Đó là sản phẩm "cơm ăn liền" độc đáo của nhóm nữ sinh viên Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, gồm Dương Thị Hồng Phượng, Võ Thị Hồng Nhung, Trần Thị Huỳnh Như, Lê Thị Yến Lin, Nguyễn Ngọc Diễm Hằng, dưới sự hướng dẫn của thạc sĩ Nguyễn Hoàng Anh, giảng viên khoa công nghiệp thực phẩm của trường.

Sản phẩm này vừa được Bộ GD-ĐT trao giải nhất tại Giải thưởng khoa học và công nghệ dành cho sinh viên 2022 vào ngày 9.11.

6 phút là có cơm ăn

Chia sẻ với PV Thanh Niên, thạc sĩ Nguyễn Hoàng Anh cho biết: "Các em có ý tưởng và bắt tay vào nghiên cứu quy trình sản xuất cơm ăn liền từ năm 2020. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 nên phải dừng lại và đến 2022 mới hoàn thiện sản phẩm sau 3 năm thầy trò đồng hành cùng nhau".

Giúp 'giải phóng' thời gian nội trợ bằng cơm ăn liền, nhóm nữ sinh giành giải nhất - ảnh 1

Nhóm nữ sinh bên giảng viên hướng dẫn, thạc sĩ Nguyễn Hoàng Anh

NVCC

Dương Thị Hồng Phượng, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết khái niệm cơm ăn liền vẫn còn khá mới mẻ và chưa được phổ biến trên thị trường lúa gạo hiện nay. Trong cuộc sống hiện đại, con người bận rộn với công việc, thời gian dành cho các bữa cơm cũng bị rút ngắn lại. Vì thế, các loại thức ăn nhanh đã ra đời. Để đáp ứng được xu hướng đó, nhóm sinh viên sử dụng nguyên liệu lúa để nghiên cứu sản xuất cơm ăn liền, tạo ra sự đa dạng về các sản phẩm làm từ lúa gạo cho thị trường thực phẩm của Việt Nam.

Theo nhóm nghiên cứu, gạo để sản xuất cơm ăn liền được sản xuất từ lúa mới thu hoạch để đảm bảo độ tươi, ngọt và mùi thơm đặc trưng của giống, cấu trúc dẻo của cơm. Cụ thể, lúa được phơi khô, tách bỏ vỏ trấu, xát nhẹ lớp cám mỏng, không qua xát trắng kỹ và đánh bóng, không có công đoạn bảo quản, lưu kho.

Giúp 'giải phóng' thời gian nội trợ bằng cơm ăn liền, nhóm nữ sinh giành giải nhất - ảnh 2

Sản phẩm cơm ăn liền sốt mắm tỏi

Giúp 'giải phóng' thời gian nội trợ bằng cơm ăn liền, nhóm nữ sinh giành giải nhất - ảnh 3

Thiết kế bao bì của cơm ăn liền khá bắt mắt

"Cơm ăn liền được hồ hóa một phần bằng hơi nước, sau đó được sấy khô để giữ cho hạt gạo ở trạng thái xốp, các hạt cơm khô, riêng lẻ, về cơ bản không bị vón cục. Khi sử dụng, chỉ cần cho nước vào theo tỷ lệ được hướng dẫn sử dụng trên nhãn sản phẩm, sau đó cho vào lò vi sóng, chỉnh chế độ nấu ở mức trung bình trong 5-7 phút là có món cơm nóng để thưởng thức", Trần Thị Huỳnh Như cho biết thêm.

Góp phần nâng cao giá trị hạt gạo

Nghiên cứu của nhóm sinh viên còn chỉ ra rằng cơm ăn liền có nhiều lợi ích cho sức khỏe như tăng cường miễn dịch, bổ sung vitamin, khoáng và chất xơ, giúp giảm nguy cơ ung thư.

Sản phẩm này giúp người tiêu dùng rút ngắn rất nhiều thời gian nấu ăn, nhất là phụ nữ hiện đại để họ có thêm thời gian làm việc, cống hiến, đóng góp cho sự phát triển của xã hội, tăng thu nhập cho bản thân và gia đình. Những ưu điểm này đã thực sự thuyết phục ban giám khảo.

Giúp 'giải phóng' thời gian nội trợ bằng cơm ăn liền, nhóm nữ sinh giành giải nhất - ảnh 4

Nhóm sinh viên Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM được Bộ GD-ĐT trao giải nhất tại Giải thưởng khoa học và công nghệ dành cho sinh viên 2022 vào ngày 9.11

Nhận định về sản phẩm này, thạc sĩ Nguyễn Hoàng Anh cho rằng quy trình sản xuất cơm ăn liền sẽ có khả năng chuyển giao, đa dạng hóa sản phẩm và ứng dụng vào thực tiễn rất cao.

"Những quy trình sản xuất cơm ăn liền và sản phẩm ứng dụng từ cơm ăn liền: vị mặn (cơm chà bông, cơm rong biển, cơm mè đen), vị ngọt (atiso đỏ, matcha), hoàn toàn không sử dụng phụ gia và chất bảo quản nên rất dễ dàng áp dụng ở các công ty lương thực, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh lúa gạo. Sản phẩm cơm ăn liền góp phần nâng cao giá trị hạt gạo, tăng thu nhập cho người nông dân trồng lúa là thế mạnh của Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả nước Việt Nam nói chung", thạc sĩ Hoàng Anh nhận định.

Được biết trong thời gian tới, Công ty FoodTech sẽ hỗ trợ chuyển giao công nghệ và đưa ra thị trường sản phẩm cơm ăn liền của nhóm nữ sinh.

Giải thưởng khoa học và công nghệ dành cho sinh viên trong cơ sở giáo dục ĐH năm 2022 do Bộ GD-ĐT phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Bộ Khoa học và Công nghệ, Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam VIFOTEC triển khai thực hiện.

Giải thưởng năm 2022 có 416 đề tài thuộc 6 lĩnh vực khoa học và công nghệ từ 94 cơ sở giáo dục ĐH. Trong đó, 336 đề tài của sinh viên từ 89 cơ sở giáo dục ĐH đảm bảo tính hợp lệ theo quy định đã được đưa vào xét chọn.

Hơn 100 nhà khoa học đến từ các cơ sở giáo dục ĐH, viện nghiên cứu khắp cả nước đã tham gia xét chọn giải thưởng. Tại lễ tổng kết ban tổ chức đã trao 12 giải nhất, 44 giải nhì, 78 giải ba và 116 giải khuyến khích.

 

Theo Thanh niên