|
|
Cụ Bùi Thị Lại trong cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam. |
Cuộc hôn nhân 7 ngày
Năm nào cũng vậy, cứ gần đến Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7) là cụ Bùi Thị Lại (86 tuổi, trú tại huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa) lại nhờ người sắm sửa một chút quà, nhang đèn rồi rời Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng người có công tỉnh Thanh Hóa trở về quê thăm người thân thích và thắp cho người chồng đã khuất một nén nhang. Cụ ông là liệt sĩ. Do chưa rõ ngày tháng cụ ông hy sinh nên cụ Lại lấy ngày 27/7 để làm giỗ cho chồng.
Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, nhưng trong tâm trí cụ Lại vẫn chưa thể nào nguôi ngoai nỗi đau mất chồng. Chính vì lời hứa với chồng trước lúc ra trận mà hơn 60 năm trôi qua, cụ Lại không đi thêm "bước nữa" mà toàn tâm toàn ý hương khói và chăm sóc cho bố mẹ chồng. Ở Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng người có công tỉnh Thanh Hóa, cụ Lại là tấm gương sống về sự kiên trung, son sắt của người phụ nữ Việt Nam.
Cụ Lại dáng người nhỏ, lưng còng nhưng ánh mắt, giọng nói và đặc biệt là trí nhớ vẫn còn rất tinh anh. Cụ tiếp chuyện tôi tại chính căn phòng nơi cụ đang sinh sống nằm trong Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng người có công tỉnh Thanh Hóa. Căn phòng rộng hơn 20m2 này là ngôi nhà thứ hai gắn bó với cụ gần 20 năm qua. Cụ Lại đưa miếng trầu vừa têm vào miệng, khuôn mặt trầm tư một lúc như để xâu chuỗi một cách tuần tự những dữ kiện đã xảy ra trong cuộc đời mình rồi chầm chậm kể.
Năm ấy, cụ Lại vừa tròn 20 tuổi. Thời xưa, con gái 15-16 đã được gia đình rục rịch nhờ người mai mối để tính chuyện gia đình. Thế nên ở độ tuổi như cụ mà chưa có người đến "thưa gửi" đã là trễ. Cụ bảo, chẳng phải do nhan sắc gì mà bởi gia đình cụ nghèo quá. Cái nghèo khiến cụ chỉ nghĩ đến việc làm lụng quần quật để có rau cháo qua ngày chứ nào dám tơ tưởng gì đến chuyện lứa đôi.
|
|
Hạnh phúc của cụ Lại kéo dài vỏn vẹn trong 7 ngày ngắn ngủi. |
Một buổi tối, ông mối đến đặt vấn đề với bố mẹ để xe duyên cho cụ. Thời xưa, "bố mẹ đặt đâu con ngồi đấy" nên cụ Lại bằng lòng. Hai người qua lại, tìm hiểu nhau đâu đó độ gần ba năm. Trong quãng thời gian ấy, cụ Lại thêm hiểu và quý mến người đàn ông mà mình sắp lấy làm chồng. "Nhà ông ấy ở gần sân bay Sao Vàng nên bị địch rải bom tan nát hết chẳng còn gì. Tuổi ông ấy, người yêu thì nhiều nhưng người thương thì ít. Có một vài mối đến nhưng sau đó lại không nên công chuyện gì vì họ chê gia đình ông ấy nghèo quá", cụ Lại tâm sự.
Vì là đồng cảnh ngộ nên hai người dễ gắn bó với nhau. Tình thương ban đầu dần chuyển thành tình yêu rồi hai cụ quyết định đến với nhau. Đám cưới thời chiến đơn sơ với độc một mâm cơm mời một số người thân thích như để minh chứng cho hai cụ nên nghĩa vợ chồng. Tròn 7 ngày sau đám cưới, cụ ông nhận giấy gọi lên đường nhập ngũ. Khi ấy là tháng 7/1965.
Giữa thời chiến tranh loạn lạc, khi lên đường nhập ngũ, ai cũng phải sẵn sàng đối mặt với sự hy sinh. Biết thế, nên trước ngày lên đường, cụ ông có nắm tay cụ Lại nhắn gửi: "Anh ra chiến trường, nhờ em ở nhà chăm sóc bố mẹ. Nếu như chẳng may anh không về thì em "đi thêm bước nữa" kẻo nỡ dở tuổi xuân". "Nghe ông ấy nói vậy, tôi muốn khóc ngay lúc đó nhưng lại sợ ông ấy không an lòng nên nhắn lại rằng anh cứ yên tâm chiến đấu, nếu như anh có mệnh hệ gì thì em sẽ ở vậy thay anh chăm sóc bố mẹ", cụ Lại chia sẻ.
Những năm tháng sau đó, cụ Lại thay chồng gánh vác việc nhà, chăm nom cho bố mẹ hai bên và chờ mong ngày được đoàn tụ cùng chồng. Thế nhưng, một năm, hai năm… cụ Lại càng ngóng trông thì tin tức về chồng đều là con số không. Cụ Lại bảo, khi ấy, cứ có đơn vị bộ đội nào di chuyển qua sân bay Sao Vàng, cụ đều đến dò hỏi thông tin về chồng nhưng tuyệt nhiên không có.
Đến khi đất nước hoàn toàn giải phóng, lần đầu tiên cụ Lại nhận được tin tức của chồng. Tuy nhiên, đó lại là tờ giấy báo tử khô khốc thông báo cụ ông đã hy sinh tại chiến trường Tây Ninh. "Trong trận càn của địch, ngoài ông ấy, 11 chiến sĩ khác của ta cũng đã hy sinh", cụ Lại buồn rầu kể.
Mong ước cuối đời của vợ liệt sĩ
Khi biết chồng hy sinh, cụ Lại rơi vào tình trạng đau khổ, tuyệt vọng nhưng để hoàn thành lời hứa với chồng trước lúc ra trận, cụ nén đau thương, toàn tâm toàn ý thay chồng chăm sóc bố mẹ. Thương con dâu, đã có nhiều lần bố chồng động viên, khuyên cụ Lại đi thêm bước nữa để khi về già có người nương tựa nhưng cụ đều gạt đi.
Sau này, khi bố mẹ chồng đều qua đời, có nhiều người đến hỏi muốn xe duyên nhưng cụ Lại đều thẳng thừng từ chối và quyết định ở vậy để chăm lo cho người em chồng. Đến năm 68 tuổi, thương hoàn cảnh cụ Lại, một người cháu đã làm thủ tục đưa cụ vào Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng người có công tỉnh Thanh Hóa để được chăm sóc lúc tuổi già.
Những ngày tháng ở trung tâm, dù được chăm sóc rất tốt về vật chất cũng như tinh thần nhưng không lúc nào cụ Lại khôn nguôi nỗi nhớ quê nhà. Chẳng thế mà cứ đến ngày giỗ bố mẹ hai bên, ngày vui hạnh phúc của các cháu, cụ Lại đều bắt xe buýt về lo toan đầy đủ mọi thứ rồi lại bắt xe lên trung tâm.
|
|
Những năm tháng cuối đời, cụ Lại hy vọng sẽ được vào thăm và đưa hài cốt của chồng về quê. |
Cụ Lại bảo bản thân đã đi được gần hết cuộc đời nhưng có một mong ước mà đến tận bây giờ cụ vẫn chưa thực hiện được đó là đến thăm và đưa hài cốt của chồng về với quê cha, đất tổ. "Ông ấy hy sinh ở chiến trường Tây Ninh, sau này, họ hàng có đi tìm và biết được nơi ông ấy đang an nghỉ. Tôi mừng lắm, nhờ người làm hết thủ tục để đưa ông ấy về. Tuy nhiên, khi ngày đi đã sẵn sàng thì dịch Covid-19 ập đến. Tôi buồn lắm nhưng biết làm sao được", cụ Lại tâm sự.
Khi dịch bệnh qua đi, một lần nữa cụ Lại chuẩn bị vào đưa chồng về thì biến cố gia đình ập đến khi người cháu (con em trai chồng cụ Lại - PV) đột ngột qua đời. Cũng kể từ đó đến nay, mọi giấy tờ, thủ tục cụ Lại vẫn giữ nhưng chưa có dịp để vào thăm và đưa chồng về.
Màn đêm dần buông xuống khuôn viên Trung tâm Chăm sóc, nuôi dưỡng người có công tỉnh Thanh Hóa, cụ Lại chắp tay, miệng khe khẽ đọc một câu kinh Phật như để cầu nguyện một điều gì đó. Cụ lại nghẹn ngào: "Sức khỏe tôi vài năm trở lại đây đã xuống lắm rồi. Chưa thăm và đưa được ông ấy về khiến tôi day dứt mãi. Bây giờ, nếu ông ấy trở về được thì tôi cũng xin phép rời trung tâm về nhà để nhang khói cho chồng. Sau này, nếu tôi có mệnh hệ gì, tôi cũng chỉ mong được ở gần ông ấy trên chính mảnh đất quê hương mình. Thế nhưng, bao nhiêu năm rồi, bao lần lỡ dở, tâm nguyện đó của tôi cũng chưa thực hiện được".
Nguyễn Văn Duẩn