Sinh ra tại tỉnh Yên Bái và lớn lên ở tỉnh Lào Cai, trong những năm tháng dạy học ở vùng cao, cô giáo Hà Kim Phượng nhận thấy nơi đây học sinh chủ yếu là con em đồng bào dân tộc thiểu số nên phương ngữ khi phát âm tiếng Anh gặp rất nhiều trở ngại. Bên cạnh đó, trình độ học sinh không đồng đều, năng lực học sinh còn hạn chế, còn rụt rè trong giao tiếp nên việc tiếp cận lại càng khó khăn hơn.
Các bậc phụ huynh ở đây còn chưa thực sự quan tâm đến việc học ngoại ngữ của con em mình nên khá khó khăn trong việc phối hợp với nhà trường, thầy cô giáo. Về mặt kiến thức, kỹ năng, các em cũng chưa có môi trường tốt để phát triển ngôn ngữ, nhiều em còn ngại nói, ngại chia sẻ và chưa có các kỹ năng mềm cần thiết.
Bày tỏ mong muốn của mình, cô Kim Phượng tâm sự: "Với chương trình giáo dục phổ thông, tôi mong muốn học sinh đạt được kiến thức kỹ năng cơ bản của bộ môn và đạt chuẩn đầu ra của trình độ tiểu học là A1. Với các hoạt động khác, tôi mong học sinh được tham gia nhiều sân chơi, cuộc thi, dự án, chương trình tiếng Anh quốc để tạo cơ hội cho các em học tập, giao lưu chia sẻ kiến thức ngôn ngữ và hình thành, phát triển các kỹ năng cần thiết của công dân thế kỷ 21. Tôi muốn học sinh được tiếp cận sâu và rộng hơn với thế giới công nghệ bằng việc sử dụng các ứng dụng, phần mềm dạy học như Flipgrid (tăng cường tiếng nói học sinh), bộ công cụ của Microsoft, Skype, Nearpod…".
Kim Phượng cho biết cô đang nghiên cứu hướng dẫn các em học thêm về STEM và Robotics để các em tiếp cận với cách học mới trên nền tảng công nghệ mà thế giới đang sử dụng.
Trong nhiều năm tâm huyết và cống hiến cho ngành giáo dục tỉnh Lào Cai, cô luôn tìm cách nâng cao khả năng nhận thức về học tập trên môi trường mạng, đặc biệt là môi trường quốc tế. Trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng để các em tự tin hội nhập quốc tế. Mang hình ảnh của học sinh, con người, giáo dục Việt Nam ra thế giới. Cô Kim Phượng cũng chuyên tâm giúp các em học sinh hình thành thói quen học tập thường xuyên và linh hoạt với nhiều ứng dụng khác nhau cũng như tăng cường phát huy năng lực bộ môn của từng học sinh.
"Thời gian qua, học sinh được tham gia các dự án học tập với quy mô lớn như dự án lớp học toàn cầu, biến đổi khí hậu, dự án trao đổi văn hóa tương tác lớn nhất của Đại học thực nghiệm quốc tế. Tới đây, tôi sẽ tiếp tục cho các em tham gia các dự án, chương trình quốc tế nhưng ở một mức độ cao hơn. Sản phẩm mà các em làm ra trong các dự án sẽ phải dùng nhiều nền tảng công nghệ hơn như: Photo Stunt, Wakelet, Minecraft, Powtoon…", cô Kim Phượng chia sẻ.
Tạo cơ hội để học sinh thử sức với các vai trò mới
Bằng những sáng kiến khoa học trong cách giảng dạy, cô Hà Kim Phượng đã giành được nhiều giải thưởng quốc tế danh giá: Giải thưởng "Chuyên gia giáo dục sáng tạo Microsoft", giải thưởng "Nhà lãnh đạo giáo dục toàn cầu" của Đại học thực nghiệm quốc tế IIU, giải thưởng "Nhà giáo dục toàn cầu của năm" do Viện đào tạo các nhà giáo dục Hiệp hội Châu Á - Thái Bình Dương trao tặng, giải Đồng "Phụ nữ sáng tạo toàn cầu"...
Ngoài ra, cô được nhận Giấy khen của Tổ chức Hành động vì khí hậu vì những cam kết cho giáo dục khí hậu và hướng dẫn học sinh hành động vì hành tinh; Giấy khen là giáo viên tích cực nhất trong dự án trao đổi kiến thức tương tác lớn nhất của trường đại học thực nghiệm quốc tế.
Sau nhiều năm gắn bó và tạo điều kiện để học sinh vùng cao có cơ hội tiếp xúc với môi trường học quốc tế, vừa qua, cô Kim Phượng đã đồng hành cùng 26 học sinh Trường Tiểu học Bắc Lệnh (TP Lào Cai) mang về giải thưởng "Trường học xuất sắc Toàn cầu" trong dự án hành động vì khí hậu.
Kim Phượng cho biết điều cô tâm huyết nhất vẫn là giúp học sinh Lào Cai tiếp cận với ngôn ngữ quốc tế. Thời gian tới, cô sẽ tiếp tục tạo cơ hội để các em thử sức với các vai trò mới như làm các nhà lãnh đạo nhỏ tuổi, điều hành dự án, điều hành nhóm của mình trong dự án, là đại sứ tiếng nói học sinh, đại sức hòa bình, đại sứ môi trường…
An Khê