Bà  Kim Chi, người Việt tại Italia

Sang Italia  26 năm, lấy chồng người Italia, nhưng bà Hà Kim Chi vẫn cố gắng gìn giữ văn hóa Việt. Không chỉ cố gắng duy trì  ngôn ngữ trong gia đình với  nhiều khác biệt về văn hóa, bà Hà Kim Chi còn tham gia giảng dạy tiếng Việt ở Torino, thành phố nơi bà sống cũng như tích cực đóng góp trong nhiều hoạt động quảng bá văn hóa Việt Nam. Nội dung này được chuyển tới quý vị và các bạn trong cuộc trao đổi giữa phóng viên Đài TNVN với bà Hà Kim Chi.

PV:  Thưa bà, được biết, bà tham gia rất nhiều hoạt động về văn hóa Việt Nam, bà có thể thông tin cho thính giả một số hoạt động cụ thể?

Bà Hà Kim Chi: Ở bên đó tôi tham gia các phong trào về văn hóa. Ví dụ có những năm, ở thành phố tổ chức các chương trình văn nghệ dành cho cộng đồng các nước thì Việt Nam cũng tham gia. Chúng tôi tham gia đại diện cho nền văn hóa Việt Nam. Ở đó, chúng tôi cũng hát dân ca,  biểu diễn áo dài, có một lần thì giới thiệu về sự phá hoại của chất độc da cam ở Việt Nam. Tôi cũng tham gia biểu diễn một số tiết mục với các diễn viên chuyên nghiệp của thành phố, mấy đêm ở rạp Torino để giúp bạn bè quốc tế hiểu biết thêm về Việt Nam thời kỳ chiến tranh. Dịp lễ tết dành cho người Việt Nam và Italia tổ chức ở Trung tâm Việt Nam học với sự hỗ trợ của  lãnh sự quán Việt Nam thì tôi đều giúp về vấn đề tổ chức, nấu ăn, hát…

Ở bên đó, có Hội tương trợ Việt Ý, trụ sở chính ở Milan. Khi mà họ tổ chức họ ủng hộ thì chúng tôi cũng tham gia. Đóng tiền ủng hộ bão lụt tại VN và không chỉ có Việt Nam mà cả những vụ việc giúp đỡ cho mọi người ở Italia.

PV: Thưa bà, một trong những cách để gìn giữ văn hóa và tuyên truyền về văn hóa Việt, đó là gìn giữ ngôn ngữ. Được biết, là bên đó bà tham gia giảng dạy tiếng Việt. Bà có thể thông tin về công tác này?

Bà Hà Kim Chi: Ở bên đấy, tiếng Việt là một ngôn ngữ. Tôi dạy tiếng Việt không chỉ cho người Việt vì đây là điều tôi rất muốn phát triển sau này ở Italia đặc biệt là Torino.  Mà điều tôi làm từ trước tới nay chủ yếu  là dạy cho người Italia, mục đích  của những người này là đi du lịch, mục đích muốn tìm hiểu về Việt Nam và họ sang Việt Nam chuẩn bị nhận con nuôi. Còn nữa là những đứa trẻ được sinh ra ở Việt Nam sang đây làm con nuôi thì bố mẹ họ có nguyện vọng là con cái hiểu biết và học ngôn ngữ mẹ đẻ ngày xưa. Tôi có tham gia dạy khóa tiếng Việt cùng Trung tâm ngôn ngữ Việt Nam học hoặc theo yêu cầu của từng gia đình.

PV: Thưa bà, ở bên đó thực trạng giảng dạy tiếng Việt có khó khăn  gì không như là việc vận động phụ huynh đưa con em tới lớp?

Bà Hà Kim Chi: Tôi nghĩ là khó. Vì người Việt ở thành phố tôi sống chiếm tỷ lệ ít thêm vào đó họ sống không tập trung. Quan niệm của họ  hiện nay cũng chưa tập trung hẳn vào việc khuyến khích con em họ học tiếng việt. Nhiều gia đình, ở nhà chỉ có thể nói. Người nào kỹ hơn thì dạy học đọc và nói. Còn gửi tới trường nào đó để học tiếng Việt thì tôi nghĩ ở Torino khó khăn. Nhiệt huyết mình có, nhưng mà nhìn thực tại thì cũng không phải dễ dàng nhưng tôi sẽ cố gắng hợp tác với Trung tâm nghiên cứu Việt Nam học hoặc Lãnh sự quán hoặc bên đó, có thư viện về Việt Nam tôi sẽ cố gắng hợp tác.

PV: Trong gia đình bà thì văn hóa việt có được gìn giữ không và làm sao xóa bỏ được rào cản, sự khác biệt của hai nền văn hóa?

Bà Hà Kim Chi: Trong gia đình tôi con gái tôi nói tiếng việt được, nghe được, viết được nhưng phát âm không chuẩn. Về ẩm thực Việt Nam tôi vẫn thường nói và con tôi rất thích văn hóa cũng như ẩm thực Việt và con tôi lớn rồi thì về  nhận thức hiểu và rất muốn biết về văn hóa ẩm thực Việt. Bạn bè thường nói con tôi là người Italia thì biết gì về Việt Nam và chính điều đó, thôi thúc con tôi lại hỏi về điều đó.

Trong gia đình, tôi thì thích nhạc Việt Nam còn chồng tôi thích nhạc blue, nhạc jazz, nói chung phải nhường nhịn nhau một bước. Không hẳn là bắt buộc phải thích nhưng tôn trọng sở thích của nhau.

PV: Những kinh nghiệm  giảng dạy cũng như kiến thức thu được sau mỗi lần tập huấn giảng dạy tiếng Việt sẽ giúp cho bà những gì trong công việc của mình?

Bà Hà Kim Chi: Kế hoạch của tôi cũng sẽ tiếp tục những khóa học, giờ giảng tôi đang dạy ở Italia. Trước đó, có cuộc gặp mặt với các gia đình có con nuôi. Nhiều gia đình yêu cầu sẽ dạy cho con em thì tôi sẽ xem xét và sẽ cố gắng.

Xin cảm ơn bà

Theo VOV5