Phó giáo sư Nguyễn Thị Hòe ở tuổi 72 vẫn miệt mài nghiên cứu các tính năng mới cho sơn.


Vừa từ Singapore về nước tham dự Triển lãm chân dung những nhà khoa học, bà Nguyễn Thị Hòe tất bật với nhiều lịch hoạt động gặp gỡ, xen kẽ lịch làm việc với hãng sơn chi nhánh Hà Nội. Khó tin ở tuổi 72, người phụ nữ này vẫn dành nhiều tiếng lao động mỗi ngày.

"Trong thời gian tới tôi sẽ kết hợp với một số đối tác trong và ngoài nước làm sản phẩm sơn chống đạn. Tôi cũng đang kết hợp với các cơ quan chức năng làm áo chống cháy, hy vọng trang bị áo chống cháy đến từng gia đình", bà Hòe tiết lộ.

Phó giáo sư Nguyễn Thị Hoè từng nhận giải thưởng Kovalevskaia vào năm 1993, có tên trong danh sách 1.000 phụ nữ được đề cử Nobel năm 2005, bà hiện là chủ tịch tập đoàn sơn Kova - tập đoàn có 10 nhà máy, 12 công ty và 7 phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, điều bà tự hào nhất là "3 con đi theo nghiệp của mẹ. Tôi để lại cho chúng một cơ ngơi, giờ không cần lo lắng về tiền bạc, mà làm việc với sự say mê nghề nghiệp và nhu cầu xã hội", bà nói.


Con đường lập nghiệp của cô sinh viên Nguyễn Thị Hoè khác số đông. 
Kết hôn sớm, tới năm 20 tuổi khi vào Đại học Bách khoa Hà Nội, Nguyễn Thị Hoè phải đèo bồng theo 3 con lên giảng đường. Giờ nhớ lại những ngày ấy, bà vẫn không quên được hình ảnh mình ôm con 9 tháng trên bàn học, bé hơn một tuổi bò dưới gầm bàn và con cả 3 tuổi thì thập thò ngoài cửa.

"Thật sự phải cảm ơn thầy giáo rất nhiều vì cho bế con vào lớp. Có hôm tan học thấy hai con trai đang chạy dưới ruộng, bùn khắp người. Tôi ở bờ ruộng bên này lùa bắt con, thấy thầy giáo đang đi bờ ruộng bên kia liền gọi 'Thầy ơi, bắt hộ thằng bé cho em", bà bồi hồi nhớ lại.

Ngày đó chồng bà Hoè làm cán bộ, bận bịu không phụ giúp được vợ. Sau giờ học, cô sinh viên ngành Hoá hữu cơ phụ đạo cho các bạn cùng lớp đổi lấy ngô, còn chăn nuôi thêm lợn, gà. Không có dầu thắp sáng, người mẹ mày mò làm pin nước sáng bừng cả căn lều tranh. Hình ảnh bốn mẹ con bà Hoè từng được Đài truyền hình Hà Nội ghi lại trong bộ phim 'Một mái nhà tranh, bốn trái tim cùng chung năm học' vào năm 1967. 

Bà Hòe từng đi Mỹ với chỉ 500 đôla năm 2000 để học hỏi công nghệ và hợp tác về sơn. Trong ảnh, tập đoàn Titan Tool của Mỹ mời bà Hòe chia sẻ những thành quả nghiên cứu của mình

Nghèo khó đã hun đúc nên niềm say mê nghiên cứu khoa học để thoát nghèo trong cô sinh viên này. Hết hai năm đại học, Hoè được bổ nhiệm vào lớp giảng viên. Khi ra trường năm 1971, bà giảng dạy tại Đại học Bách khoa Hà Nội, sau đó là Đại học Cần Thơ và đến 1986 là Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh. Trong thời gian này, bà thường ứng dụng các phát minh của mình để kiếm sống, như thuốc chống ọc sữa, làm xà phòng từ dầu dừa...

Hồi đó, đất nước mới thống nhất, nhà nào cũng chỉ mong đủ ăn đủ mặc. Bà Hoè và các con ở trong một căn phòng phải căng áo mưa chống dột. "Có đêm mưa nặng hạt đến mức áo mưa không trụ được rớt cái bịch xuống. Khi đó tôi nghĩ đến việc làm ra một loại sơn chống thấm để không còn lo dột nữa", bà nói về những ngày sơ khai trên con đường nghiên cứu ứng dụng sơn.

Sau hơn 5 năm, tới 9/1993, nhờ đề tài nghiên cứu về sơn chống thấm và nhiều thành tựu trong lĩnh vực này, Nguyễn Thị Hòe được trao tặng giải thưởng Kovalevskaia tại Mỹ. Sau chuyến đi đó, bà dấn thân vào con đường kinh doanh. 

Những năm đầu lập nghiệp, mỗi chuyến ra nước ngoài của bà Hòe là một lần "liều". Như năm 2000 sang Mỹ tìm đối tác, bà phải bán cả xe máy cũng chỉ gom được 500 đôla. Hành trang mang theo ngoài số tiền ấy là một thùng mỳ tôm. "Tôi đã có lúc phải ngủ tại sân bay, ăn mỳ gói qua ngày", bà Hoè kể.

Ngôn ngữ cũng là một rào cản rất lớn. Bà vẫn nhớ một lần đói, muốn xin nước sôi ăn mỳ tôm, nhưng trong chốc lát không thể nhớ được từ nước sôi bằng tiếng Anh. "Tôi giơ gói mỳ ra với nhân viên khách sạn, nhưng họ không hiểu. Tôi lục tung từ điển cũng không ra được từ mình cần. Tận lúc thấy một vị khách cầm bát mỳ bốc khói, tôi mới nghĩ ra", bà cười kể. Giờ thì, bà có thể phát biểu bằng tiếng Anh hàng tiếng trong lĩnh vực của mình, nhưng đôi khi những câu giao tiếp hàng ngày của trẻ con bà cũng không hiểu.


Từng bước thương hiệu của bà khẳng định vị trí. Năm 2013, bà Hoè gây tiếng vang khi công bố kết quả nghiên cứu mới nhất về các loại sơn nano được làm từ... vỏ trấu, như sơn tự làm sạch, sơn kháng khuẩn, sơn chống cháy...

Ở tuổi thất thập, bà Hòe có một số vấn đề về sức khỏe, cũng hay quên tên, quên số điện thoại, nhưng các phương trình phản ứng thì không. Trong căn nhà gần công viên Lê Thị Riêng (Quận 10, TP HCM), bà bố trí hai phòng thí nghiệm và gần như dành hầu hết thời gian cho nghiên cứu.

Người phụ nữ 72 tuổi kể, một ngày thông thường của bà bắt đầu từ 9h sáng và kết thúc lúc nửa đêm, sau khi ghi lại kết quả thí nghiệm. "Nhiều hôm đang lơ mơ ngủ tôi nghĩ ra phương trình phản ứng, hoặc phát kiến ý tưởng lại bật dậy", sự say mê sáng bừng trên khuôn mặt bà khi nói.

Ba người con từng theo mẹ lên giảng đường năm xưa, sau này cũng trở thành những giảng viên, nhà khoa học. Những năm gần đây, họ chuyển về quản lý tập đoàn sơn của mẹ.

Tại triển lãm Chân dung những nhà khoa học nữ đang diễn ra tại Bảo tàng Hà Nội, PGS Nguyễn Thị Hoè được đánh giá là chân dung nhà khoa học hiếm hoi làm giàu được từ chính những nghiên cứu của mình. Bà Nguyễn Thị Hồi - phó chủ tịch Hội nữ tri thức Việt Nam nhận xét: "Chị Hoè là điển hình từ chỗ khó khăn mà thành công. Chị Hoè là người 3 trong 1: nghiên cứu ra, sản xuất được và bán hàng rất thành công. Chị là người không bao giờ dừng lại".

Anh Nguyễn Duy - cháu trai của bà Hòe - chia sẻ, bà là người truyền cảm hứng không chỉ với các thành viên trong gia đình mà cả nhân viên công ty. Cá nhân Nguyễn Duy - giám đốc Kova Trading, người được Forbes Vietnam bình chọn vào danh sách 30 nhân vật tiêu biểu dưới tuổi 30 năm 2018 - đã có nhiều thời gian sinh trưởng, chịu ảnh hưởng trực tiếp từ bà.

"Khoảng thời gian du học ở Singapore tôi hay qua sống cùng bà. Dù là người lãnh đạo tập đoàn, bà vẫn giữ lối sống tiết kiệm. Sáng sớm, bà đi siêu thị mua đồ về nấu cơm, hai bà cháu cùng ăn. Bà mang cơm đó đến công ty, không chỉ cho bà mà còn vài người nữa cùng ăn. Dù giờ đã đầy đủ rồi nhưng bà không có nhu cầu tiêu gì, chỉ biết nghiên cứu thôi", Nguyễn Duy nói.

PGS Nguyễn Thị Hoè là người sáng lập ra giải thưởng Kova khuyến khích các nhà khoa học và các công trình nghiên cứu được ứng dụng, những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn học giỏi, đam mê khoa học. Giải thưởng Kova năm thứ 16 sẽ được diễn ra vào tháng 11 tới tại Trung tâm hội nghị quốc gia.

Theo VNExpress