Mình thường xuyên làm việc vào ban đêm, không có giờ giấc cố định. Trung bình một ngày, tiếp viên làm việc khoảng 14 tiếng, bao gồm thời gian chuẩn bị trước khi bay cho đến khi tan ca. Ngoài ra, mình không có khái niệm cuối tuần hay lễ Tết. Đôi khi, mình tủi thân vì thấy gia đình sum vầy, còn mình lại phải xách vali lên và đi”.

Tuy nhiên, sau gần 8 năm gắn bó với công việc, Linh có cơ hội đặt chân tới nhiều nơi, tìm hiểu các nền văn hóa khác nhau. Cô gái sinh năm 1990 có nhiều bạn bè ở khắp nơi trên thế giới. Đồng thời, cô thấy bản thân trưởng thành, tuổi trẻ không bị vô nghĩa.

Bên cạnh đó, nguồn thu nhập hấp dẫn cũng là lý do khiến Linh muốn gắn bó lâu dài với công việc hiện tại.

Còn khi được hỏi sẽ làm tiếp viên đến bao giờ, Linh trung thành với đáp án duy nhất là "Đến khi sức khỏe không cho phép nữa".

Những lúc không có lịch làm việc, cô dành thời gian để chia sẻ những trải nghiệm về nghề. Linh sở hữu một fanpage chuyên giải đáp các thắc mắc cho những bạn trẻ có ước mơ trở thành tiếp viên hàng không.

"Mình muốn truyền động lực cho những người có đam mê và giúp các bạn tự tin để trở thành một tiếp viên hàng không. Ngoài ra, mình cũng kiêm luôn công việc lắng nghe tâm sự của các bạn về cuộc sống, chuyện tình cảm. Mình nghĩ những điều đó không một lớp học nào có thể làm được".

Theo  Zing