leftcenterrightdel
 Vũ Mai Khanh hiện đang là Lái phụ bay bằng máy bay Airbus A350 (Đoàn bay 919 - Vietnam Airlines). (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Nghề phi công rất vất vả và rất ít người có thể theo đuổi được giấc mơ bay trên bầu trời. Ấy vậy, một cô gái trẻ với quyết tâm, khát khao nối nghiệp cha đã và đang viết tiếp giấc mơ điều khiển “chim sắt” chinh phục bầu trời.

Giấc mơ bay từ thuở bé

Dáng người mảnh khảnh nhưng rắn chắc, cô gái trẻ Vũ Mai Khanh, sinh năm 1997, hiện đang là nữ phi công “Lái phụ bay bằng" máy bay Airbus A350 (Đoàn bay 919 - Vietnam Airlines).

Học khoa Quan hệ công chúng của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, sau khi ra trường cùng với niềm đam mê bầu trời, cánh bay từ nhỏ qua các câu chuyện của bố là phi công quân sự, Khanh quyết tâm tiếp nối truyền thống gia đình với nghề phi công.

“Hồi bé mỗi lần khoe bố làm phi công thì bạn bè rất trầm trồ ngưỡng mộ. Khi tiếng máy bay rền vang trên bầu trời Hà Nội, em biết đó có thể là bố mình đang cầm lái trên đó nên đã rất thích thú. Những trải nghiệm này không chỉ tạo ra sự thân thuộc với không gian trên bầu trời mà còn kích thích mình học hỏi và khám phá nhiều hơn về lĩnh vực này,” Khanh chia sẻ.

Nhớ về quãng thời gian chập chững vào nghề bay, cô gái này bảo đó là những ngày vất vả, đối diện nhiều áp lực và vượt qua thử thách giới hạn bản thân.

Để trở thành một phi công bay thương mại, quy trình đào tạo đòi hỏi người học phải trải qua nhiều bước kiểm tra và đánh giá khắt khe tại Việt Nam. Học viên phải đi học 3 tháng trong môi trường quân đội ở Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), rèn luyện theo các chế độ từ ăn đúng bữa, ngủ đúng giờ; rèn luyện thể lực, sau đó tập thử các vòng xoay để kiểm tra tiền đình… rồi mới được cử đi học chuyên sâu ở nước ngoài kéo dài 18 tháng với khối lượng kiến thức khổng lồ bao gồm: các khóa học cơ bản về hàng không, an toàn bay, an ninh hàng không, tự điều khiển máy bay…

Tiếp đến, học viên chính thức tham gia chương trình huấn luyện chuyên sâu về loại máy bay mà họ sẽ lái tại Trung tâm Huấn luyện Bay (FTC).

“Phi công đam mê bay hay không thì phải lên chuyến bay đầu tiên cất cánh trên bầu trời mới có thể cảm nhận hết được. Trước khi sang Australia một tháng, bản thân mình đã được tiếp cận các tài liệu cơ bản như khí tượng, khí động lực học, kiến thức vật lý hàng không do chính bố chỉ bảo để đỡ bị ngợp do kiến thức hoàn toàn khác khi mình học... Mình cảm thấy rất may mắn khi có một người cha - cũng chính là người thầy đầu tiên ở nhà dạy cho mình,” Khanh nói.

leftcenterrightdel
Vũ Mai Khanh chia sẻ áp lực lớn nhất của nghề phi công là đảm bảo chuyến bay an toàn từ khi cất cánh đến khi hạ cánh. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+) 

Bước vào theo nghề phi công, trong đầu cô luôn suy nghĩ lúc nào cũng phải “Học, học nữa và học mãi” bởi mỗi chuyến bay đều là buổi thu nạp kiến thức, kinh nghiệm, quản lý chuyến bay, giữ an toàn, kể cả cách cân bằng cuộc sống khi đi ra nước ngoài.

“Nghề phi công không phải chỉ mỗi học để hiểu mà còn là học để nhớ, không được phép quên và kiến thức được tích lũy qua thời gian chứ không mai một. Phi công phải kiểm tra năng định 6 tháng/lần để đảm bảo có những chuyến bay an toàn. Dù máy bay mới có máy móc hiện đại nhưng chỉ giảm lượng công việc lớn trong buồng lái mà không thể thay thế được phi công,” nữ phi công này giãi bày.

Áp lực lớn nhất của nghề phi công là đảm bảo chuyến bay an toàn từ khi cất cánh đến khi hạ cánh. Với nhiều quy trình xử lý tình huống khẩn nguy, vì vậy, Khanh quả quyết 100 phi công cầm lái đều phải rèn phản ứng như nhau trong cùng một tình huống để giảm tối đa sai sót yếu tố của con người. Khi đó, người ngồi cạnh sẽ biết phi công đang làm gì do cả hai đều được đào tạo phương thức kiểm soát và thống nhất về kỹ năng kiến thức xử lý các tình huống khẩn nguy.

Tự hào khi tiếp bước chân cha

“Lúc đầu Khanh xin đi học bay, tôi không chắc chắn 100% em có thể theo được bởi chỉ khi vào huấn luyện bay mới biết được là chắc chắn thích hay không, có bay được không. Là một người cha, tôi cảm thấy thương con bởi nghề này rất vất vảvà nhiều áp lực,” Đại tá Vũ Tiến Dũng, nguyên Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Không quân 918 (Quân chủng Phòng không-Không quân) bồi hồi nhớ lại khi lật giở từng bức ảnh và dòng tin nhắn giữa hai cha con.

Những ngày đầu con gái sang xứ người học, Đại tá Dũng luôn gọi điện động viên, hỏi thăm tình hình và đưa ra lời khuyên tới con: “Nếu trong mấy tuần đầu thấy không thích, bị áp lực thì có thể về.”

leftcenterrightdel
Đại tá Vũ Tiến Dũng, nguyên Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Không quân 918 (Quân chủng Phòng không-Không quân) chụp ảnh cùng con gái - nữ phi công Vũ Mai Khanh. (Ảnh: PV/Vietnam+) 

Tuy nhiên, hơn 10 ngày học bay, Khanh có gọi điện về và cương quyết nói: “Ba mẹ có sang đây bắt về con cũng không về và sẽ quyết tâm hoàn thành chương trình học huấn luyện bay từ lý thuyết đến thực hành."

Là phi công quân sự có khác một số tiêu chuẩn và điều kiện cũng như kiến thức so với phi công hàng không dân dụng, ngay thời gian đầu tiên theo học, chú Dũng cũng chỉ bảo cho con một số kiến thức, khái niệm chung của ngành hàng không; truyền đạt cách rèn luyện sức khỏe, ý thức tính kỷ luật; cách xử lý khắc phục các lỗi kỹ thuật bay ban đầu bay cơ bản thường hay mắc phải.

“Khanh học nhanh và không bị vượt giờ so với giáo trình đưa ra, cũng có thể một phần em thừa hưởng gen bay của tôi. Tôi rất tự hào bởi em là con gái, lại vào nghề phi công mà ngày xưa cánh nam giới phải nỗ lực kiên trì, chịu sự vất vả mới có thể bám trụ,” Đại tá Dũng giãi bày.

Trong quá trình huấn luyện học viên, cả hai bố con đều đúc kết 4 chữ “K” là điều rất quan trọng với phi công đó là kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, kỷ luật. Tuy nhiên, tính kỷ luật là yếu tố quan trọng nhất.

Khi ai đó nhắc đến bố, đôi mắt ánh lên đầy sự tự hào, Khanh nhoẻn nụ cười tươi rói và nói: “Trong quân đội, đào tạo một phi công là cực kỳ khủng khiếp từ trí tuệ, sức khỏe. Những tác phong của các phi công trước kia luôn là hình mẫu để thế hệ trẻ ngày nay học theo.”

leftcenterrightdel
 Những thế hệ phi công trẻ như Khanh sẽ viết tiếp truyền thống hào hùng vẻ vang của Đoàn bay 919 của Vietnam Airlines. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Đứng trong hàng ngũ Đoàn bay 919, hàng ngày khi đi huấn luyện với các thầy, Khanh đều được dạy kiến thức, kinh nghiệm trau dồi qua nhiều năm nên rất tự hào khi được truyền đạt kinh nghiệm, kế thừa từ các thế hệ đi trước để tiếp nối truyền thống hào hùng lịch sử của Đoàn bay 919 thuộc Trung đoàn Không quân vận tải. Sau này khi tách ra, một số phi công quân sự cũng đã chuyển hướng sang bay dân dụng và tạo tiền đề cho ngành Hàng không dân dụng Việt Nam hiện nay.

Sắp đến dịp kỷ niệm 65 năm xây dựng và phát triển (1/5/1959-1/5/2024) Đoàn bay 919, tại buổi gặp gỡ, những phi công trẻ như Khanh sẽ lại được nghe những câu chuyện về biết bao mồ hôi, xương máu, sức lực và trí tuệ của nhiều thế hệ phi công, cán bộ nhân viên đã đổ xuống, như một nguồn động lực tinh thần quý giá cho thế hệ hiện tại và kế tiếp nỗ lực vươn theo để giữ vững trang sử hào hùng của đơn vị./.

Theo vietnamplus