GS Phan Xuân Minh
Tròn 40 năm sải bước trên hành trình nghiên cứu khoa học và giảng dạy, cô luôn tiến về phía trước, với tâm niệm đã nói thì nhất định phải làm, đã làm thì phải đến nơi đến chốn cùng phương châm “Hãy biến đam mê thành khát vọng”...
Trót mang cái nghiệp vào thân
GS Phan Xuân Minh kể: “Ngày tôi được Đảng và Nhà nước cử đi học năm 1970 ở Cộng hòa Liên bang Đức cũng là lúc bao bạn trai cùng trang lứa lên đường nhập ngũ vào chiến trường hy sinh cả tuổi trẻ cho đất nước. Tôi biết với một người con gái lựa chọn con đường xa quê hương đi học thì sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức trong tương lai”. Nhưng dù vậy, cô nữ sinh vẫn dũng cảm theo đuổi học hành và cùng chung nguyện vọng với nhiều lưu học sinh năm đó sẽ quay trở về.
GS Phan Xuân Minh còn nhớ, năm 1977, để hòa nhập với môi trường sư phạm khi nhận nhiệm vụ giảng dạy tại Trường ĐHBK Hà Nội sau nhiều năm tháng học tập tại nước ngoài, cô quyết tâm “bám” từng giảng đường để nghe bài giảng lý thuyết của các thầy cô trong Khoa Điện ngày ấy (nay là Viện Điện).
Muốn có thêm kinh nghiệm thực tiễn, cô lại tiếp tục “xắn tay” tự làm bất cứ mọi việc từ hàn linh kiện đến cuốn biến thế, mặc dù đối với một kỹ sư thiết kế, cô thường thiết kế hệ thống xong, lên bản vẽ chi tiết đưa xuống xưởng là đã có các thợ lành nghề làm mạch cho. Tuy nhiên về Trường, cô cảm thấy “cũng khá vất vả, vì con gái làm không quen nên lúc đó tôi thấy cũng nản lắm nhưng trót mang cái nghiệp vào thân thì mình đam mê và làm tới cùng”.
Sau này công việc ở Trường bắt đầu quen dần, năm 1985, cô trở lại Đức làm nghiên cứu sinh (NCS) lĩnh vực tự động hóa với những rô bốt, máy móc, xe cộ... “Tôi thấy mình thật may mắn khi được quay lại nơi đã từng học đại học, trường TU – Ilmenau để có thời gian học thêm và hệ thống hóa kiến thức ở ngành nghề mình được đào tạo ở mức cao hơn”.
Thời điểm bấy giờ, thế giới đang ở cuộc cách mạng công nghiệp 3.0, các hệ thống tự động hóa được phát triển trên nền kỹ thuật số và máy tính điện tử thời kỳ đầu. Do vậy, với cô, thời gian NCS đã mang lại trải nghiệm đáng nhớ. Thời gian này, cô tự định hình phương pháp và hướng nghiên cứu. Sau khi bảo vệ luận án, cô dường như “lột xác”, trở nên tự tin trong công việc hơn rất nhiều.
Hạnh phúc vì là cô giáo Bách khoa
Gần 40 làm nghề giáo, cô hạnh phúc được đứng trên giảng đường dạy cho sinh viên, làm nghề mà mình yêu thích từ thời cắp sách. Nghề này cũng nhiều nhọc nhằn nhưng mang lại cho cô tình yêu của các học trò, tự nhiên như hơi thở trong cuộc sống của cô. Có người hỏi rằng “nếu được đổi lại tôi chọn nghề gì?” - “tôi vẫn chọn là cô giáo của Bách khoa” – GS Minh đã trả lời.
Bên cạnh việc làm giảng dạy tại Trường ĐHBK Hà Nội, vốn mê nghiên cứu, GS Minh luôn tranh thủ đến phòng thực hành. Nơi đây, cô cùng sinh viên, NCS sử dụng tối đa các trang thiết bị để cho ra đời những sản phẩm tự động hóa, giải pháp kỹ thuật mới.
Hiện tại, cô đang theo đuổi hướng nghiên cứu về điều khiển các hệ điện cơ thiếu cơ cấu chấp hành, điều khiển phi tuyến kết hợp với hệ thống thông minh.
Đề tài mà GS Minh tâm đắc nhất là luận án TS của NCS Ngô Trí Dương: “Tự động hóa quá trình sản xuất rau sạch”, bảo vệ năm 2010. GS Minh đã từng muốn cùng NCS phát triển tự động hóa trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp sạch. “Tiếc là bảo vệ xong luận án em ấy lại chuyển sang làm lãnh đạo, không còn thời gian để nghiên cứu nữa” – cô Minh cho biết.
Mong đợi những đổi thay...
Là người đi nhiều, hiểu nhiều, cô nhận định: “Thế giới đang biến đổi từng ngày. Ngành tự động hóa Việt Nam đang đứng trước cơ hội và thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (FIR) gồm một loạt các công nghệ tự động hóa hiện đại, trao đổi dữ liệu và chế tạo. FIR gắn liền với khái niệm “Nhà máy thông minh – Smart Factory”, sự dung hợp của các ngành công nghệ và tương tác giữa chúng trên các lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số, và sinh học. Đó chính là điều làm cho FIR khác với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đó”...
Cô vẫn thường nhắc nhở học trò rằng, sự sáng tạo bắt nguồn từ trí tuệ và lòng tự tôn dân tộc, vì vậy thế hệ trẻ vẫn là điều kiện tiên quyết để Điều khiển - Tự động, một ngành khoa học tương lai của đất nước phát triển.
Do vậy, cô luôn tin tưởng, đã gọi là sự dung hòa và kết hợp, thì những chuyên ngành được Trường đào tạo hiện nay hoàn toàn phù hợp để tạo ra các sản phẩm của công nghiệp 4.0. Cô cho rằng, đó còn là sự kết hợp hài hòa giữa các ngành công nghệ cao (tự động hóa, chế tạo máy, công nghệ điện tử, công nghệ thông tin).
Cô cũng trăn trở, mong muốn trong tương lai không xa, việc đào tạo các kỹ sư cho từng hướng phải chuyên môn hóa cao hơn, năng lực làm việc theo nhóm phải tốt hơn thì mới mong có được sản phẩm sáng tạo và theo kịp thời đại.
Không ai có thể dễ dàng theo đuổi đến cùng nghiên cứu khoa học nhất là với một phụ nữ. Để có được thành quả hiện tại, người làm khoa học phải vượt qua một chặng đường dài gian nan, khổ luyện, miệt mài học tập, nghiên cứu, học hỏi, thực hành.
Chỉ có sự quyết tâm, niềm say mê nghề nghiệp mới khiến GS Phan Xuân Minh đạt được những mục tiêu đó. Thế nhưng, cô vẫn khiêm tốn tự nhận mình là người “may mắn, thuận lợi hơn nhiều so với người khác”.
Bao nhiêu năm đứng trên bục giảng và làm nghiên cứu khoa học, cô luôn nhắc nhở bản thân phải “học hỏi cái tốt của mọi người và định làm công việc gì phải làm bằng được, không được bỏ cuộc!”. Cô rất tâm đắc với câu nói của nguyên Hiệu trưởng Hoàng Văn Phong: “Phải biết biến đam mê thành khát vọng”.
Theo Dân trí