+ Theo Trang, đâu là những thách thức đối với nữ giới trong ngành bảo tồn động vật hoang dã?
Ngay từ khi còn học phổ thông, mỗi lần Trang bộc bạch ước muốn làm ngành bảo tồn động vật hoang dã, thầy cô và bạn bè đều cười chê, cho rằng điều đó thật viển vông. Bố mẹ Trang cũng không muốn Trang theo công việc này, thậm chí luôn khuyên con đổi nghề để an nhàn và an toàn hơn. Một người con gái đi vào rừng và làm việc với những người kiểm lâm, đối mặt với lâm tặc và những tội phạm buôn bán sản phẩm từ động vật hoang dã… Hình ảnh này với nhiều người được cho là ở trong phim.
Vì là con gái, nên những người nghiên cứu đi thực địa như Trang được khuyên nên uống thuốc tránh thai để tránh những bất tiện trong điều kiện không có nhà vệ sinh và nước sạch. Họ bảo, nếu có chuyện không hay xảy ra trong đó thì ít ra Trang vẫn được "bảo vệ" bằng cách này. Tuy nhiên, nữ giới trong ngành bảo tồn động vật hoang dã cũng có lợi thế riêng. Khi cần cải trang để tiếp cận đối tượng buôn bán sản phẩm từ động vật hoang dã, nữ giới thường ít bị nghi ngờ và lấy được nhiều thông tin hơn.
+ Vậy theo bạn, làm thế nào để xóa bỏ định kiến với ngành này, cũng như để có môi trường an toàn cho phụ nữ theo đuổi ngành bảo tồn động vật hoang dã?
Khi mình thực hiện cuốn sách "Chang hoang dã - Gấu", họa sĩ Zet Dung góp ý là nhân vật chính nên là con trai vì nếu nhân vật chính là con gái sẽ rất ít người đọc. Bạn ấy đưa Doraemon ra là ví dụ để thuyết phục mình nhưng mình nhất định không chịu. Một phần bởi vì "Chang hoang dã - Gấu" dựa trên những câu chuyện có thật, sự kiện có thật, nhân vật có thật. Nhưng điều quan trọng hơn, mình thấy đã có quá nhiều sách với nhân vật chính là bé trai, có quá nhiều sách dành cho các cô bé với nội dung "công chúa" chờ đợi hoàng tử đến cứu, có quá nhiều sách dạy các cô bé phải "ngoan". Thông qua "Chang hoang dã - Gấu", mình muốn nhắn gửi đến các cô bé, và các ông bố, bà mẹ rằng: Các cô bé cũng có cá tính ngất trời. Các cô bé cũng có những ước mơ cực kỳ vĩ đại và lớn lao. Các cô bé cũng có sức mạnh vô song để biến mơ ước của mình thành sự thật. Các cô bé cũng có thể trở thành nhà khoa học, nhà du hành vũ trụ, thành kỹ sư, giáo sư Toán, thành nhà bảo tồn động vật hoang dã, thành những nhân vật vĩ đại trong lịch sử. Vậy, người lớn chúng ta đừng gò ép các cô bé vào một bóng mây màu hồng mà hãy để bé gái được phát triển cá tính và theo đuổi điều mình mong ước.
Nhiều dự định trong năm mới
+ Xa nhà từ khi là một cô gái 18 tuổi, cái Tết xa xứ nào khiến Trang nhớ nhất?
Tết đầu tiên xa nhà có lẽ là cái Tết xa xứ nhớ nhất và buồn nhất. Lúc đó mình chỉ muốn chạy về nhà với bố mẹ. Tết trong Trang là khoảng thời gian được quây quần cùng gia đình, ăn món truyền thống mẹ nấu và tắm lá mùi.
+ Dự định năm mới của bạn là gì?
Năm mới, Trang có rất nhiều dự định cho Trung tâm Hành động vì động vật hoang dã WildAct, với những dự án mới về bảo tồn chim di cư, các khóa học nâng cao năng lực cho giới trẻ tham gia công tác bảo tồn và nhiều các hoạt động bảo tồn khác. Trang hy vọng năm 2022 thế giới sẽ kiểm soát được dịch Covid-19 và thực sự sau 2 năm dịch bệnh hoành hành, Trang chỉ cầu chúc cho mọi người thứ quý giá nhất, đó là sức khỏe.
- Tháng 11/2017, Trang Nguyễn có mặt trong Top 5 mục "Cống hiến xã hội" của Giải thưởng "The Women of Future" khu vực Đông Nam Á.
- Năm 2018, cô nhận giải "Chiến binh Xanh" do Elles Vietnam bình chọn. Cô cũng giành Giải thưởng "Future for Nature" cho các nhà bảo tồn động vật hoang dã quốc tế, lọt vào danh sách 30 Under 30 Forbes Vietnam và Women of the Future - South East Asia.
- Cô là Đại sứ cho quỹ United for Wildlife của Hoàng gia Anh là người sáng lập và điều hành tổ chức WildAct tại Việt Nam. |
Giáng Ngọc (Thực hiện)