Cô gái người Dao lớn lên ở vùng đất nhiều tiềm năng dược liệu

Quản Bạ là huyện vùng cao biên giới phía Bắc của tỉnh Hà Giang, cửa ngõ của Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn. Vùng đất đẹp có nhiều dãy núi nhấp nhô quanh năm mây trắng là nơi sinh sống của 16 dân tộc anh em, chủ yếu là dân tộc Mông, Dao, Tày…

Theo khảo sát, vùng khí hậu Á nhiệt đới, thổ nhưỡng chủ yếu là các loại đất xám ở các huyện vùng cao của tỉnh Hà Giang rất phù hợp để trồng cây dược liệu và Quản Bạ là một trong những địa phương có tiềm năng và lợi thế về phát triển dược liệu.

Các dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn có nhiều kinh nghiệm trong chế biến thuốc và chữa bệnh bằng phương pháp cổ truyền, đặc biệt là dân tộc Dao.

Cô giáo người Dao Chảo Thị Lan, Trường Mầm non xã Cao Mã Pờ, huyện Quản Bạ (Hà Giang) không chỉ là Bí thư Chi đoàn giỏi mà còn là tấm gương điển hình về thực hiện phong trào khởi nghiệp từ cây thuốc quý trong cộng đồng dân tộc thiểu số.

Chảo Thị Lan sinh năm 1990, thôn Thèn Ván 1, xã Cao Mã Pờ, huyện Quản Bạ. Là người con sinh ra và lớn lên tại mảnh đất vùng biên thôn Thèn Ván 1, từ nhỏ Chảo Thị Lan đã theo cha mẹ lên nương rẫy, tiếp xúc và biết cách nhận biết các các loại cây thuốc trong rừng.

Cô giáo người Dao khởi nghiệp bằng tình yêu với bài thuốc cổ truyền - Ảnh 1.

Cô giáo người Dao Chảo Thị Lan.

Lan tâm sự "Khi còn nhỏ, em đã chứng kiến ông bà, bố mẹ đi lấy thuốc chữa bệnh cho mọi người trong nhà và những người xung quanh trong thôn. Những cây thuốc, bài thuốc cổ truyền có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống thường nhật của đồng bào dân tộc Dao ở Quản Bạ, đặc biệt là gia đình em".

Mỗi khi thời tiết thay đổi, trái gió trở trời bị ốm đau, mệt mỏi, những người bà, người mẹ sẽ lên rừng tìm hái những cây thuốc quý đem về đun một nồi thật to để cho người ốm tắm hoặc uống.

Bài thuốc tắm cổ truyền của dân tộc Dao có tác dụng nâng cao sức khoẻ và phòng tránh các bệnh sản khoa sau sinh. Và bất kỳ khi nào làm việc nhiều, đi đường xa, đau chân, đau tay, thấy cơ thể mệt mỏi, căng thẳng, nhức đầu… đều có thể tắm lá thuốc này.

Cô giáo người Dao khởi nghiệp bằng tình yêu với bài thuốc cổ truyền - Ảnh 2.

Cô được người cụ trong gia đình truyền dạy cách nhận biết nhiều cây thuốc quý.

Tấm gương khởi nghiệp từ bài thuốc tắm cổ truyền của dân tộc Dao

Năm 2010, Chảo Thị Lan đi học tại Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh và trở về công tác tại quê hương Cao Mã Pờ. Với những nỗ lực phấn đấu trong công tác chuyên môn và công tác Đoàn, Lan được bầu làm Bí thư Chi đoàn Trường Mầm non xã Cao Mã Pờ.

Hưởng ứng phong trào khởi nghiệp, ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động đời sống của Đoàn thanh niên, bên cạnh việc làm tốt công tác chuyên môn, ngoài giờ lên lớp Lan còn chịu khó tìm hiểu về các loại cây thuốc, bài thuốc cổ truyền của dân tộc mình.

Với những kinh nghiệm đã được kiểm chứng từ lúc còn nhỏ đến khi trưởng thành về hiệu quả bài thuốc tắm cổ truyền của dân tộc Dao đã khiến Lan có mong muốn được góp sức mình vào việc bảo tồn và phổ biến rộng rãi bài thuốc tắm này đến nhiều người hơn nữa, mong muốn mỗi người phụ nữ sau sinh đều được chăm sóc sức khoẻ tốt hơn.

Hàng ngày, sau giờ lên lớp Lan lại cùng người cụ trong gia đình lên rừng tìm hái lá thuốc về sơ chế từng vị thuốc và phân loại, phơi khô.

Cô giáo người Dao khởi nghiệp bằng tình yêu với bài thuốc cổ truyền - Ảnh 3.

Chảo Thị Lan đi hái thuốc.

Bài thuốc tắm của dân tộc Dao gồm có 42 vị thuốc, trong đó có các loại cây thuốc chủ lực có tác dụng tăng cường lưu thông máu, mạnh gân cốt, giảm đau nhức xương khớp; trị sổ mũi, sốt, ho; giải độc, lợi tiểu; chữa bệnh ngoài da; giúp ăn ngon, ngủ ngon…

Chảo Thị Lan cho biết, có nhiều cây thuốc quý được truyền từ đời này sang đời khác nên Lan cũng chỉ nhớ được tên gọi bằng tiếng Dao như cây Đìa ùi, có tác dụng hỗ trợ tăng cường lưu thông máu, mạnh gân cốt, hỗ trợ giảm đau nhức xương khớp, tê bì chân tay, đau lưng mỏi gối; Cây Tùng gài chạn có tác dụng hỗ trợ điều trị sổ mũi, sốt, ho, mụn nhọt; Cây Là cỏ dàn có tác dụng tốt trong việc hỗ trợ điều trị cảm lạnh; Cây Đìa siếu giúp ăn ngon miệng, ngủ ngon giấc, bổ huyết, giải độc, lợi tiểu; Cây Vàm chàn pầu có tác dụng tẩy uế, tạo thơm, hỗ trợ điều trị các chứng phong tê thấp...

Sau khi phân loại và phối hợp đúng liều lượng, bài thuốc sẽ được đóng gói để đưa đến người tiêu dùng. Mỗi gói thuốc là 1 thang thuốc đủ cho 1 lần tắm, 3 gói thuốc là 1 liệu trình. Mỗi phụ nữ sau khi sinh, vết mổ khô là tắm được và chỉ cần một liệu trình là có thể giúp phòng tránh các bệnh về sản khoa sau sinh.

Lan chia sẻ: "Ban đầu mình thấy bài thuốc tốt nên giới thiệu cho chị em đồng nghiệp, sau đó mọi người lại giới thiệu cho nhiều người khác mua về dùng. Từ đó, mọi người truyền tai nhau tìm đến mua thuốc tắm. Đến nay lượng khách hàng của Lan luôn ổn định và ngày càng tăng."

Không chỉ lên rừng hái lá thuốc, Lan còn tìm cách bảo tồn và nhân giống những cây thuốc quý bằng cách tìm những cây con mang về trồng quanh nhà. Đồng thời phổ biến, vận động những người trong gia đình, dòng họ trồng và nhân giống theo.

Sản phẩm truyền thống của dân tộc Dao là bài thuốc tắm được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao. Chảo Thị Lan cũng là tấm gương điển hình cho đoàn viên, thanh niên trong xã học tập về cách phát huy truyền thống của dân tộc gắn với phát triển kinh tế gia đình.

Cô giáo người Dao khởi nghiệp bằng tình yêu với bài thuốc cổ truyền - Ảnh 4.

Bảo tồn và phát huy bài thuốc cổ truyền của dân tộc là tâm huyết của Chảo Thị Lan.

Với tâm huyết với bài thuốc cổ truyền của dân tộc và mong muốn đóng góp phần nhỏ bé của mình với sức khoẻ cộng đồng, nỗ lực của cô giáo người Dao trên vùng cao nguyên đá Hà Giang thật đáng quý, đáng trân trọng.

Mong rằng tấm gương này sẽ lan toả, là động lực thúc đẩy nhiều thanh niên dân tộc thiểu số vươn lên khởi nghiệp, làm giàu, đóng góp cho quê hương và góp phần bảo tồn phát huy giá trị của cây dược liệu trong nền y học cổ truyền dân tộc.

Theo suckhoedoisong.vn