Chị Ây Sa tham gia tư vấn pháp luật và gắn bó với công tác Hội 23 năm

 

Năm 1993, chị Ây Sa tham gia sinh hoạt Hội LHPN phường 1. Thời gian sau, chị được bầu làm Chi hội phó khu phố 2 - nơi có hơn 200 hộ gia đình người Chăm sinh sống. Chị chia sẻ: “Vì là người dân tộc thiểu số nên trình độ học vấn của nhiều chị em còn hạn chế, hiểu biết về chính sách, pháp luật chưa cao, dẫn đến bị thiệt thòi, nhất là khi vướng vào các vụ ly hôn có tranh chấp tài sản, bạo hành gia đình, hỗ trợ vay vốn làm ăn... Đó chính là điều mà tôi luôn trăn trở”.

Bởi thế, mỗi khi Hội LHPN các cấp có tổ chức các lớp tập huấn về tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chị Ây Sa luôn là người hăng hái tham gia đầu tiên. Các tài liệu trong các Hội thi “Phụ nữ với pháp luật”, thi tìm hiểu về “Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình” và vô số các chính sách của Nhà nước có liên quan mật thiết với chị em phụ nữ, đều được chị Ây Sa tìm hiểu, nghiên cứu rất kỹ lưỡng. Tại các hội thi có nội dung liên quan đến pháp luật, chị Ây Sa luôn là “Nữ luật gia”, giúp Hội LHPN phường 1, quận 8 giành được nhiều giải thưởng cao.

Mấy chục năm làm công tác Hội, ngày nào chị Ây Sa cũng đi khắp xóm để nắm bắt tình hình đời sống của từng hội viên. Khi thì phát tờ rơi phổ biến về các Thông tư, Nghị định, Chính sách nhà nước; lúc thì nói chuyện về việc kế hoạch hóa gia đình, hòa giải ly hôn, trợ cấp vốn cho hội viên… Chị chia sẻ: “Do các điều khoản về luật còn rất khô khan nên muốn tuyên truyền pháp luật đến chị em thành công, phải thật kiên trì và bền bỉ. Bênh cạnh đó cần đưa nội dung pháp luật thành những câu chuyện có thật trong đời sống để giúp mọi người dễ hiểu hơn. Vì vậy mà tôi đã hàn gắn hôn nhân cho hàng chục cặp vợ chồng, giải quyết vô số vụ bạo hành gia đình xuất phát từ việc thiếu hiểu biết về pháp luật”.

Chị Ây Sa kể: “Nhiều ông chồng vô tư “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân” vì cho đó là “chuyện riêng”, còn người vợ thì cam chịu vì nghĩ “số mình nó khổ”. Tôi phải giải thích hành động vũ phu là vi phạm pháp luật, rồi phối hợp với cơ quan công an để răn đe, chấn chỉnh. Nhờ vậy mà tình trạng bạo hành gia đình trong khu phố giảm đáng kể do người dân đã biết luật nhiều hơn”.

Trước thực trạng ở khu vực còn nhiều trẻ em tham gia lao động sớm, có em phải bỏ học, chị Ây Sa đã đến từng nhà thuyết phục người thân cho các em theo học lớp bổ túc, rồi xin tập vở tặng các em. Một số gia đình người Chăm chưa hiểu luật thì chị lại tận tình hướng dẫn từ việc làm giấy khai sinh, thủ tục nhập học đến việc hỗ trợ hội viên vay vốn làm ăn

Chính hiệu quả của lần tư vấn thành công đã giúp không ít phụ nữ Chăm trong khu vực có thêm kiến thức pháp luật bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho mình, góp phần phòng ngừa, và hạn chế những tranh chấp và vi phạm pháp luật trên địa bàn dân cư. Chị Ây Sa bộc bạch: “Niềm vui lớn nhất của tôi là được nhìn thấy những chị em hội viên mình tư vấn có sự thay đổi tích cực về nhận thức, hành vi, từng bước khẳng định vị trí của mình trong gia đình cũng như ngoài xã hội”.

Phụ nữ Việt Nam