Hơn ai hết họ còn là những sứ giả, quảng bá hình ảnh đất nước, quảng bá nền văn hóa Việt Nam giàu bản sắc.
Ấm tình nơi xứ lạ
Với các gia đình người Việt ở nước ngoài, thì chị em phụ nữ là người vất vả nhất. Ngoài việc cùng chồng gánh vác công việc làm ăn, chị em còn phải lo chăm sóc nuôi dạy con cái, lo toan việc nhà…
Nếu như ở Việt Nam, đôi khi còn trông cậy vào ông bà nội ngoại, anh chị em đỡ đần, thì ở bên này việc gì cũng đến tay người phụ nữ. Với bấy nhiêu công việc, chị em phụ nữ còn rất ít thời gian cho bản thân…
Thế nhưng, dường như trách nhiệm lưu giữ, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới đã trở thành bản năng của phụ nữ Việt. Chị Minh Điệp - Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam tỉnh Odessa, Ukraina cho biết, dù bận trăm công nghìn việc, lo mưu sinh, chăm sóc gia đình nhưng những người phụ nữ Việt Nam không bao giờ quên đi nguồn cội. Họ hàng ngày truyền dạy văn hóa ngôn ngữ Việt Nam cho các con. Nhờ lời ru của mẹ, những câu chuyện cổ tích ân tình của các bà... mà hầu hết các thế hệ người Việt ở đây tuy không được sinh ra ở Việt Nam đều nói được tiếng Việt.
Dạy con nói tiếng Việt, gìn giữ các tập tục như thờ cúng tổ tiên, đi chùa cầu an, sum họp mỗi khi tết đến xuân về… không chỉ được gìn giữ ở những gia đình hạt nhân mà nó đã lan rộng ra cộng đồng người Việt thông qua các chi hội phụ nữ.
Chị Minh Diệp chia sẻ, để kết nối cộng đồng, giúp chị em cùng đoàn kết vượt qua khó khăn, Hội Phụ nữ tỉnh Odessa luôn tìm cách gắn kết những tấm lòng đến với tấm lòng.
Phụ nữ chứ không phải là ai khác, họ là hạt nhân chính dành chút thời gian hiếm hoi của mình chăm lo đến phong trào thanh thiếu niên, việc học hành, vui chơi của các cháu, thăm hỏi động viên những hoàn cảnh cần quan tâm, tham gia vào những hoạt động chung của Hội người Việt…
Một trong những hoạt động nổi bật đã để lại nhiều dấu ấn là phong trào văn hóa-văn nghệ cộng đồng. Do đó, cứ mỗi dịp Ngày Việt Nam tại Odessa đến, rất nhiều khách địa phương, khách quốc tế đã bị cuốn hút bởi vẻ đằm thắm, duyên dáng và mong muốn chụp ảnh với các thiếu nữ Việt Nam bởi những tà áo dài dịu dàng nơi miền xa đất lạ. Chị Minh Diệp chia sẻ, ở nơi xa xôi giá lạnh này, những tà áo thướt tha của các mẹ, các chị, các em, sưởi ấm lòng người xa xứ.
Đánh giá cao vai trò phụ nữ Việt
Phụ nữ Việt giỏi việc nước đảm việc nhà, điều này đã được bạn bè quốc tế khẳng định lại một lần nữa. Ở đất nước Bắc Âu xa xôi Na Uy, cộng đồng người Việt ở đây dù không nhiều người (khoảng hơn 20.000 người gốc Việt) nhưng giới chức và người dân Na Uy đánh giá cao sự đóng góp của phụ nữ Việt Nam ở xã hội sở tại.
Chị em tại đây tích cực hội nhập, góp phần quan trọng vào hoạt động cộng đồng cũng như phát huy truyền thống văn hóa Việt Nam. Đặc biệt, các bà, các mẹ luôn nâng cao hình ảnh tốt đẹp của người Việt cũng như tạo điều kiện học tập tốt nhất cho con cháu. Vì vậy, thế hệ trẻ người Việt theo học đại học, cao đẳng và cả cao học ở Na Uy có tỷ lệ cao.
Trong nhiều gia đình, chị em thường xuyên khuyến khích, giúp cho con cháu học tiếng Việt. Bà con người Việt hàng năm đều tổ chức Tết Nguyên đán đón năm mới theo truyền thống dân tộc, Tết Trung thu cho các cháu thiếu niên nhi đồng… Các bà, các mẹ nhiệt tình hướng dẫn con cháu tham gia biểu diễn những bài ca, điệu múa hay các nhạc cụ truyền thống dân tộc như đàn bầu, đàn tranh.
Theo Đại sứ Việt Nam tại Na Uy Lê Thị Tuyết Mai, cùng với sự hội nhập thành công của người Việt vào xã hội Na Uy, nét đẹp văn hóa của dân tộc đã và đang được người Việt ở nước sở tại duy trì và quảng bá, đặc biệt là tiếng Việt rất được chú trọng trong thanh thiếu niên gốc Việt. Không chỉ giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống, phụ vữ Việt ở Na Uy còn có ý thức “giữ lửa” trong mỗi nếp nhà. Đồng thời, do tiếp thu và phát huy ưu thế của bình đẳng giới ở Na Uy, đa số chị em đều năng động trong công việc, tích cực sinh hoạt cộng đồng và tham gia hoạt động xã hội. Có thể nói, phụ nữ chính là nhân tố quan trọng góp phần phát huy sự đoàn kết trong cộng đồng người Việt và giúp người Việt ở Na Uy hội nhập thành công - bà Mai chia sẻ.
Ngẩng cao đầu nơi xứ người
"Tôi thật tự hào và ngẩng cao đầu nơi xứ người vì mình là phụ nữ Việt Nam" - Chủ tịch Hội phụ nữ Việt Nam ở Hungary Phan Bích Thiện đã chia sẻ. Chị Thiện cho ràng, là phụ nữ vốn dĩ đã phải kiêm nhiều thiên chức, làm vợ, làm mẹ, làm con, làm người có ích ngoài xã hội... Nhưng là phụ nữ Việt Nam dường như so với chị em khác trên thế giới có phần kiêm thêm nhiều trách nhiệm hơn, phải cố gắng nhiều hơn. Đặc biệt với chị em sống nơi xứ người thì sự cố gắng ấy phải nhân lên rất nhiều lần so với chị em trong nước.
Phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài họ vẫn lo hai vế gia đình, xã hội nhưng để thực hiện được 2 nhiệm vụ lớn lao trên họ gặp rất nhiều rào cản. Rào cản ngôn ngữ bất đồng, rào cản văn hóa khác biệt.
Để giúp chị em vượt qua những rào cản ấy, Hội Phụ nữ Việt Nam ở Hungary đã tổ chức rất nhiều hoạt động chủ yếu phục vụ cho việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc nơi xứ người thông qua việc tổ chức các buổi thi khéo tay hay làm, thi ẩm thực Việt Nam, tổ chức biểu diễn thời trang, thông qua đó giới thiệu chiếc áo dài Việt Nam ra thế giới... Tất cả các hoạt động này được thực hiện đều có chung mục đích giúp người Việt xa xứ hướng về nguồn cội cũng như đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới...
Hoạt động bề nổi là như vậy, nhưng điều đó chưa làm nên bản sắc phụ nữ Việt, chị Thiện cho biết, Hội Phụ nữ thường tổ chức các đợt vận động quyên góp quỹ trợ giúp các chị có hoàn cảnh khó khăn cả trong và ngoài nước để chị em cùng vươn lên. "Với chúng tôi, ai cũng ý thức câu hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn 'sống trong đời cần có một tấm lòng' - chị Thiện chia sẻ.
Theo Quehuongonline