'Em bé Napalm' Kim Phúc kết thúc chữa da sau 50 năm
Cập nhật lúc 08:39, Thứ bảy, 02/07/2022 (GMT+7)
Phan Thị Kim Phúc được điều trị da lần cuối tại một bệnh viện ở Miami tuần này, 50 năm sau khi bà bị bỏng trong vụ đánh bom napalm.
Trải qua nhiều đau đớn do vết thương chiến tranh để lại, Kim Phúc (hiện 59 tuổi) tìm đến một số phương pháp điều trị và ghép da vài năm qua. Biết về câu chuyện của "em bé Napalm", bác sĩ Jill Zwaibel ở Miami đồng ý chữa miễn phí cho bà từ năm 2015 đến nay. Kim Phúc nhận đợt điều trị da cuối cùng hôm 28/6 tại Viện Da liễu & Laser Miami.
Kim Phúc nổi tiếng sau khi được nhà báo Nick Út chụp ảnh ngày 8/6/1972, khi đang vừa chạy vừa khóc vì bị bỏng sau cuộc đánh bom napalm ở Trảng Bàng. Lúc đó, Kim Phúc mới 9 tuổi, quần áo của bà bị thiêu rụi và bị bỏng độ ba khắp cơ thể.
Sau khi chụp ảnh, Nick Út cùng một số nhà báo có mặt ở hiện trường đã đưa Kim Phúc và các trẻ em bị thương khác đến bệnh viện tại Sài Gòn. Tuy nhiên, các bác sĩ nói rằng Kim Phúc không thể qua khỏi. "Ngay cả bác sĩ cũng bảo cô bé sẽ chết, không thể nào sống được", Nick Út kể với CBS. "Tôi xin họ ba lần, họ đều nói không. Sau cùng, tôi phải cầm thẻ truyền thông của mình và nói 'Nếu con bé chết, bức ảnh của tôi sẽ ở trên trang nhất của mọi tờ báo'. Lời tôi nói làm họ lo lắng và lập tức đưa cô bé vào trong".
Sau hơn một năm nằm viện và gần 20 cuộc phẫu thuật, Kim Phúc mới được xuất viện. Nhưng phải mất thêm gần 10 năm và vài cuộc phẫu thuật nữa, bà mới có thể đi lại bình thường. Nỗi đau tột cùng về cả thể xác lẫn tinh thần khiến Kim Phúc từng suýt tự tử.
Đến nay, Kim Phúc vẫn giữ liên lạc với nhiếp ảnh gia Nick Út - người mà bà coi như ân nhân cứu mạng. Họ thường xuyên gọi điện thoại cho nhau. "Em bé Napalm" gọi Nick Út là "chú Út", và ông cũng coi bà như con gái.
Kim Phúc nói trên tờ New York Times: "Song, có đôi lúc tôi cũng thấy ghét ông ấy. Ở tuổi mới lớn, tôi rất ghét bức ảnh đó. Tôi nghĩ 'Mình là một cô bé, lại còn đang khỏa thân. Tại sao chú ta lại đi chụp? Tại sao bố mẹ không bảo vệ mình? Tại sao chú ta lại in bức ảnh đó ra? Tại sao mình là đứa trẻ duy nhất không mặc gì trong khi các anh chị em trong ảnh đều mặc quần áo?'. Tôi đã cảm thấy vô cùng xấu hổ".
Nhưng 50 năm trôi qua từ khi xuất hiện với bộ dạng trần truồng vì trúng bom napalm trong bức ảnh của Nick Út, Kim Phúc hiện lại thấy biết ơn vô cùng và nhận ra mình không còn là nạn nhân chiến tranh. "Rồi tôi nhận ra: 'Bức ảnh đó đã trở thành một món quà mạnh mẽ và tôi có thể sử dụng nó làm việc vì hòa bình, bởi tôi không thể thoát khỏi nó. Bây giờ, tôi có thể nhìn lại và đón nhận nó... Tôi rất biết ơn vì chú Út có thể ghi lại khoảnh khắc lịch sử này cũng như nỗi kinh hoàng của chiến tranh. Điều có thể thay đổi cả thế giới. Và khoảnh khắc đó đã thay đổi thái độ, niềm tin trong tôi, rằng tôi có thể tiếp tục nuôi ước mơ của mình để giúp đỡ người khác", bà nói.
Theo ngoisao.vnexpress.net