Từ nhiều năm nay, Hợp tác xã (HTX) Thủ công mỹ nghệ Trái tim hồng tại thôn Gò Sỏi (xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội) đã trở thành ngôi nhà chung, là mái ấm tình thương của nhiều người khuyết tật, giúp họ có thêm nghị lực để sống và lao động.
Không khí làm việc tại khu nhà xưởng rộng gần 200 m2, gồm khu vực sản xuất nguyên liệu và khu chế tác các mặt hàng thủ công mỹ nghệ bằng hạt gỗ hương luôn rộn ràng. Ai cũng cố gắng làm thật tốt công việc, để đáp lại sự tận tụy và những ân tình của người đứng đầu mái ấm - chị Đinh Thị Quỳnh Nga, vốn cũng là một người kém may mắn giống họ.
Lý do gì khiến chị quyết tâm thành lập HTX Thủ công mỹ nghệ “Trái tim hồng”, mái ấm dành cho những người khuyết tật?
HTX Thủ công mỹ nghệ Trái tim hồng chính thức thành lập vào đầu năm 2015, nhưng mô hình hoạt động đã hình thành trước đó nhiều năm. Vốn là một người khuyết tật (chị Nga bị liệt mềm chân trái từ nhỏ - PV), nên tôi vô cùng thấu hiểu tâm tư của những người cũng kém may mắn như mình.
Sau này, khi đã là giáo viên đứng lớp môn mỹ thuật tại Trường Nuôi dưỡng và Giáo dục trẻ em tàn tật huyện Sóc Sơn (Hà Nội), chứng kiến học sinh của trường đều là những trẻ em thiếu may mắn, mỗi em mang trên mình một dị tật khác nhau và khi ra trường hầu hết không có công ăn, việc làm để có thể tự chủ cuộc sống, tôi càng xót xa, thương cảm.
Chính vì thế, năm 2009, tôi quyết định thành lập nhóm “Trái tim hồng” để tập hợp các bạn khuyết tật đã ra trường trên địa bàn làm công việc in, hoa khô, tranh sơn dầu và các mặt hàng thủ công mỹ nghệ khác.
Công việc trải qua bao khó khăn, thử thách. Nhiều lúc, tôi cũng thấy nản lòng và muốn bỏ cuộc. Nhưng với tình yêu thương các em cháy bỏng, tôi tự dặn lòng phải kiên trì dẫn dắt nhóm bước tiếp và ngày một phát triển, nâng cao tay nghề, mở rộng quy mô sản xuất, từ đó thu hút và tạo nhiều công ăn việc làm để người khuyết tật ở địa phương có thể ổn định cuộc sống.
Sau nhiều cố gắng, HTX Thủ công Mỹ nghệ Trái tim hồng chính thức thành lập vào tháng 1/2015. Đây không những là cơ sở pháp lý quan trọng để chúng tôi phát triển quy mô, tổ chức sản xuất, kinh doanh nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ, thu hút nhiều người khuyết tật đến làm việc hơn, mà còn mang đậm ý nghĩa nhân văn, vì “Trái tim hồng” là một tổ chức kinh tế do chính người khuyết tật Sóc Sơn làm chủ. Điều này đã mang lại nguồn động viên, khích lệ chúng tôi tự tin, xóa bớt mặc cảm về bản thân để sống hòa nhập, làm việc và đóng góp cho cộng đồng.
Động lực gì đã giúp chị vững vàng vượt lên trên những điều kém may mắn của bản thân và tiếp tục nâng đỡ những người cùng hoàn cảnh?
Với tôi, tình yêu thương là ngọn nguồn để làm nên sức mạnh cho mình, để tôi có được như hôm nay và tiếp tục đồng hành cùng những số phận kém may mắn khác.
Sinh ra trong gia đình nghèo, đông anh em, lại bị khuyết tật từ nhỏ, tôi cũng từng bị không ít bạn bè xa lánh, nhưng cũng nhận được rất nhiều tình yêu thương từ gia đình, thầy cô, bè bạn. Chính điều đó đã giúp tôi có thêm sức mạnh để theo đuổi việc học hành, với suy nghĩ, chỉ có học mới giúp mình thay đổi số phận. Sự yêu thương của những người thân đối với tôi và tình yêu của tôi với mọi người đã khích lệ tôi chăm chỉ lao động, phụ kiếm thêm tiền giúp đỡ cha mẹ. Tôi biết kiếm tiền từ khi 8 tuổi bằng việc bán nước rong ở chợ, số tiền kiếm được dù nhỏ, nhưng cũng đủ để trang trải việc học và giúp thêm cha mẹ.
Tôi thi đỗ vào Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội và theo học ngành sư phạm mỹ thuật. Sau khi ra trường, tôi cũng hăm hở đi xin việc làm, nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu từ chối. Để bươn chải cuộc sống, tôi nhận trang trí hoa cưới, vẫn phát huy chuyên môn của mình, lại mang đến niềm vui cho người khác.
Tôi cần mẫn với công việc này vài năm rồi trúng tuyển kỳ thi công chức và trở thành giáo viên mỹ thuật của Trường Nuôi dưỡng và Giáo dục trẻ em tàn tật huyện Sóc Sơn. Đây chính là bước ngoặt quan trọng trong đời để tôi được sống và làm việc đúng với ngành nghề mình đã chọn và được cống hiến nhiều hơn cho xã hội.
Tại ngôi trường này, hàng ngày tiếp xúc với các em bị khuyết tật, chứng kiến hoàn cảnh khó khăn và những vất vả của các em khi tìm việc làm sau khi học xong… đã thôi thúc tôi phải làm được điều gì đó để truyền cho các em nghị lực sống, khát khao được làm việc, được cống hiến, để thấy rằng sự tồn tại của mình vẫn có ý nghĩa với cuộc đời, mà trước hết là với bản thân và gia đình.
Sự ra đời của nhóm Trái tim hồng, sau này là HTX Thủ công mỹ nghệ Trái tim hồng, chính là quyết định vô cùng đúng đắn để tôi thực hiện ước mơ được sẻ chia và truyền cảm hứng sống ý nghĩa với người khuyết tật. Rất may mắn là mô hình hoạt động của chúng tôi đã được sự ủng hộ rất lớn từ các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội trong nước, quốc tế để HTX có thể hoạt động ổn định.
Với mô hình của một doanh nghiệp, HTX Thủ công mỹ nghệ Trái tim hồng gặp những khó khăn gì trong quá trình hoạt động? Chị có thể chia sẻ bí quyết để vận hành doanh nghiệp trôi chảy và để truyền “lửa” cho các nhân viên của mình?
Vừa là giáo viên tại Trường Nuôi dưỡng và Giáo dục trẻ em tàn tật huyện Sóc Sơn, vừa là người đứng đầu HTX Thủ công mỹ nghệ Trái tim hồng, phải lo lắng công ăn việc làm cho gần 30 nhân viên là người khuyết tật, tôi gần như không có thời gian cho mình. Nhưng rồi càng làm càng say sưa, càng thấy tràn đầy năng lượng. Tôi muốn mình cũng như các thành viên trong HTX, cùng làm việc để khẳng định giá trị của bản thân không thua kém người khác, làm việc để có ích cho bản thân và cho những người cùng cảnh.
Đôi nét về doanh nhân Đinh Thị Quỳnh Nga
Năm sinh: 1977
Giám đốc Hợp tác xã Thủ công mỹ nghệ Trái tim hồng; Ủy viên thường trực Hội Người khuyết tật, Chi hội trưởng Hội Phụ nữ khuyết tật huyện Sóc Sơn; Chủ tịch Hội Người khuyết tật xã Hồng Kỳ.
Danh hiệu thi đua: Nhiều năm là giáo viên dạy giỏi cấp huyện; Sáng kiến kinh nghiệm cấp thành phố; Gương người tốt, việc tốt TP. Hà Nội năm 2017; Bằng khen của Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Hà Nội năm 2018; Gương điển hình tiên tiến TP. Hà Nội năm 2018…
Khó khăn của HTX thì rất nhiều, từ vấn đề đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường, đến tìm đầu ra cho sản phẩm… tôi đều phải tính cả. Nhưng như đã nói, để HTX có thể hoạt động ổn định, là nhờ sự hỗ trợ rất lớn từ các cơ quan, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội. HTX nhận được nhiều chế độ dành cho tổ chức chính trị - xã hội vì cộng đồng theo quy định của Nhà nước.
Với sự giúp đỡ đó, từ khi thành lập đến nay, HTX đã được tham gia nhiều hội chợ trưng bày, giới thiệu và bán các mặt hàng thủ công mỹ nghệ lớn. Ngoài ra, các tổ chức quốc tế cũng hỗ trợ HTX nguồn vốn đầu tư mở rộng sản xuất.
Cùng sự giúp đỡ của xã hội, điều cốt lõi để HTX Thủ công mỹ nghệ Trái tim hồng khẳng định mình chính là chất lượng sản phẩm. HTX sản xuất hơn chục mặt hàng thủ công mỹ nghệ, gồm chiếu gỗ hương, khoác ghế ô tô, đệm lót văn phòng, gối đầu massage, túi xách mỹ nghệ, vòng đeo tay, dây đeo cổ… Các sản phẩm được gia công với chất lượng tốt, nên được thị trường đón nhận.
Bên cạnh đó, HTX còn có một xưởng sản xuất hạt gỗ hương cung cấp nguyên liệu cho nhiều cơ sở sản xuất khác; một cửa hàng văn phòng phẩm, photocopy, đánh máy, in ấn và có khu nhà nghỉ cho công nhân có nhu cầu ở lại...
Tôi không có bí quyết gì ngoài sự chân thành, sẻ chia và sự nỗ lực của chính bản thân mình. Tôi tự nhận thấy, mình cứ say sưa làm việc, làm thật tốt, phát huy hết khả năng của mình và không ngừng động viên, khuyến khích các thành viên trong HTX nỗ lực vượt lên hoàn cảnh chính là đã truyền cho họ cảm hứng và tạo động lực để họ lao động, sáng tạo. Được sống, được làm việc với mỗi người đã là hạnh phúc, đặc biệt với những người khuyết tật, hạnh phúc đó còn lớn gấp bội phần.
Theo Báo đầu tư